Gian nan tìm kênh trình chiếu
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hà Bắc cho biết, ông từng ba lần làm giám khảo Liên hoan phim quốc tế, tiếp xúc với những hội đồng làm phim quốc tế thể loại “từng hình” (phim hoạt hình). Nhưng ông nhớ nhất lần tham dự Liên hoan phim hoạt hình tại Pháp năm 1995 với tư cách giám khảo. Trong dịp đó, Việt Nam đã được tôn vinh dù trải qua chiến tranh, mất mát, nhưng vẫn có thể làm được những thước phim hoạt hình chất lượng.
Hai mươi tám năm trôi qua, những bộ phim hoạt hình của Việt Nam dường như đang dần vắng bóng tại thị trường trong nước. Còn ở quốc tế, hoạt hình Việt Nam trở thành “rãnh mờ” không còn được nhiều nhà phê bình biết tới như trước kia. Lý giải điều này, NSND Hà Bắc cho biết, có bốn yếu tố tạo nên bộ phim hoạt hình tốt, thứ nhất là nguồn kinh phí, thứ hai là máy móc, công nghệ tốt, thứ ba là tài năng của người nghệ sĩ và cuối cùng là phát hành được và hiểu thị trường. Nhưng phần lớn khán giả ở ta nghĩ hoạt hình chỉ dành cho trẻ em, dẫn đến việc nhiều nhà sản xuất sợ lỗ, không muốn đầu tư vào phim hoạt hình.
|
Nghệ sĩ Nhân dân Hà Bắc. |
Hơn nữa, NSND Hà Bắc cũng chia sẻ, Việt Nam đi sau nhiều nước về kĩ thuật, công nghệ trong đồ họa, xây dựng nhân vật hoạt hình. Những người làm phim hoạt hình, dù đều xuất thân trong giới họa sĩ nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Việc dựng hình các nhân vật với máy móc, kĩ thuật cũ, khiến cho nhân vật không được hoàn hảo, sinh động và chân thực như mong muốn.
Mặc dù hiện nay phim hoạt hình vẫn được sản xuất nhưng khó có các kênh để trình chiếu. Một bộ phim thành công, ngoài việc đầu tư về chất xám, tính nghệ thuật, cần được quảng bá, chọn thời điểm ra mắt phù hợp nhất. Trong khi đó, phần lớn các nhà đài hiện ưu ái hơn cho những phim truyền hình dễ thu hút đông đảo người xem. Phim hoạt hình vì thế càng vắng bóng.
Đối với NSND Hà Bắc, đây là một điều đáng tiếc. Hơn 40 năm làm nghề, tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế, ông nhận thấy phim hoạt hình ở nhiều quốc gia phát triển rất mạnh mẽ. Thậm chí năm nào cũng có nhiều liên hoan phim cho thể loại hoạt hình nhằm giới thiệu phim đến công chúng, phát hiện các tài năng và “bán” sản phẩm của mình. “Ở nhiều nước, mối quan hệ giữa nghệ thuật và kinh tế là cơ hữu với nhau. Cho nên phim hoạt hình của họ có tiền đề để tiếp tục phát triển, đi lên như hiện nay”, NSND Hà Bắc đánh giá.
Theo NSND Hà Bắc, Việt Nam có rất nhiều vẻ đẹp truyền thống, bản sắc dân tộc độc đáo. Tất cả điều đó trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Chính ông đã nhiều lần làm phim hoạt hình dựa vào các câu chuyện dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số. Như phim “Sự tích cái sàn nhà” ra đời từ câu chuyện của người dân tộc Tày, kể về những chú rùa là “nguyên mẫu” để họ xây nên các ngôi nhà sàn vững chắc như ngày nay. Câu chuyện này đã được NSND Hà Bắc “thổi hồn” bằng nét vẽ độc đáo, với khung cảnh chứa đựng màu sắc của vùng núi phía Bắc cùng hình ảnh dân dã, mộc mạc đậm chất Việt.
Ngày nay, nhiều khán giả chỉ chú tâm đến phim hoạt hình nước ngoài mà “quên” đi sự tồn tại của phim hoạt hình Việt Nam. NSND Hà Bắc cho rằng, mỗi quốc gia, dân tộc đều có phong cách riêng về phim hoạt hình. Làm phim hoạt hình cũng chính là làm nghệ thuật, mà nghệ thuật luôn đào thải cái cũ, tìm kiếm sự độc đáo, sáng tạo mới lạ. Ngay trên thế giới hiện nay, các giải thưởng dành cho các bộ phim hoạt hình xuất sắc cũng đều tránh đi theo phong cách của phim đi trước, luôn cố gắng phát triển nét táo bạo và thú vị riêng biệt. Và một bộ phim hay, cần được đánh giá trên ý tưởng sáng tạo, nét vẽ độc đáo và triết lý sâu sắc.
