Lời hứa Việt Nam 4000 năm sắt son trên cột đá thề đền Hùng

Hàng triệu lượt người Việt từng hành hương về đền Hùng có thể biết đến cột đá thề đặt trang trọng bên mạn trái đền Thượng. Riêng về hành trình gian nan phục dựng linh vật biểu trưng tính cách thủy chung sắt son Việt Nam, có lẽ nhiều người còn chưa biết đến.

Hàng triệu lượt người Việt từng hành hương về đền Hùng có thể biết đến cột đá thề đặt trang trọng bên mạn trái đền Thượng. Riêng về hành trình gian nan phục dựng linh vật biểu trưng tính cách thủy chung sắt son Việt Nam, có lẽ nhiều người còn chưa biết đến.

Cột đá thề được phục dựng
Cột đá thề được phục dựng

Truyền thuyết lời thề sắt son

Ngọc phả Hùng Vương viết vào thế kỷ 15 dưới thời nhà Lê ghi lại: Vua Hùng Vương thứ 18 không có con trai kế nghiệp, chỉ có hai công chúa. Chiến tranh Hùng - Thục xảy ra, vua định nhường ngôi cho con rể, được chính người này khuyên: "Nhà Hùng hưởng phúc đã lâu, ý hẳn lòng Trời có hạn. Vả lại Thục Chúa cũng trong tông phái các đời Hoàng đế trước đây, vua tiếc gì mà trái ý Trời để hại tới sinh ung".

Vua nghe hợp tình bèn xuống chiếu, nhường ngôi lại cho Thục Phán. Cảm kích công ơn như trời biển của vua Hùng, Thục Phán cử giá tới núi Nghĩa Lĩnh lập đền đài làm nơi thờ tự, dựng cột đá giữa trời, thề kiên quyết bảo vệ tổ nghiệp họ Hùng. Lịch sử hiện đại có nhiều quan điểm khác nhau về cuộc chuyển giao quyền lực này, nhưng sự tồn tại của cột đá thề luôn được khẳng định như một minh chứng về lời thề Việt Nam sắt son thủy chung, về tình yêu đất nước, tự hào dân tộc.

Nửa thế kỷ sau, nước Nam rơi vào ách đô hộ phong kiến phương Bắc, mọi di tích, đền đài, đền thờ... đều bị phá huỷ và khu miếu tổ Hùng Vương chung số phận. Thế kỷ 13, người dân mới dựng lại nơi thờ tự các Vua Hùng, ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Những năm 1960, khi cuộc phục dựng quy mô lần đầu tiên diễn ra, trong quá trình khai quật phế tích, các nhà lịch sử và khảo cổ học phát hiện một cột đá đen với hai lỗ trên thân cột, xác định là một phần của cột đá thề. Về sau, tại địa điểm này cũng phát hiện thêm 3 cột đá có cấu trúc tương tự.

Ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Đền Hùng nhớ lại: "Suốt nhiều năm, Ban quản lý luôn trăn trở câu hỏi làm thế nào để phục dựng lại cột đá thề trong truyền thuyết cho xứng tầm với ý nghĩa một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, như một cầu nối tâm linh giữa trời và đất Việt Nam?".

Nhiều người đến thăm đền Hùng cũng thường đặt câu hỏi: "Tại sao cột đá thề lại nhỏ như vậy?". Cột đá thề cũ là một cấu kiện kiến trúc, xét về giá trị lịch sử thì không phù hợp để tượng trưng cho một di tích lịch sử tầm cỡ. Năm 2007, Ban quản lý thống nhất thay thế bằng một công trình mới, có tầm vóc tương xứng với cột đá thề đã bị thất lạc hàng nghìn năm trước.

Duyên trời gặp báu vật

Nhiều phương án phục dựng đã được Hội di sản thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Công ty Mỹ thuật Trung ương đưa ra. Giải pháp tối ưu là chọn một cột đá tự nhiên nguyên bản đặt trên một bệ đá, chưa qua sự can thiệp của con người. Đến 18 phương án đưa ra vẫn chưa phù hợp.

Phương án thứ 19 là của kỹ sư địa chất Lê Mạnh Tuấn, thành viên Hội kỳ thạch Việt Nam, là bản phác thảo với bảy tiêu chí: Thứ nhất là trường tồn (nên phải sử dụng chất liệu đá bán quý trở lên); Thứ hai là thể hiện được tính dân tộc (tìm thấy tại Việt Nam). Thứ 3 là đạt được độ thẩm mỹ nhất định; Thứ tư là kích thước phù hợp; Thứ năm là hài hoà với cảnh quan xung quanh; Thứ sáu là cột đá cân đối với bệ thờ. Thứ bảy là kết cấu có thần thái, toát lên chủ đề của khối đá là một "lời thề". Phương án này được thông qua.

