Tìm đến cờ bạc giải sầu sau cuộc hôn nhân tan vỡ, đang lúc nợ "ngập đầu" thì được “anh hùng” ra tay giúp đỡ, dù biết người này bằng tuổi cha chú mình và đã có gia đình nhưng cô gái Đoàn Kim Ngọc Hải (SN 1985, ngụ đường Ngô Chí Quốc, khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) vẫn tự nguyện làm "vợ hờ".
Quyết định sai lầm này đã khiến Hải phải trả giá, khi không thể dứt tình, thậm chí còn bị "chồng hờ" huy động hàng chục đàn em tìm tung tích, khủng bố tinh thần khi cô bỏ trốn.
Thiếu phụ này đã nhiều ngày “sống trong sợ hãi” |
“Hồng nhan bạc phận”
Thiếu phụ này hiện phải lẩn trốn tại một vùng xe nội đô TP HCM. Nhiều lần lỡ hẹn vì “không thể trốn ra ngoài, đàn em hắn trông chừng khắp nơi” (theo lời Hải), cuối cùng phóng viên Pháp luật & Thời đại cũng gặp được chị trong một phòng trọ để nghe giãi bày câu chuyện.
Giọng bình tĩnh hơn so với khi nói trong điện thoại, nhưng ánh mắt thiếu phụ vẫn bất an nhìn khách vẻ dò xét, đặt câu hỏi: “Liệu khi em viết đơn tố cáo, công an có giữ bí mật, có đảm bảo an toàn cho gia đình em không, vì hắn nói sẽ “xử” cả nhà nếu dám tố cáo sự việc”.
Sai lầm đầu tiên của thiếu phụ này là sa chân vào cờ bạc. Sinh ra trong gia đình mẹ làm nội trợ, ba là tài xế xe tải chở hàng thuê, trước đây kinh tế gia đình Hải không thiếu thốn, việc của cô chỉ có học nhưng chẳng hiểu sao nhồi nhét thế nào chữ nghĩa cũng không ở lại trong đầu. Đến lớp nghe lời thầy cô giảng bài thì “vào tai này lại bay vù qua tai kia”, chật vật lắm Hải mới học hết lớp 7.
Năm 2002, mới 17 tuổi, Hải đã quen và kết hôn với một Việt kiều. Lúc cô mang thai, người chồng phải về nước làm ăn, hẹn sẽ quay lại bảo lãnh vợ con sang. Một vài tháng đầu anh còn gọi điện, gửi tiền về cho vợ, sau thì “bặt vô âm tín”. Cũng trong năm đó, cả hai gửi đơn ra tòa đồng ý ly dị. Đứa con gái vừa ra đời đã phải khuyết tình thâm, 10 năm trôi qua vẫn chưa một lần được nhìn mặt hay gọi tên ba. Bị phụ tình, đau khổ, tuyệt vọng nên thiếu phụ trẻ tìm đến chiếu bạc giải khuây mong quên đi sự đời.
Trò giải khuây mê muội này đã khiến cô sa chân vào nợ nần. Theo lời nạn nhân, khi các chủ nợ bao vây Hải tứ phía, đối tượng Nguyễn Hoàng N. (SN 1965, ngụ phường Tâm Bình, quận Thủ Đức) bỗng dưng xuất hiện và “ra tay nghĩa hiệp” giúp đỡ. Chỉ bằng một câu nói của đối tượng này, các con nợ đồng ý để cô ra về. Biết “người đẹp” nợ nần, người này chủ động cầm cố chiếc xe gắn máy mình đang đi, giao cho Hải 15 triệu đồng trả nợ.
Chẳng rõ đó là kịch bản của N đã được sắp xếp trước hay không, thiếu phụ vẫn cảm kích cho rằng đó là “nghĩa cử cao thượng”. Cô gật đầu làm "vợ hờ" của N, bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo “cái thằng ấy là giang hồ vừa mãn hạn tù về”. Nạn nhân thuật lại: “Lúc ấy nghĩ ai chẳng có quá khứ, anh ấy tốt với mình và hứa sẽ đối tốt với cả con riêng là đủ rồi”.
Phận làm "vợ lẽ" ngay từ đầu đã chịu nhiều thiệt thòi bất công. Dù “chồng hờ” là một giang hồ có tiếng, có hàng chục đàn em, nhà cao cửa rộng nhưng Hải phải tự thuê phòng trọ ở, chỉ có việc đợi chờ phục vụ những lúc lúc “chồng” “đói lòng”.
Thời gian đầu cô vẫn mãn nguyện bởi với một thiếu phụ sớm mất mát trong chuyện tình cảm thì cuộc sống “già nhân ngãi, non vợ chồng” như vậy là quá đủ. Những lúc ở với nhau, “chồng” Hải cũng là người rộng lượng, thương yêu con riêng và chiều chuộng “vợ”. “Nhàn cư vi bất thiện”, Hải đâm ra nhớ “nghề” cũ, lại mon men đến các sòng bài và lần nào cũng ra về tay trắng.
