Càng nuôi, càng lỗ
Vài tháng trở lại đây, hàng loạt hộ chăn nuôi lợn ở nhiều địa phương trên cả nước rơi vào tình trạng càng nuôi, càng lỗ. Không ít những trang trại nuôi lợn mỗi tháng chịu lỗ cả tỷ đồng do lợn rớt giá thê thảm. Có thể nói, đây được xem là cuộc khủng hoảng thịt lớn lớn nhất tại nước ta trong nhiều năm qua.
Tại nhiều địa phương có diện tích chăn nuôi lớn, giá lợn giảm sâu xuống mức kỷ lục khiến hầu hết hộ chăn nuôi khốn đốn. “Chưa năm nào giá thịt lợn hơi lại rẻ mà lại khó bán như năm nay. Giá lợn rẻ như cho nhưng muốn bán cũng khó. Giàu chưa thấy đâu chỉ thấy mỗi tháng trại lợn của tôi lỗ khoảng 100 triệu đồng, đó là còn chưa tính tiền công mình bỏ ra để chăm sóc chúng. Mỗi ngày mở mắt ra là biết mình sẽ ôm thêm một đống nợ mà không biết phải làm sao”, anh Nguyễn Văn Đăng, một hộ chăn nuôi lợn ở huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) than thở nói.
Theo tìm hiểu, tại nhiều địa phương, giá lợn hơi có sự chênh lệnh nhau. Tuy nhiên, sự chênh lệch này không lớn vì thời điểm hiện tại ngành chăn nuôi lợn trên cả nước đang rơi vào cuộc khủng hoảng. Ở nhiều địa phương, mức giá lợn hơi bán tại chuồng chỉ được khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg, thậm chí có nơi giá chỉ 15.000 - 16.000 đồng/kg. Với giá lợn hơi rớt thê thảm như vậy, nhiều trang trại lâm vào tình trạng cùng cực, vừa bán vừa khóc.
Anh Vũ Hồng Quân (trú tại huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) một hộ chăn nuôi lợn nái (lợn đẻ) chia sẻ, tình trạng chung của người chăn nuôi lợn cả nước hiện nay là rất khó cắt lỗ, biết lỗ mà vẫn phải nuôi, không thể giảm đàn.
“Mình muốn giảm đàn trước hết phải giảm con nái nhưng lợn nái bán thịt giá quá bèo bọt. Bởi vậy nên người chăn nuôi như tôi phần tiếc, phần vì thua lỗ quá lớn khi giá rẻ mạt nên không đành bán. Giờ chỉ biết nuôi cầm cự chờ giá lợn tăng, người dân bán được lợn và lại đầu tư mua lợn giống chứ biết làm thế nào...”, anh Quân ngậm ngùi cho biết.
Chuyện dở khóc dở cười
Trên thực tế, nhiều trường hợp người dân vỡ mộng làm giàu khi đầu tư vào nuôi lợn, thay vào đó là những khoản nợ chồng chất. Có trường hợp phải tính đến chuyện bán nhà, bán xe, đi vay nợ để có tiền trả nợ ngân hàng, trả tiền vay để đầu tư ban đầu như xây chuồng trại, mua con giống, mua cám,...
Hay như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Tr. (SN 1963, trú tại xã Phúc Lai, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ), chỉ vì đầu tư nuôi lợn nên bà đã phải vay ngân hàng số tiền 30 triệu đồng. Thế nhưng, tiền lãi chẳng thấy đâu giờ đây bà phải đi làm ô sin để kiếm tiền trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng.
Theo đó, gia đình bà Tr. có nghề nấu rượu đã lâu. Năm 2015, bà Tr. bàn với chồng quyết định vừa nấu rượu kết hợp nuôi lợn. Thời điểm này giá lợn hơi giao động ở mức 48.000 - 49.000 đồng/kg. Nhờ bán được mấy đàn lợn, bà Tr. cũng lãi số tiền mấy chục triệu. Sau đó, bà dùng hết số tiền lãi đó để đầu tư vào xây dựng chuồng trại quy mô, sạch sẽ. Xây xong, vì hết vốn để mua lợn giống nên bà Tr. đã vay ngân hàng số tiền 30 triệu đồng.
Sau khi vay được tiền, bà Tr. mua hơn 30 con lợn con (3 đàn, mỗi đàn cách nhau 1-2 tháng) về nuôi. Thế nhưng, do lợn bị bệnh nên đã bị chết mất gần một nửa. Những con còn sống thì cũng bị còi cọc không thể lớn được vì bị tiêm thuốc nhiều. Vì thế, vợ chồng bà Tr. rất chịu khó chăm nuôi cho đàn lợn để nhanh đến ngày xuất chuồng. Một thời gian sau bà Tr. xuất đàn lợn, thế nhưng trừ chi phí đi thì bị lỗ 16 triệu (trong tổng số vay 30 triệu).
