Loạn giới showbiz - Lỗi một phần từ cơ quan quản lý!

  Ông Vương Duy Biên- Cục trưởng- Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định, vi phạm tổ chức nghệ thuật biểu diễn liên tiếp xảy ra một hai năm gần đây là do doanh nghiệp chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả, cố tình hoặc tiếp tay với nghệ sĩ để thu lợi nhuận; một số nghệ sĩ khả năng hạn chế nên phải nhờ cậy đến máy móc; một số nghệ sĩ khác mặc váy ngắn, hở nội y để tạo chú ý của công chúng và truyền thông. Một phần nguyên nhân cũng là sự buông lỏng của cơ quan quản lý.
[links()] Ngày 1/6/2012, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang với các đơn vị nghệ thuật, các công ty tổ chức biểu diễn, các ca sĩ, người mẫu. Theo đó, có một vài ý kiến lấn cấn của các đại biểu khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 65 này.
“Hát nhép” có phạt hay không?
Ông Vương Duy Biên- Cục trưởng- Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định, vi phạm tổ chức nghệ thuật biểu diễn liên tiếp xảy ra một hai năm gần đây là do doanh nghiệp chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả, cố tình hoặc tiếp tay với nghệ sĩ để thu lợi nhuận; một số nghệ sĩ khả năng hạn chế nên phải nhờ cậy đến máy móc; một số nghệ sĩ khác mặc váy ngắn, hở nội y để tạo chú ý của công chúng và truyền thông. Một phần nguyên nhân cũng là sự buông lỏng của cơ quan quản lý. 
Tại hội nghị, ông Vương Duy Biên cho hay, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định và đã xin ý kiến các Bộ ngành, các thành viên Chính phủ ủng hộ. Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn còn đề xuất đưa ra mức xử phạt tiền từ 15- 20 triệu đồng với hành vi hát nhép của các ca sĩ. 
Việc phạt hay không các ca sĩ hát nhép cũng được các đại biểu bàn cãi. NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam cho hay, Chỉ thị 65 ra đời rất kịp thời. Nhưng có một số điểm cần lưu tâm. Các ca sĩ hát nhép bị phạt tiền, tôi thấy chưa công bằng lắm. Sao chỉ phạt ca sĩ hát nhép mà không thấy các đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật bị phạt?  Nếu những người lãnh đạo các công ty nghệ thuật, các nhà hát không cho phép thì nghệ sĩ cũng không thể tự ý hát nhép.
Do đó, nếu chỉ quy trách nhiệm việc hát nhép cho ca sĩ, nghệ sĩ còn người tổ chức biểu diễn, những người có trách nhiệm chỉ dẫn, kiểm duyệt các chương trình biểu diễn nghệ thuật trước khi đến với công chúng, làm ngơ và không chịu trách nhiệm thì không thể được. Đã phạt phải phạt cả hai phía.
Tuy nhiên, về mức độ xử phạt đối với trách nhiệm của từng người sẽ khác nhau, chẳng hạn ca sĩ là người trực tiếp gây nên lỗi đó nên sẽ bị mức xử phạt là cao nhất, kế đến là đạo diễn và sau nữa là đến nhà tổ chức. Việc xử phạt không nghiêm, làm cho có thì không thể nào chấm dứt được tình trạng này.
Cũng có ý kiến về xử phạt hát nhép,  NSND Thanh Hoa cho hay, chị cũng như những nghệ sỹ lớn của Việt Nam rất ghét phải hát nhép. Thế nhưng ở một số chương trình lớn tại sân vận động âm thanh bị loãng, chị đã phải hát nhép theo yêu cầu của ban tổ chức, yêu cầu của Đài truyền hình vì phải đảm bảo chất lượng âm thanh phục vụ hàng triệu người trong và ngoài nước. 
NSND Thanh Hoa yêu cầu các cơ quan chức năng cần rạch ròi việc cấm và phạt hát nhép. Bất kỳ trường hợp nào bán vé thì không được hát nhép. Còn ở các chương trình lớn phục vụ, tuyên truyền cho xã hội, cho đất nước với số lượng hàng triệu người nghe thì có thể chấp nhận cho hát nhép. Xử phạt hát nhép phải được quy định cụ thể ở những chương trình nghệ thuật khác nhau.
Chỉ thị “bỏ quên” nhà thiết kế?
Theo cựu người mẫu Thúy Hằng- Giám đốc điều hành của công ty người mẫu Elite thì, dường như nghị định 65 đang “bỏ lọt” các nhà thiết kế. Bởi theo Chỉ thị số 65 thì chỉ “chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang với cá đơn vị nghệ thuật, các công ty tổ chức biểu diễn, các ca sĩ, người mẫu” mà không hề có sự hiện diện của các nhà thiết kế.
Theo cựu người mẫu này thì quả là không công bằng. Các bộ thời trang có phản cảm, “nhức mắt” hay không đều phụ thuộc vào các nhà thiết kế. Người mẫu chỉ là ma nơ canh sống. Vì công việc, họ phải mặc các bộ thời trang của các nhà thiết kế yêu cầu.
Không những vậy, họ còn dùng các đạo cụ gây ra điều tiếng khác để thể hiện ý đồ của nhà thiết kế. Ví như vụ người mẫu Thanh Hằng cầm điếu thuốc điện tử nhả khói vào khán giả. Cô ấy không tự mình làm điều đó mà đằng sau là sự “chỉ đạo” của nhà thiết kế. Thế nhưng, khi xử phạt dường như, các nhà thiết kế lại “lọt lưới”. Theo tôi, các nhà duyệt chương trình thời trang cần yêu cầu phía bên tổ chức, nhà thiết kế phải cung cấp các mẫu thiết kế, các ý tưởng và các đạo cụ liên quan. Cần quy định rõ ràng trách nhiệm của các nhà thiết kế.
Còn việc đăng ký giấy phép kinh doanh nghệ thuật biểu diễn, ông Trương Nhuận- Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ lên tiếng: “Nên có giám sát sửa đổi về việc đăng ký giấy phép kinh doanh nghệ thuật biểu diễn. Bởi, nếu dễ dãi, sẽ có sự lách luật của các công ty vi phạm -xin phép các tỉnh quay lại chuyển tiếp biểu diễn ở Hà Nội. Các tỉnh chỉ cần 500 nghìn là lập được công ty, và xin giấy phép là một điều dễ dàng. Nên cấp phép giới hạn ở địa phương mà chương trình diễn ra…
Trong hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, cần có buổi họp mặt định kỳ 3 tháng/lần giữa các nhà quản lý với các đơn vị tổ chức biểu diễn. Đây là điều rất quan trọng. Các đơn vị thẩm định phải gặp gỡ diễn viên, nghệ sĩ ít nhất trước 15 phút khi biểu diễn để chuyển tải ý định. Bên cạnh đó, muốn xử lý tốt, nên có đường dây nóng giữa đơn vị tổ chức và đơn vị quản lý khi biểu diễn”.
Bảo Châu

Đọc thêm