|
Ảnh minh họa. |
Các chính sách “cứu” chưa đủ liều
Ông Nguyễn Văn Đực- Giám đốc Cty Đất Lành bức xúc: Hiện có khoảng 70 đến 80% DN BĐS bị tê liệt. Vấn đề này đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, thế nhưng rất tiếc là những cơ quan quản lý coi thường cảnh báo đó. Những chính sách để cứu ngành BĐS ra không đúng lúc, đúng liều nên việc mong chờ vào sự hỗ trợ của ngân hàng là không đáng kể.
Việc thắt chặt tín dụng, tiền sử dụng đất quá cao, trong khi khấu trừ chưa thực tế so với số tiền DN đã bỏ ra để bồi thường cho người dân, không bán được hàng, phải nuôi đội ngũ công nhân cộng với “đống nợ” ngân hàng với lãi suất “cắt cổ” đã đẩy nhiều DN BĐS rơi vào tình trạng phá sản. Nếu từ nay đến cuối năm 2012 không khơi thông được thì chắc chắn số DN BĐS phá sản sẽ tăng lên đột biến.
Nhận định về những bước tiến mới trong tiếp cận nguồn vốn với BĐS, đại diện Ngân hàng Á châu (ACB) cho rằng, thời gian qua mặc dù tín dụng BĐS đã được nới lỏng, ngân hàng đang thừa vốn những vẫn chưa mở rộng cửa cho DN vay vì nhiều lý do. Một số ý kiến nhận định sở dĩ khó tiếp cận như vậy là vì giữa DN BĐS và ngân hàng chưa có tiếng nói chung mà còn nhiều nghi hoặc, dè chừng lẫn nhau.
Để tìm hướng đi mới cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Mạnh Hà- Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS - cho rằng trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh của các DN BĐS cũng như của người dân về những bất cập hiện nay về quy định diện tích nhà ở tối thiểu quy định trong Luật Nhà ở.
Vậy nên chăng bỏ quy định về việc diện tích tối thiểu như hiện nay? Dù vấn đề còn đang gây tranh cãi gay gắt, nhưng quan điểm của Cục Quản lý nhà là nên thay đổi về thiết kế, quy chế vận hành cho đa dạng hóa cơ cấu căn hộ, xây căn hộ với diện tích nhỏ để phù hợp với túi tiền của người dân vì thực tế nhu cầu về nhà ở của người dân hiện rất cấp bách.
Cần minh bạch hóa
Một tia sáng cũng dần le lói nhằm cứu BĐS đó chính là các gói giải pháp của Chính phủ. Theo TS Lê Xuân Nghĩa- chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia- thì thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để phá băng thị trường BĐS. Cụ thể, Công văn 8844 cuối năm 2011 của NHNN về việc mở rộng cho vay sửa nhà, mua nhà bằng tiền lương; Chỉ thị số 2196 ngày 6/12/2011 cũng đã đề cập tới việc mở rộng cho vay các dự án nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, cấm cho vay đầu cơ tư nhân, cấm cho vay giải phóng mặt bằng…
Hay như Chỉ thị của Thống đốc NHNN đầu tháng 2 năm nay đã tạo ra một bước đột phá mới đó là kiểm soát rất hạn chế đối với tín dụng BĐS, hạ chi tiêu dự phòng, cho vay tập trung các dự án hoàn thành cả sau năm 2012, đưa cho vay BĐS ra khỏi diện không khuyến khích cho vay…
Đặc biệt là gói hỗ trợ DN và thị trường của Chính phủ bằng cách giãn thuế VAT 3 tháng, giảm thuế thu nhập DN xuống còn 20%, giảm 50% tiền thuê đất cho DN, giãn tiền thuế sử dụng đất trong vòng 1 năm, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và cơ sở hạ tầng.
Vậy liệu chúng ta có thể phá được “tảng băng” khổng lồ BĐS hay không? Theo TS Nghĩa, cái đó phải bắt nguồn từ chính sách là chống suy kiệt cầu (đầu tư công, thị trường), chống suy kiệt vốn (đầu tư tư), phá đóng băng tín dụng. Biện pháp sống còn đó chính là xử lý nợ xấu bằng cách giảm kỳ hạn, giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ cũ, cho vay mới, xóa nợ bằng dự phòng, mua bán nợ, xử lý phá sản, phân loại nợ và phân loại DN để có giải pháp đúng đắn nhất.
Về các giải pháp cho thị trường BĐS, TS Trương Thái Sơn- Giám đốc Cty thẩm định giá Hoàng Quân - nêu lên 8 giải pháp. Xuất phát từ tình phức tạp của thị trường BĐS bởi còn liên quan đến nhiều lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế- xã hội, vì thế các giải pháp nhằm “cứu” thị trường này cũng phức tạp không kém. Cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức của thị trường với các thành phần quan trọng, đặc biệt là cần nhanh chóng thành lập các chỉ số BĐS chuẩn bị các đô thị lớn. Và đã đến lúc cần phải có một chỉ số giá nhà đất minh bạch là thước đo cho thị trường BĐS.
Cuối cùng, Nhà nước cũng cần sớm thiết lập một hệ thống đăng ký đất đai hiện đại trên phạm vi toàn quốc, bao gồm một mạng kết nối, trao đổi thông tin cập nhật giữa các cơ quan quản lý đất đai, thuế, ngân hàng thương mại, kho bạc nhà nước các cấp nhằm giúp Nhà nước kiểm soát được những biến động về diện tích, hiện trạng sử dụng đất và chủ sử dụng đất để có những biện pháp kịp thời trước những biến động của thị trường BĐS.
Với những giải pháp mà các nhà quản lý, chuyên gia đưa ra, hy vọng thời gian tới nguồn lực thị trường BĐS sẽ được khơi dậy một cách mạnh mẽ.
Ngọc Quý