Loạn lãi suất tiền gửi tiết kiệm

Trần lãi suất tiền gửi VND theo đồng thuận là 12% một năm, mức trả thực tế cho khách cao hơn, nhưng nhiều nhà băng vẫn công bố 11% cho nhiều kỳ hạn. Người gửi tiền muốn biết ưu đãi ra sao, phải đến ngân hàng để đàm phán.

Trần lãi suất tiền gửi VND theo đồng thuận là 12% một năm, mức trả thực tế cho khách cao hơn, nhưng nhiều nhà băng vẫn công bố 11% cho nhiều kỳ hạn. Người gửi tiền muốn biết ưu đãi ra sao, phải đến ngân hàng để đàm phán.

Anh Hoàng có khoản tiền 500 triệu đồng sắp đáo hạn tại một ngân hàng quốc doanh, có ý định chuyển sang một nhà băng cổ phần để hưởng lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, khi nhìn vào biểu lãi suất công bố của một nhà băng cổ phần nhỏ, anh giật mình khi chỉ có mức 11% một năm cho hầu hết các kỳ hạn.

Khách hàng không thể tìm được mức lãi suất tiết kiệm thực trên các công bố chính thức. Ảnh: Hoàng Hà
Khách hàng không thể tìm được mức lãi suất tiết kiệm thực trên các công bố chính thức. Ảnh: Hoàng Hà

Tò mò vì không hiểu lý do, anh bốc máy gọi điện cho một điểm giao dịch của nhà băng tại quận Ba Đình (Hà Nội). Khi hỏi kỳ hạn 3 tháng, nhân viên ở đây thông tin 12,9% một năm. Giải thích về sự khác biệt giữa lãi suất công bố chính thức trên website và mức thực tế đưa ra cho khách hàng, nhân viên này cho biết, phòng giao dịch được quyền tự chủ nên được đưa ra mức cao hơn công bố.

Tại phòng giao dịch cùng địa bàn của một ngân hàng cổ phần khác, mức lãi suất được công bố chỉ là 11,2 -11,4% nhưng khi gọi điện hỏi thì nhân viên đều trả lời mức tối thiểu là 12%. Với khoản tiền gửi tiết kiệm vài trăm triệu trở lên, nhân viên ở đây đề nghị khách hàng đến tận nơi để được tư vấn thêm.

Theo khảo sát của VnExpress.net, mặc dù 12% là mức lãi suất đồng thuận nhưng mặt bằng thực tế đã cao hơn mức này. Tuy nhiên, không ít nhà băng lại để mức huy động công khai trên website ở nhiều kỳ hạn chủ chốt (từ 1 đến 12 tháng) dưới 12%. Nguồn tin từ một ngân hàng cổ phần cho biết: “Do bộ phận website chậm thay đổi nên mức lãi suất công bố cũng không chính xác. Tuy nhiên, có một phần lý do là công bố 12% cũng không đúng với thực tế”.

Hiện tại, khi đi gửi tiền tại các ngân hàng, ngoài việc nên tìm hiểu thông tin kỹ trước khi gửi, khách hàng cũng cần phải đến trực tiếp để đàm phán với ngân hàng về ưu đãi mình được hưởng. Người gửi sẽ không thể tìm thấy lãi suất chính xác trên các phương tiện được công bố chính thức từ nhà băng.

Chị Hằng (Đống Đa, Hà Nội) định chuyển nhà băng gửi tiền nhưng khi tham khảo lãi suất thì chóng cả mặt bởi nơi nào cũng đề nghị phải đến tận nơi chứ không nói chính xác các ưu đãi qua điện thoại.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội tâm sự, việc đem lại lợi ích cho khách hàng là chính đáng nhưng hiện nhiều nhà băng vẫn phải làm kiểu “chui lủi”. Chính điều này dẫn tới việc loạn thông tin về lãi suất làm khách hàng rất khó lựa chọn địa điểm gửi tiền với mức lãi suất cạnh tranh nhất. “Nguyên nhân cũng bởi đưa ra một mức đồng thuận mà chẳng ai tuân thủ trên thực tế nhưng vẫn phải ‘diễn’ như thật để tránh phiền lòng các cơ quan quản lý”, ông này nói.

Phó chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng cổ phần nhận xét, với ngành ngân hàng, tính minh bạch là yếu tố cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, với việc tất cả các nhà băng đồng loạt không tuân thủ mức đồng thuận 12% nhưng lại vẫn treo biển 12%, tính minh bạch của hệ thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây cũng là nguồn gốc dẫn tới những rủi ro về mặt đạo đức mà các ngân hàng cũng chưa thể lường hết.

“Một người gửi tiền không hỏi nhân viên ngân hàng sẽ chỉ được hưởng lãi suất 12% hoặc thấp hơn trong khi hỏi kỹ thì sẽ cao hơn. Điều này là không công bằng đối với khách hàng. Khi việc không minh bạch được tiến hành ở quy mô lớn thì những rủi ro cũng sẽ là rất lớn”, chuyên gia tiền tệ này nhận định

Hoàng Ly

Đọc thêm