Lợi thế để đón đầu sự phát triển công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với quyết tâm chính trị cao, môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động có chất lượng, có quan hệ tốt với các nước…, Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế để phát triển công nghệ cao.
Các đại biểu tại phiên thảo luận chuyên đề “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”. (Ảnh: BTC)
Các đại biểu tại phiên thảo luận chuyên đề “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”. (Ảnh: BTC)

Để tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, các chuyên gia kiều bào cho rằng chúng ta cần có sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời có các chính sách rõ ràng và quy định phù hợp để tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghệ.

Cơ hội lớn từ định hướng của Chính phủ

Sau 15 năm làm việc và nghiên cứu tại Nhật Bản, PGS.TS Nguyễn Ngọc Mai Khanh quyết định về nước, đầu quân cho Tập đoàn Marvell. Ngoài việc để gần gia đình, ông Khanh cho biết lý do lớn hơn khiến ông quyết định từ bỏ công việc ở nước ngoài là vì ông nhận thấy khoảng cách giữa ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam với thế giới còn rất lớn. “Điều đó thôi thúc tôi trở về Việt Nam để vừa tham gia trong công nghiệp vi mạch ở môi trường thực tiễn, vừa đào tạo cho các sinh viên nhằm giúp họ thu hẹp khoảng cách với các kĩ sư toàn cầu”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Mai Khanh chia sẻ.

Dẫn số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, theo đó doanh số toàn cầu của ngành vi mạch hiện đạt khoảng 777 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030, ông Khanh đánh giá, tại Việt Nam, ngành vi mạch hiện mới đang dừng lại ở công đoạn gia công và thiếu đội ngũ kỹ thuật có khả năng làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, với quy mô dân số lớn và định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp này. “Thị trường bán dẫn Việt Nam có tiềm năng mạnh mẽ với nhu cầu nội địa lớn, bao gồm từ an ninh, quốc phòng, cảm biến dân dụng cho đến ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp”, ông chỉ ra.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Mai Khanh. (Ảnh: PV)

PGS.TS Nguyễn Ngọc Mai Khanh. (Ảnh: PV)

Tham luận tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 vừa diễn ra, ông Dương Minh Tiến - kiều bào Hàn Quốc, chuyên gia về đóng gói chip - cũng dẫn báo cáo của Viện IDC (Mỹ) cho biết, vào năm 2028, nhu cầu của thị trường ngành chip sẽ vượt quá năng lực sản xuất, dẫn đến làn sóng đầu tư mở rộng và xây dựng nhà máy ở lĩnh vực đóng gói và kiểm thử. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng đón làn sóng đầu tư này.

Còn theo TS. Lê Viết Quốc - chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) của Google - người đã có 23 năm sống ở nước ngoài, Việt Nam cần nhìn nhận rằng cuộc cách mạng AI đang diễn ra như một cơn sóng ngầm và một ngày nào đó, nó sẽ “bùng nổ thành một cơn sóng thần cuốn trôi tất cả”. Trong thập kỷ tới, đây sẽ là một thách thức lớn khi nhiều công việc truyền thống bị tự động hóa. Song, đây cũng là cơ hội vô cùng lớn cho Việt Nam. “Trong khi nhiều quốc gia khác vẫn bị ràng buộc bởi các công việc hiện tại, Việt Nam có thể tiến thẳng lên và phát triển cùng với AI”, TS Quốc nói.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp bán dẫn, với vai trò then chốt trong nền kinh tế số, đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sản phẩm bán dẫn đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội như công nghiệp sản xuất, công nghiệp ô tô, thiết bị di động, thiết bị điện tử…

Trong những năm gần đây, tình hình địa chính trị toàn cầu có những biến động phức tạp, các cường quốc bán dẫn đã thực hiện một số điều chỉnh chiến lược theo hướng đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đưa hoạt động sản xuất về trong nước hoặc sang các nước có quan hệ hợp tác chiến lược. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang là quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn. Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kiến nghị một số đề xuất để phát triển ngành vi mạch tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Ngọc Mai Khanh cho rằng cần chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, cần tăng cường đào tạo kỹ sư vi mạch, có chính sách thu hút và giữ chân nhân tài... “Việt Nam cần cải thiện cả khả năng thu hút và giữ chân nhân tài để nâng cao vị thế cạnh tranh quốc tế. Chú trọng và có chính sách đặc biệt tới các chuyên gia thiết kế vi mạch, các “công trình sư” vi mạch người Việt Nam””, ông Khanh nói.

