Nghiệp vụ lễ tân khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, quản trị nhà hàng, công nghệ ô-tô, may và thiết kế thời trang… và khá nhiều ngành nghề khác đang chờ đón người lao động tìm chọn ở hơn 50 cơ sở đào tạo nghề tại Đà Nẵng. Theo tính toán, có khoảng trên 80% số học viên đã qua đào tạo nghề tìm được việc, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành thành phố “3 có”.
|
Quản trị nhà hàng đang là nghề được nhiều bạn trẻ ưa thích. |
Ngành nghề đa dạng, phù hợp nhu cầu thị trường
Nguyễn Thị Tài - đã từng là học viên lớp bếp SC 02 của Trường Trung cấp nghề (TCN) Việt - Úc cho biết: Trong nhiều nghề hiện nay, em chọn nghề đầu bếp trong khách sạn. Nghề này thị trường đang cần nhiều lao động.
Do khá tay nghề nên sau khi ra trường, Tài được nhận ngay vào làm việc tại Green Plaza Hotel 4 sao với mức lương khá cao. Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường TCN Việt-Úc cho biết: Trường đã mở thêm những nghề mới như lữ hành, sales maketting, kế toán du lịch, an ninh khách sạn... thu hút được hàng nghìn học viên.
Trường TCN Việt-Úc chỉ là 1 trong 52 cơ sở dạy nghề tại Đà Nẵng. Hiện nay, mạng lưới cơ sở đào tạo nghề phát triển, từng bước được củng cố, nâng dần chất lượng với 101 nghề. Các cơ sở ngoài công lập phát triển nhanh, từ chỗ trước đây chỉ có 3 cơ sở nay tăng lên 27 cơ sở, chiếm 48,9% tổng quy mô tuyển sinh, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố trong lực lượng lao động lên khoảng 46,5% (năm 2009).
Dạy nghề ở thành phố Đà Nẵng có thế mạnh trong các lĩnh vực kỹ thuật, vận tải, chế biến, dịch vụ du lịch, công nghiệp tàu thủy. Quy mô dạy nghề tăng nhanh qua các năm, đã đáp ứng phần lớn nhu cầu đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất kinh doanh của các ngành kinh tế ở thành phố. Do nhu cầu của thị trường lao động, ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng và không ngừng tăng lên. Nếu năm 2000, đào tạo 32 nghề thì đến năm 2009 đào tạo 99 nghề (gấp 3 lần). Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã từng bước đa dạng hóa với nhiều nghề mới, điều chỉnh theo cơ cấu ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, loại bỏ những nghề không còn phù hợp. Các ngành nghề tuyển sinh tập trung vào các lĩnh vực đang cần như: Nhóm ngành nghề du lịch, khách sạn, nhà hàng (chiếm 18,3%), nhóm ngành kỹ thuật (12,2%), ngành công nghệ thông tin (9,3%).
Bên cạnh đó, mặc dù dân số, lao động nông thôn ở Đà Nẵng không lớn, song công tác hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc các hộ di dời, giải tỏa và các đối tượng đặc thù được thành phố rất quan tâm như ban hành đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng thuộc diện di dời, giải tỏa”. Chỉ tính trong 4 năm qua, đã có trên 13 ngàn người gồm: Bộ đội xuất ngũ, gia đình chính sách, người có công, dân tộc ít người… được hỗ trợ dạy nghề. Giai đoạn 2006-2010, thành phố đào tạo nghề cho khoảng 112.000 người, vượt kế hoạch đề ra. Đào tạo nghề trung cấp và cao đẳng tăng nhanh, sơ cấp có xu hướng giảm. Quy mô đào tạo nghề phát triển đã góp phần cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho phát triển kinh tế, xã hội thành phố và nâng tỷ lệ công nhân kỹ thuật trong lực lượng lao động từ 10,88% (năm 2000) lên 26,27% (năm 2009).
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Hiện nay, hầu hết các cơ sở dạy nghề đều chủ động liên kết, giới thiệu lao động cho doanh nghiệp. Ước tính có khoảng trên 80% số lao động được đào tạo, tốt nghiệp có việc làm. Những đơn vị có nhiều doanh nghiệp đặt hàng là Trung tâm Đào tạo nghề huyện Hòa Vang, Trung tâm Giới thiệu việc làm Khu công nghiệp. Đặc biệt, ở Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng (nghề lễ tân, dịch vụ nhà hàng, nấu ăn) và Trung tâm Giáo dục thường xuyên hướng nghiệp quận Ngũ Hành Sơn (nghề điêu khắc đá mỹ nghệ), học viên sau khi học lý thuyết tại trung tâm sẽ được dạy thực hành và làm việc luôn tại doanh nghiệp.
Một số cơ sở đào tạo nghề có uy tín như: Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, Trường Trung cấp nghề Việt-Úc… cũng liên kết rất tốt với các doanh nghiệp trong giải quyết việc làm. Ông Phan Tiềm-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng-cho biết: “Trong tháng 7 vừa qua, trường đã đào tạo theo đơn đặt hàng đã ký với doanh nghiệp như: Công ty CP Thuận Phước (20 lao động), Công ty Seatech (50 lao động), Công ty Việt-Hàn (150 lao động)… Đặc biệt, những học viên các ngành công nghệ ô-tô, hàn… vừa ra trường là tìm được việc ngay”. Tại Trường TCN Việt-Úc chuyên đào tạo về du lịch thì có đến 95% học viên ra trường tìm được việc làm bởi các đơn hàng được trường ký thường xuyên với nhiều khách sạn, nhà hàng như: The Nam Hai, Crowne Plaza Casino, Life Resort…
|
Ngoài sự năng động, linh hoạt của các trường thì tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao của thành phố trong những năm qua đã tạo thêm nhiều việc làm, thu hút lao động qua đào tạo nghề. Giai đoạn 2000-2009, việc làm trong ngành công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 6,42%/năm, việc làm ngành dịch vụ tăng bình quân 5,85%/năm, việc làm ngành nông nghiệp giảm bình quân 7,8%/năm. Hằng năm, các ngành kinh tế của thành phố đã thu hút 30-32 ngàn lao động có việc làm mới, trong đó thu hút 14-16 ngàn lao động đã qua đào tạo nghề.
Hoạt động giới thiệu việc làm, cầu nối cung-cầu lao động đã phát huy hiệu quả. Lao động học nghề dễ có cơ hội và khả năng hòa nhập vào thị trường lao động. 5 trung tâm và 1 doanh nghiệp giới thiệu việc làm ở Đà Nẵng, ước tính mỗi năm đã tư vấn và giới thiệu việc làm cho trên 15.000 lượt lao động. Chợ việc làm Đà Nẵng mỗi năm tổ chức trên dưới 10 phiên giao dịch, giúp hàng chục ngàn lao động tiếp cận được thông tin tìm việc.
Nhờ vào sự thay đổi đồng bộ trong cách làm, cách nghĩ từ khâu tư vấn học-đào tạo nghề đến tuyển dụng, khoảng 10 năm trở lại đây, thành phố đã tạo việc làm mới cho trên 200 ngàn người. Nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động dần được đáp ứng. Có việc làm là một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình “3 có”. Mục tiêu đó đạt được một cách bền vững hay không chính là nhờ ở việc tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lực lượng lao động thành phố không ngừng được nâng lên, việc làm cho người lao động ngày càng tìm được nhiều lối mở.
Mai Phương