Kỹ sư Tuấn nhớ lại, quá trình tìm ra khối đá thay thế cột đá thề quả là duyên trời. Đoàn cán bộ từng nhiều lần đi tới nhiều nơi để tìm kiếm, xem đá, từng chọn được một khối đá mã não nặng hơn 3 tấn tại Thanh Hoá, hoàn toàn nguyên bản, có những hoa văn rất đẹp mắt; nhưng rắc rối nảy sinh khi không thể tìm được khối đá phù hợp làm bệ. Ít nhất đã 3 lần các khối đá từ khắp các vùng miền được chuyển về và đều không ưng ý: Khối to quá, khối nhỏ quá, khối lại không phải đá tốt.

Một ngày đầu năm 2010 trời nóng như đổ lửa, kỹ sư Tuấn lang thang qua Hoà Bình, dừng chân nghỉ tại một hàng nước ven đường tại thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thuỷ). Người bán hàng thấy người đàn ông quen mặt cứ đi đi về về lang thang tìm kiếm gì đó nên hỏi han. Hiểu chuyện, người dân này chân tình: "Trong ruộng ngô nhà tôi có rất nhiều đá, bác vào mà tìm, biết đâu lại có viên nào dùng được". Kỹ sư Tuân kể lại lúc đó đi vào tìm kiếm chỉ để khỏi phụ lòng người dân tốt bụng, chứ thực tâm nghĩ “chẳng nước non gì”. Dừng chân bên một khối đá granit hơi nhô lên mặt đất, ông tò mò đào bới và đào tới đâu, hình hài lộ ra vừa ý tới đó. Khối đá nặng khoảng tám tấn, dáng hình như rồng bay phượng múa, hoàn toàn nguyên bản, chưa bị bàn tay con người đục đẽo. Việc tìm đá đã hoàn tất.

Gian nan hành trình phục dựng

Nỗi vất vả tìm đá không thấm thía gì với những thử thách vận chuyển hai khối đá khổng lồ lên đỉnh núi cao gần 200m. Yêu cầu là phải đảm bảo không va chạm gì vào các di tích xung quanh, không được làm gãy đổ một cành cây trong khu vực, đá đưa lên phải không dính bất kỳ vết trầy xước gì. Đây là một bài toán khó. Với kích thước lớn và trọng lượng hàng chục tấn, nếu đưa đá lên bằng con đường 500 bậc thang dẫn tới đền Thượng có thể khiến con đường vỡ nát. Phương án đưa ra là kéo đá lên bằng ròng rọc, vòng theo con đường đất phía sau núi.

Công việc vận chuyển thủ công đòi hỏi rất nhiều nhân công. Để phục dựng, người ta buộc phải “xóa sổ” phần móng của cột đá thề cũ, và công việc này càng gặp nhiều khó khăn, bao nhiêu người được thuê tới phá bệ đều nhất quyết từ chối, sợ hãi không dám động đến “cầu nối tâm linh trời - đất”.

Cuối cùng, chính vị kỹ sư địa chất là người thắp hương khấn xin các Vua Hùng, rồi tự tay đập những nhát búa đầu tiên dỡ bỏ bệ cũ. Những ngày mùa hè nóng nực năm 2010, từ bãi tập kết dưới chân núi, lần lượt từng khối đá được đưa lên. Để đảm bảo đá không xây xước, ông Tuấn cho đóng một khung sắt, chèn lốp ô tô cũ, đặt khối đá vào giữa. Đoạn đường kéo lên dài khoảng một cây số, nhóm thi công có lúc lên tới 60 người phải tránh từng gốc cây theo yêu cầu đặt ra. Máy tời kéo tới đâu, hết giờ làm việc, mọi người "neo" lại cheo leo trên sườn núi.

Ông Tuấn nhớ lại những ngày ăn ngủ tại đền Hùng: "Nhiều khi đêm nằm chỉ lo ngay ngáy lỡ khối đá đang neo lại sườn núi lao xuống thì vừa gây thương vong cho người, vừa có thể hư hỏng, không có cơ duyên làm lại". Có ngày khối đá chỉ di chuyển được khoảng 3m rồi lại dừng lại trên sườn núi dựng đứng 53 độ. "Những ngày giáp tết Tân Mão, rét cắt da cắt thịt, anh em vẫn "hò kéo pháo" toát mồ hôi như tắm". Ngày 26 tháng chạp, khi hai khối đá lên tới nơi, hai khối âm dương khớp lại với nhau, ai cũng thở phào nhẹ nhõm, nước mắt tự nhiên ứa ra trong không gian hương trầm nghi ngút.

Từ mùa lễ hội năm 2011, du khách tới đền Hùng đã được chiêm bái cột đá thề mới mô phỏng theo truyền thuyết. Cột đá sừng sững trên đỉnh Ngọc Lĩnh, văng vẳng bên tai hậu thế lời thề bất diệt của An Dương Vương Thục Phán: "Nguyện có trời cao lồng lộng soi xét, nước Nam sẽ trường tồn, miếu thờ Hùng Vương sẽ còn mãi. Nếu về sau các vua kế vị mà trái ước, bội thề thì búa trăng, rìu gió sẽ trừng phạt ".

Đỗ Nguyệt Mùi

Đọc thêm