Lời tâm huyết của Cựu Bộ trưởng Thương mại tới doanh nghiệp nhỏ

(PLO) - “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nắm vững một xu thế trong thời đại ngày nay là quy mô không bằng tốc độ. Một doanh nghiệp có quy mô nhỏ, có chiến lược kinh doanh đúng đắn có thể trở thành một doanh nghiệp lớn…”, Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, cố vấn Đoàn đàm phán Chính phủ về Hiệp định TPP và Hiệp định FTA Việt Nam – EU nhắn nhủ.
Để vào thị trường lớn, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với không ít thách thức.
Cơ hội từ thị trường rộng lớn
EU hiện chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 sau Mỹ. XK chính của Việt Nam sang EU là điện thoại di động, giày dép, đồ gỗ, thủy sản đông lạnh và cà phê, trong khi nhập khẩu từ EU vào Việt Nam chủ yếu là máy bay, tàu du lịch, xe có động cơ và hàng hóa sản xuất.
Cùng với các Hiệp định Thương mại quốc tế đa phương và song phương như TPP, FTA Việt Nam - Hàn Quốc…, FTA Việt Nam - EU đang bước vào những vòng đàm phán cuối cùng, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Theo các nghiên cứu của EU-MUTRAP, Hiệp định FTA Việt Nam - EU sẽ có tác động rất tích cực đối với nền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế trong một số lĩnh vực XK chủ lực như dệt may, thủy sản và giày dép. Nhìn chung, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc loại bỏ thuế quan khi Hiệp định có hiệu lực và tiếp cận thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ. 
Việc cắt giảm thuế XK sang EU sẽ tạo động lực chuyển luồng đầu tư vào Việt Nam để hướng tới XK sản phẩm cuối cùng sang EU. Điều này sẽ tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp  nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt đối với những người sản xuất sản phẩm trung gian và các thành phần được bao gồm trong các sản phẩm cuối cũng XK sang EU.
Quy mô không bằng tốc độ
Cơ hội nhiều, song theo ông Trương Đình Tuyển, cố vấn Đoàn đàm phán Chính phủ về Hiệp định TPP và Hiệp định FTA Việt Nam - EU, các DNNVV Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trên cả 3 cấp độ: Nghĩa vụ thực thi, nguồn nhân lực, khoảng cách giàu - nghèo. Ngoài ra, các DNNVV phải đối mặt với những thách thức chung, trong đó tiềm lực về vốn và công nghệ yếu hiện là thách thức lớn nhất. 
“Các DNNVV phải nắm vững một xu thế trong thời đại ngày nay là quy mô không bằng tốc độ. Một DN có quy mô nhỏ, có chiến lược kinh doanh đúng đắn có thể trở thành một DN lớn…”, ông Tuyển lưu ý.
Theo ông Tuyển, các DNNVV phải quan niệm chiến lược phát triển (tăng trưởng) là chiến lược nâng cao sức cạnh tranh. Muốn vậy, DN phải tập trung khai thác các giá trị cốt lõi của mình để xác định sản phẩm mục tiêu và thị trường mục tiêu; chọn phương thức cạnh tranh (trường hợp có đối thủ cạnh tranh phải tạo ra sự khác biệt; trường hợp chưa có đối thủ cạnh tranh phải tạo ra nhu cầu mới bằng các sản phẩm mới, ưu việt hơn…); đặc biệt, phải coi trọng quản trị tài chính với nguyên tắc: DN tạo ra nhiều tiền hơn bằng cách sản xuất và/hoặc bán được nhiều hơn và chi phí ít hơn. 
Cách thứ nhất đòi hỏi phải tăng vốn và câu hỏi đặt ra là bỏ tiền nhiều hơn liệu thu về có lớn hơn không? Với cách này, nếu kinh doanh có hiệu quả thì có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán và thời gian đạt kết quả nhanh hơn. 
Cách thứ hai đòi hỏi phải tiết kiệm chi phí, tăng năng suất bằng cách sử dụng hiệu quả các yếu tố hữu hình (vốn, lao động, thiết bị công nghệ và vật tư); cải thiện quản trị. Câu hỏi đặt ra là tiền bỏ ra ít hơn, vậy tiền thu về có giữ nguyên không? Cách này thường lâu hơn nhưng tính an toàn cao hơn. Ông Tuyển cũng lưu ý các DN phải biết “lấy ngắn nuôi dài”, dám chấp nhận mạo hiểm và tăng cường liên kết, hợp tác với các DN khác…
Tham tán thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Jean Jacques Bouflet đưa ra lời khuyên: Trước tiên, các DNNVV Việt Nam cần phải  tăng cường khả năng của mình để hiểu được thị trường EU và người tiêu dùng EU. Thứ hai, để tìm thấy một cách đầy đủ truy cập vào các hệ thống phân phối của EU. 
“Những mục tiêu này có xem xét đến năng lực hạn chế của các DNNVV, có thể đạt được chỉ thông qua một chiến lược phù hợp để tối ưu hóa các nguồn lực hạn chế. Quy mô nhỏ của các DNNVV đòi hỏi khả năng phối hợp với các DNNVV Việt Nam khác, để có đủ nguồn lực (tài chính và nhân lực) thực hiện các nghiên cứu và nghiên cứu cần thiết cho việc thiết kế các chiến lược thâm nhập thị trường EU một cách toàn diện…”, ông Jean Jacques Bouflet giải thích.
Nếu như năm 2005 kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU là 6,818 tỷ USD, trong đó XK 5,517 tỷ USD và nhập khẩu 1,301 tỷ USD thì 9 tháng năm 2014, các con số tương ứng là 26.5 tỷ USD; 20,400 tỷ USD và 6,600 tỷ USD. Kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam vào EU trong năm nay dự báo đạt 25 tỷ  bằng 4,53 lần năm 2005, thặng dư thương mại từ 4,216 tỷ USD tăng lên 16 tỷ năm 2014. 

Đọc thêm