Những tin nhắn khủng bố Hải |
Chuỗi ngày “sống trong sợ hãi”
Nhưng cuộc sống gá nghĩa chỉ mặn nồng trong một năm đầu. Thời gian sau “chồng hờ” bắt đầu tìm đến những cuộc vui "ngoài luồng" khác, hành xử kiểu “xã hội đen” ngay với những người thân của tình nhân. Có lần vì cần tiền, ba Hải nhờ “con rể hờ” cầm cố xe giúp cho được giá. Đùng một cái, “con rể” bắt ba mẹ Hải phải kiếm đủ tiền chuộc lại xe ngay trong ngày dù chưa đến ngày hẹn. Hay có lúc lợi dụng sơ hở của Hải, N. lấy luôn chiếc xe máy mang về cho em gái mình dùng.
Vậy nhưng “anh chồng” vẫn “cãi chày cãi cối”, nói cô “nhìn gà hóa quốc” rồi thẳng tay tát liên tiếp vào mặt. Sau mỗi lần cãi cọ như thế, N lại khuân sạch những thứ mình đã mua trước đó cho hai người dùng chung, rồi “mất mặt” luôn cả tuần không ghé thăm.
Thiếu phụ này vẫn chưa hết khổ. Nhiều lần cô bị “bà cả” triệu tập con cái đánh ghen khiến nhiều phen “thừa sống thiếu chết”. Vậy mà khi vợ nhỏ tố lại với chồng, lại bị xem như không phải chuyện của mình. Hải chua chát: “Cứ tưởng dù không cưới xin cũng là nghĩa vợ chồng, ai ngờ hắn chỉ xem mình như cỏ rác”.
Nhớ lại quãng thời gian gần 5 năm sống bên “chồng hờ”, Hải khẽ rùng mình, đưa tay chỉ lên trán, chân, tay... rồi liệt kê: “Đây là vết gậy bị đánh cách đây hơn một năm. Vết sẹo ở cổ tay này là lần tôi tự tử hụt vì không chịu nổi sự đánh đạp tàn nhẫn của hắn”. N. có 1001 cớ để đánh “vợ hờ”, lúc vì buồn, lúc nhậu say, lúc bị cự cãi, lúc lại gán cho "vợ hờ" cái tội mang trai vào nhà....
Gần một tháng nay, Hải quyết định chia tay. Ban đầu "chồng hờ" đồng ý, nhưng hai hôm sau thì gọi điện lại, cương quyết không chấp nhận nữa. Thấy cô không đổi ý, ngày 3/9, người này kéo mấy đàn em vào phòng trọ đuổi hết người nhà ra ngoài, đóng rầm cửa lại, lấy gậy phang liên tiếp vào tình nhân vì “cái tội dám đòi chia tay”.
Vẫn chưa hả cơn giận, đối tượng này lấy roi điện chích thẳng vào người Hải. Cuống cuồng, nạn nhân đẩy cửa sổ ra kêu cứu. Thế nhưng trước khi công an tới nơi, N. hăm dọa sẽ “giết cả nhà nếu dám trình báo” buộc cô phải im lặng.
Ngay hôm sau cô gửi con gái lại cho mẹ rồi lặng lặng bỏ trốn. Biết tin, N gọi điện và liên tục nhắn tin, chửi bới đe dọa. Hắn còn cắt cử hẳn một “đội quân” canh chừng trước nơi ở của người nhà cô. Nhiều lần xộc vào tận nhà người thân cô tìm kiếm nhưng không tìm thấy, “chồng hờ” lại nhắn tin dọa sẽ “xử” gia đình nếu cô không xuất hiện.
“Cũng chẳng biết có phải hắn làm hay không mà mấy hôm trước mẹ tôi bị xe máy đâm thẳng vào chân, rồi kẻ gây tai nạn lách xe bỏ chạy luôn, may mà chân chỉ bị trầy xước chứ không bị gãy”, Hải thuật lại.
Nhiều ngày sống chui sống lủi, ăn uống nhờ người quen lo, mọi sinh hoạt chỉ ở trong phòng nhỏ, dù cô gái đã trốn ở nơi xa nhưng vẫn nơm nớp sợ đàn em của "chồng" tìm thấy, nên cô không dám ló cổ ra ngoài.
Thiếu phụ thảng thốt: “Biết khi nào tôi mới được yên ổn. Tôi không nghĩ anh ấy lại “cạn tàu ráo máng” như vậy. Hết tình nhưng vẫn còn cái nghĩa, sao anh ấy lại thô bạo?. Dù sao anh ấy cũng từng giúp tôi, và tôi cũng từng yêu anh ấy thật lòng mà?”.
Theo sự chỉ dẫn của nạn nhân, phóng viên Pháp luật & Thời đại đã tìm đến gặp người nhà cô. Vẻ mặt ai nấy đều hoảng hốt, sợ hãi khi nghe khách nhắc đến tên con rể hờ. Họ cho biết vì chuyện của con gái mà nhiều ngày nay họ “mất ăn mất ngủ”, lúc nào cũng “sống trong sợ hãi”. Khi được hỏi có làm đơn tố cáo lên công an không, người mẹ trầm ngâm: “Chúng tôi cũng chưa quyết định”.
Không rõ những lời tâm sự của thiếu phụ còn điều gì uẩn khúc, nhưng dù trong bất kỳ trường hợp nào, những hành động hăm dọa, khủng bố tinh thần đều là phạm pháp. Qua bài báo này, Pháp luật & Thời đại đề nghị các cơ quan chức năng địa phương nơi xảy ra vụ việc vào cuộc, giải quyết vụ việc để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Hương Trà