Ông Khanh đánh giá rất cao Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã tạo nhiều điều kiện thu hút nhân tài vào lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao nói chung. Trong đó, việc xây dựng mối quan hệ 3 bên giữa chính quyền - doanh nghiệp - cơ sở đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam đang được phát huy ngày càng hiệu quả, khả quan. Đây là một trong những yếu tố khuyến khích kiều bào trở về nước đóng góp nhiều hơn nữa, từ đó mở rộng hơn nữa mạng lưới kiều bào nhằm “cộng hưởng” sức mạnh trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã tích cực tạo điều kiện và làn sóng vi mạch đang phát triển mạnh mẽ, đây là thời điểm rất thuận lợi để những kiều bào tham gia đóng góp vào lĩnh vực này.

Chung quan điểm, TS. Lê Viết Quốc nêu ra một số khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh việc Việt Nam cần nhìn nhận tài sản lớn nhất của mình chính là con người. Do vậy, Chính phủ nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục AI, đặc biệt là ở bậc đại học; xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về AI với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu. Cùng với đó, chuyên gia này cũng khuyến nghị Việt Nam thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip và trí tuệ nhân tạo để giúp đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này.

Đại biểu kiều bào tham quan, tìm hiểu tại các cơ sở nghiên cứu công nghệ cao trong nước. (Ảnh: Tuấn Việt)

Đại biểu kiều bào tham quan, tìm hiểu tại các cơ sở nghiên cứu công nghệ cao trong nước. (Ảnh: Tuấn Việt)

Cải cách thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Cũng có niềm tin tích cực cho tương lai ngành bán dẫn ở Việt Nam, ông Dương Minh Tiến cho rằng Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để cải cách về thể chế, hành chính, phân quyền cho cấp cơ sở để giúp thủ tục đầu tư nhanh, thông thoáng, minh bạch hơn. “Doanh nghiệp có kinh nghiệm và quy trình chuẩn, Việt Nam có nguồn lực; vì vậy, cần tận dụng kinh nghiệm của doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất để đôi bên cùng có lợi”, kiều bào này kiến nghị. Cùng với đó, ông Tiến cũng chỉ ra rằng, bán dẫn là ngành toàn cầu nhưng lại mang tính chất địa phương cao. Do đó, các sinh viên Việt Nam cần chú trọng trau dồi ngoại ngữ để sẵn sàng cho tương lai.

Còn GS. Nghiêm Đức Long - Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Australia, Giám đốc Trung tâm khoa học công nghệ nước và nước thải thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Australia - cho rằng, cần có cơ chế đặc thù để tận dụng vai trò tư vấn khoa học từ các giáo sư người Việt Nam đầu ngành tại các nước trên thế giới đối với các vấn đề trong nước. Ông đề xuất đầu tư cho một dự án thí điểm mở một trường đại học trực tuyến tại Việt Nam với giáo án, bài giảng và hướng dẫn khoa học từ các giáo sư Việt Nam trên toàn thế giới về cho sinh viên Việt Nam.

Chỉ ra thực tế Việt Nam gần như đang ở khâu R&D (mức độ sơ khai), nhưng bà Nguyễn Thị Vân Anh, kiều bào tại Nhật Bản, Trợ lý Giáo sư Đại học Tohoku, Nhật Bản cũng nhận định chúng ta có tiềm năng phát triển tốt khâu thiết kế chip và có tiềm năng trong việc cung cấp vật liệu đất hiếm. Để biến tiềm năng thành hiện thực, Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, chuẩn bị chuỗi cung ứng phù hợp và nguồn nhân lực tốt, xem xét thấu đáo việc phân bổ ngân sách hợp lý cho việc xây dựng các trung tâm hay phòng thí nghiệm có thể sản xuất chip bán dẫn.

“Ngày nay, yếu tố quyết định thành công của một quốc gia trong cuộc đua phát triển không phải là công nghệ mà chính là trí tuệ và nguồn lực con người. Trong thời gian tới, với quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chính sách đột phá nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, cùng sự chung tay và góp sức của đội ngũ trí thức và chuyên gia người Việt Nam trên toàn thế giới, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước” - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

“Mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn của Việt Nam là rất hay nhưng cũng đầy thách thức. Tôi tin rằng mạng lưới kiều bào trong ngành vi mạch có thể mở rộng hỗ trợ, đào tạo không chỉ ở trong nước mà còn từ nước ngoài. Nếu liên kết được mạng lưới lớn như vậy sẽ tận dụng được ưu đãi của nước sở tại để giúp quê nhà, đồng thời cũng tạo ra cầu nối giữa Việt Nam với các nước tiên tiến” - ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh.

Đọc thêm