Với cách biểu đạt nhẹ nhàng pha lẫn hài hước, các hình thù ngộ nghĩnh, hoạt hình dễ dàng chuyển hóa những triết lý khô khan trở nên dễ hiểu và thú vị với tất cả mọi người. NSND Hà Bắc dẫn chứng bộ phim “Chú chuột biến hình”: chuột biến thành hổ, thành một con mèo lớn để “diệt” nỗi sợ mèo, nhưng dù trong thân xác một con hổ dữ tợn, hay bất cứ loài vật nào khác, lá gan của nó vẫn là chú chuột nhỏ thó, mang nỗi sợ với loài mèo. Từ đó, bộ phim muốn truyền tải thông điệp: “Hãy sống như chính con người thật của mình”.
Chật vật với nghề
NSND Hà Bắc cho biết, phim hoạt hình là một “địa hạt” đòi hỏi người làm phải tốn rất nhiều tâm huyết. Để ra được một bộ phim hoạt hình ngắn từ một đến hai phút, người họa sĩ vừa phải vẽ, vừa phải diễn, vừa thực hiện các thủ pháp “chớn” - nghĩa là diễn quá lên, khoa trương hơn thực tế, đầy chất ngoa của hoạt hình, tạo cho khán giả những liên tưởng thú vị. Ông chia sẻ: “Làm phim hoạt hình vô cùng khó khăn, khi làm sao để “nặn” các nhân vật vừa sinh động, hài hước, nhưng vẫn duyên dáng nhất”. Để tạo ra chỉ một vài giây phim thú vị, nhiều khi người làm phim phải tốn rất nhiều công sức.
Ví dụ, khi diễn tả chi tiết một nhân vật ngã xuống trong phim hoạt hình, không thể ngã bình thường được, phải nằm dẹt ra. Các biểu cảm của nhân vật phải làm sao để người xem chỉ cần nhìn một lần là nhớ mãi, bởi hành động đáng yêu, ngộ nghĩnh và phi lý đến kỳ lạ. Vì vậy, người họa sĩ dựng phim hoạt hình phải vẽ sao để thể hiện rõ ràng tính cách của mỗi nhân vật, như một cô gái đanh đá sẽ khác một ông lão quắc thước và không thể nào giống một người ăn xin ốm yếu. Tất cả điều đó đòi hỏi họa sĩ dựng có kiến thức tốt về diễn xuất, bố cục, hình họa và đặc biệt là giải phẫu. NSND Hà Bắc nói: “Khi đã nắm được cấu trúc thì người họa sĩ mới có thể vẽ được các nhân vật hoạt hình, nếu không khi vẽ sẽ rất mong manh”.
Đặc biệt, phim hoạt hình không chỉ mất nhiều thời gian ở khâu dựng hình nhằm tạo hiệu ứng giúp nhân vật sinh động nhất, mà thời gian sản xuất cũng thường kéo dài vài tháng đến vài năm. Trung bình, một bộ phim hoạt hình sản xuất tại Việt Nam có thời lượng từ năm đến mười lăm phút sẽ mất vài tháng để thực hiện. Những phim chiếu khoảng 45 phút thì mất từ một đến hai năm. NSND Hà Bắc lấy ví dụ bộ phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ hơn mười tám phút công chiếu, nhưng ông đã mất đến gần hai năm để chuẩn bị. Từ khâu dựng hình, vẽ, phối cảnh, làm sao cho chuyển động các đoàn dân công tiếp tế lương thực, các chiến sĩ được rõ ràng, sinh động nhất.
|
Chất liệu dân gian là nguồn cảm hứng tuyệt vời để làm phim hoạt hình. (Nguồn: NSND Hà Bắc) |
Vì vậy, để tạo nên một bộ phim hoạt hình đạt chất lượng tốt, người làm phim gần như phải bỏ hết những công việc khác, tập trung vào việc vẽ, xây dựng nhân vật, thậm chí xây dựng kịch bản, tìm người phối âm thanh cho phù hợp với các cảnh. NSND Hà Bắc chia sẻ: “Vất vả là vậy, nhưng người làm phim hoạt hình rất nghèo, để theo nghề chúng tôi đã phải làm thêm nhiều công việc khác nhau”. Ngoài thời gian làm hoạt hình, những nghệ sĩ như NSND Bắc Hà từng vẽ minh họa cho sách, cho tạp chí, vẽ tranh để kiếm thêm thu nhập. Đến giai đoạn sản xuất các bộ phim hoạt hình, thu nhập họ giảm đi ba đến bốn lần, vì tập trung toàn thời gian vào công việc.
NSND Hà Bắc tâm sự, ông rất thương những người trong nghề. Nếu ở nhiều nước trên thế giới, người làm phim hoạt hình có đầy đủ điều kiện để bám trụ với ngành thì ở Việt Nam, đây là một ước mơ vẫn còn xa vời. Thậm chí, nhiều học trò giỏi của ông cũng chỉ theo nghề được một thời gian rồi chuyển sang làm việc khác để mưu sinh.