Lối đi nào cho lữ hành quốc tế trong bối cảnh mới?

(PLVN) - Dù các chiến dịch phục hồi đã tái khởi động, ngành du lịch Việt Nam vẫn đứng trước nỗi lo thiếu hụt tiềm lực. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, gần 1/5 doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã rời bỏ thị trường sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch.
Cần có chính sách đón khách quốc tế cởi mở, thông thoáng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. (Ảnh minh họa)

Chật vật “bài toán” phục hồi

Lữ hành quốc tế là ngành chịu tổn thất nặng nề nhất. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, số doanh nghiệp đã sụt giảm tới hàng trăm đơn vị (từ 2.519 doanh nghiệp còn 2.111 doanh nghiệp).

Về phía doanh nghiệp, các đơn vị này cũng thừa nhận việc đón khách quốc tế trong bối cảnh mới gặp nhiều thách thức lớn. Không chỉ về hạ tầng, cơ sở vật chất mà còn là sự thiếu hụt nguồn lực lớn đội ngũ làm du lịch quốc tế. Theo đại diện truyền thông của SaigonTourist, hiện mảng lữ hành quốc tế đang gần như kiệt quê. Đơn vị chỉ duy trì bộ máy nhân sự tối thiểu.

Không chỉ chứng kiến tổn thất nhân lực nặng nề, các đơn vị lữ hành trên thị trường hiện nay cũng đang chật vật với “bài toán” phục hồi. Chính sách đón khách quốc tế ở một số địa phương chưa rõ ràng khiến nhiều đơn vị vẫn trong tình cảnh chờ “rã đông”. Doanh nghiệp đau đầu với vấn đề mở cửa hé, khách hàng nhỏ giọt, trong khi doanh nghiệp phải căng mình gồng gánh đủ loại chi phí, với một resort công suất cả nghìn khách chỉ đón vài chục đến vài trăm người. Một số doanh nghiệp nhận định, thời điểm này, rất khó mời gọi khách quốc tế đến Việt Nam bởi khách quốc tế nói chung và đặc biệt là khách từ thị trường châu Âu nói riêng luôn cần một chương trình cụ thể, chính xác và có sự chuẩn bị trước nhiều tháng.

Ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng Giám đốc Ngôi sao biển Sài Gòn chia sẻ: “Chúng tôi tha thiết kỳ vọng đừng chần chừ mở ra đóng vào nữa. Đã mở thì mở cho đúng nghĩa. Khó ở đâu, doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành gỡ tới đó”.

Khó chồng khó, mảng lữ hành quốc tế lại đối mặt với nỗi lo mới từ biến thể Ormicron. Mới đây, du lịch Phú Quốc nhận tin không vui bởi hàng nghìn khách quốc tế, đối tác du lịch đã hoãn/huỷ tour do lo ngại biến thể mới. Cụ thể, đã có 6 - 7 chuyến bay vốn lên lịch đến Phú Quốc trong tháng 12, với 160 – 290 khách/chuyến, đã hoãn khởi hành. Ngành du lịch Đà Nẵng cũng chứng kiến sự đìu hiu chưa từng có bởi dù mở cửa đón khách quốc tế cả tháng nay, thành phố vẫn vắng bóng khách Tây. Các địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Nẵng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng... không khí vắng lặng, đìu hiu.

Du lịch quốc tế “mất sức” cũng khiến ngành kinh tế xanh không còn giữ được vai trò động lực phát triển kinh tế vùng. Các sản phẩm du lịch đặc sản địa phương nay suy giảm về hình ảnh thương hiệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, thị trường nội địa dù vẫn loay hoay với các lệnh đóng mở, song chứng kiến sự ngược dòng đáng kinh ngạc. Số doanh nghiệp lữ hành nội địa tăng lên thành 853 công ty.

Chính sách cần đồng bộ

“Giải cứu” là cụm từ được nhắc đến trong thời gian gần đây khi nói về doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Bà Julia Simpson, Chủ tịch, Giám đốc điều hành, Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC) nhận định, để cứu doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cách tốt nhất là mở cửa đón khách. “Việc du lịch tăng lên là điều chỉ xảy ra khi mở cửa biên giới, để người dân được tiêm chủng đầy đủ, tiếp cận với bên ngoài. Hãy giữ cho mọi thứ đơn giản, việc đơn giản hóa cho khách du lịch quốc tế là điều quan trọng”.

Với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (đã có hộ chiếu vaccine) trong năm 2022, ngành du lịch cần có biện pháp rõ ràng, cởi mở và thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều nước trong khu vực đã dẫn trước trong mảng đón khách quốc tế. Các chuyên gia nhận định, nếu không sớm mở cửa, chậm trễ vì thủ tục, Việt Nam sẽ thua trên đường đua này. Thái Lan mới đây là phát động chiến dịch thu hút khách quốc tế, tập trung tại các địa phương như Chiang Mai, Phuket, Nakhon Ratchasima và Ayutthaya, tập trung vào thị trường Trung Đông và Ấn Độ. Kỳ vọng của ngành du lịch nước này là lấp đầy 50% công suất phòng của các tỉnh, đồng thời tạo động lực để đón nhiều hơn lượng khách quốc tế thời gian tới.

Tại Hội thảo toàn quốc “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cũng nhấn mạnh đến yếu tố đồng bộ chính sách trong đón khách quốc tế. Ông kêu gọi Bộ Y tế vào cuộc cùng ngành du lịch để đảm bảo an toàn cho người dân, an toàn cho du khách quay trở lại. Ngoài ra, sự đồng bộ của các địa phương là rất quan trọng để doanh nghiệp du lịch có đường hướng phát triển.

Để hoạt động của doanh nghiệp đón khách quốc tế được thông suốt, một trong những biện pháp cần lưu tâm là nối lại chuỗi cung ứng du lịch. Các doanh nghiệp cần thời gian phục hồi sau thời gian gần như đứt gãy hoạt động. Trợ lực của ngành du lịch cũng cần cảm thông, thấu hiểu và chung tay với sự phục hồi chung.

Ông Nguyễn Lưu Trung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất một số ý kiến như cần có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tham gia vào chương trình thí điểm đón khách quốc tế; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký tham gia chương trình thí điểm, nhất là đối với doanh nghiệp lữ hành; thủ tục cấp visa thông thoáng, thuận tiện hơn cho khách du lịch quốc tế; rà soát lại vấn đề cách ly y tế khi khách du lịch đến và quay trở về nước; thúc đẩy công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vaccine.

Đọc thêm