Thông thường, giá thành một bộ sách tham khảo (STK) so với bộ sách giáo khoa (SGK) đắt hơn từ 3 đến 6-7 lần. Chính vì vậy, STK tại các cửa hàng sách đều nhiều vô thiên lủng, khiến người tiêu dùng như lạ vào mê hồn trận.
|
Mê hồn trận sách tham khảo đang làm các bậc phụ huynh lúng túng |
Riêng sách tham khảo môn Toán lớp 3 tại cửa hàng sách 45B Lý Thường Kiệt đã để hết một kệ sách. Nhưng qua ý kiến của các bậc phụ huynh thì họ rất lúng túng khi chọn sách tham khảo cho con. Chị Lý Thu Giang, có con đang học lớp 3 trường Tiểu học Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết chị cũng chưa biết phải mua sách tham khảo cho con thế nào khi mà thị trường sách có sự góp mặt của các NXB trong Nam, ngoài Bắc vô cùng đa dạng.
Nhiều phụ huynh e dè khi mua sách tham khảo cho con của các NXB phía Nam với lý do nó không hợp “gu” ngoài Bắc. Còn với cấp học THPT thì việc lựa chọn sách tham khảo cho con có vẻ khó hơn nhiều. Bởi nhiều môn học và thị trường này cũng có nhiều các NXB tham gia. Để “an toàn” chị Lại Hồng Thúy, có con học ở trường THPT Trương Định, Hà Nội cho hay không những SGK mà cả sách tham khảo chị cũng nhờ cô giáo mua hộ.
Nhiều phụ huynh chia sẻ, môn nào cũng có STK, từ lớp 1 đến lớp 12. Mỗi bộ có đến 5-7 quyển. STK có mẫu mã rất phong phú, hình thức “bắt nắt”, quyển nào cũng có những cái tên rất “kêu”, nhưng nội dung hầu như na ná giống nhau, chỉ là các bài trùng lặp có sẵn trong sách giáo khoa. Chỉ riêng môn tiếng Việt lớp 4, trên giá, ngoài bộ sách giáo khoa, đương nhiên học sinh nào cũng phải mua, có đến hơn một chục cuốn STK, nâng cao như: “Bồi dưỡng Văn - Tiếng Việt”; “Tiếng Việt nâng cao”; “Cảm thụ Văn tiểu học 4”; “150 bài văn mẫu”; “Tuyển tập 150 bài văn hay”; “Để học tốt tiếng Việt”…
Môn Toán lớp 4 cũng có đến hàng chục cuốn STK của các tác giả khác nhau. Thống kê sơ sơ, bậc Tiểu học có 100 đầu STK khác nhau; bậc THCS là 200; bậc THPT gấp đôi là 400. Riêng lớp 4 STK là 20 đầu sách; lớp 8 là 50; lớp 12, cuối cấp phổ thông thì Văn 20, Ngoại ngữ 25; các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, cả Sử, Địa…môn nào cũng có STK nhiều cỡ ngang môn Văn, Ngoại ngữ. Rồi nữa, các loại STK trắc nghiệm cũng đua nhau nở rộ “vàng thau lẫn lộn” chẳng biết đâu mà…tìm.
Có thể nói, STK được xem là những bài mẫu nhưng thực ra lại quá nhiều lỗ hổng và lợi bất cập hại. Đơn cử STK môn Toán các sai sót thường là không giải quyết đầy đủ các trường hợp của một bài toán, hoặc mắc phải những sai lầm trong Toán dễ gặp. Rõ ràng STK có tác dụng ngược trở lại, tạo nên những lỗ “hổng”, thậm chí còn phản khoa học ngay trong những cuốn sách dùng để bồi dưỡng cho học sinh, lại có những lỗi sai rất cơ bản. Ví dụ: Trong cuốn 162 bài văn chọn lọc dành cho học sinh lớp 7 của NXB ĐHQG TP.HCM, bài thơ “Khóc Dương Khuê” được viết là của Tú Xương, trong khi thực ra, tác giả bài thơ là Nguyễn Khuyến. Hay trong sách tham khảo môn Sinh học lớp 7: Giun đất hô hấp bằng mang, trong khi lẽ ra là phải bằng da, cá chép lại thở bằng phổi trong khi đáng lẽ là phải bằng mang. Nhiều cuốn sách tiếng là văn mẫu nhưng hành văn lại rất lủng củng, câu văn không chuẩn về ngữ pháp, lỗi chính tả nhiều và từ ngữ thì thiếu chính xác: Chẳng hạn, mô tả cây chuối, tác giả dùng từ khẳng khiu.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là người từng phản ánh vấn đề này khi còn là Đại biểu Quốc hội khóa 11. Ông cho rằng: Sự lộn xộn của thị trường sách tham khảo học sinh bắt nguồn từ việc chạy theo lợi nhuận của một số nhà xuất bản và một số tác giả, trong khi đó, quy trình quản lý đối với loại sách này lại thiếu chặt chẽ. Điều này sẽ mang lại hậu quả tai hại cho người tiêu dùng, trực tiếp là các em học sinh. Ông ví von: “Thuốc mà lưu hành trên thị trường phải qua Bộ Y tế xem xét và cho phép. Sách cũng như thế, sách tham khảo được học sinh dùng, thậm chí nhiều thầy cô dùng và yêu cầu học sinh của mình mua. Vậy mà không có ai duyệt, đưa vào trong nhà trường dùng như thế thì rất nguy hiểm, nó không khác gì dùng thuốc mà chưa qua kiểm định”.
Miên Thảo