Sau khi hết đợt lợn đó, bà Tr. đem số vốn 14 triệu còn lại đi mua 3 đàn lợn giống (hơn 30 con) về tiếp tục nuôi. Thế nhưng, đàn lợn đầu tiên bà Tr. bán được giá 34.000 đồng/kg, tính toán ra thì hòa tiền giống, tiền cám mua cho lợn ăn chứ chưa kể đến tiền công. Còn 2 đàn lợn xuất chuồng sau thì lúc này giá lợn đã xuống 23.000 - 24.000 đồng/kg. Kết quả là sau khi bán hết 3 đàn lợn này, số vốn 14 triệu còn lại đã bị lỗ hết. Giấc mộng làm giàu tan vỡ đã khiến bà Tr. phải ôm khoản nợ 30 triệu của ngân hàng.
Giá lợn đang rớt thê thảm |
Không có tiền trả gốc và lãi cho ngân hàng, bất đắc dĩ bà Tr. quyết định đi Hà Nội để làm ô sin. Bà Tr. tính toán, với số tiền công 3 triệu/tháng thì sẽ phải đi làm liên tục 10 tháng mới đủ số tiền vay 30 triệu và phải làm thêm 2 tháng nữa để lấy tiền trả lãi ngân hàng. Như vậy, bà sẽ phải đi làm thuê đúng 1 năm.
Đó chỉ là một câu chuyện “dở khóc dở cười” của người nông dân khi vỡ mộng làm giàu từ chăn nuôi lợn. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp người dân đã và đang rơi vào bước đường cùng vì làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất. Không chỉ những hộ chăn nuôi lợn mà cả những đại lý bán cám cũng gặp vô vàn khó khăn. Nhiều đại lý cám giờ đây ôm khoản nợ lên đến hàng tỷ đồng và họ vẫn đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái nưỡng nam”.
Anh Trần Văn Linh (chủ một đại lý cám tại xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) ngậm ngùi chia sẻ: “Lần này giá lợn hơi giảm lịch sử chưa từng có, chưa bao giờ giá lợn lại rẻ như thế này. Cũng do năm ngoái giá lợn đắt nên năm nay người dân mới đổ xô đi nuôi nhiều quá.
Thời điểm này, đại lý cám của tôi sản lượng bán giảm đi 2/3 so với trước đây. Nếu 100 người dân nuôi lợn lỗ thì tất cả số đó đại lý mình phải gánh. Nói họ lỗ nhưng họ chưa mất tiền vì số đó vẫn là tiền của đại lý, mình đầu tư từ lúc mới mua lợn giống đến khi nào bán lợn thì họ mới trả tiền cám”.
Anh Linh chia sẻ thêm, hiện số nợ đọng của những người mua cám chịu không biết bao giờ mới đòi lại được. Trong khi đại lý của anh là người vay tiền ngân hàng để đầu tư mua cám của công ty sản xuất và hiện anh vẫn đang phải trả lãi hàng tháng.
“Bây giờ người dân bán lợn lỗ không đủ trả tiền cám nên số nợ lại đại lý vẫn còn nhiều. Thậm chí, nhiều người còn không bán được lợn thì lấy đâu ra tiền trả mình. Chính điều đó đã đẩy đại lý cám rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Có bao nhiêu vốn nằm hết trong dân, trong khi đó số lượng cám thì bán được ít nên tiền lời không đủ trả lãi ngân hàng”, anh Linh than thở.
Được biết, hiện nay giá cám trung bình khoảng 10 triệu đồng/1 tấn. Theo tìm hiểu, trước tình trạng giá lợn xuống thấp, người nông dân không tiêu thụ được lợn thì cũng có công ty đã hỗ trợ bằng cách hạ giá thành cám. Tuy nhiên, số tiền đó cũng chỉ nhỏ giọt chỉ khoảng 5.000 đến 10.000 đồng/1 bao cám.
Anh Linh cũng cho biết: “Lợn lỗ không phải do giá cám đắt mà là giá lợn bán quá rẻ. Bây giờ một kg lợn hơi chỉ 16.000 đồng/kg, có chỗ chỉ 14.000 đồng/kg thì người chăn nuôi nào chẳng lỗ. Người dân đổ 1 bao cám cho lợn ăn là lỗ hơn 100.000 đồng. Nếu công ty sản xuất cám có giảm nhưng ít thì cũng không ăn thua, họ vẫn lỗ đến hàng triệu đồng một con”.
“Nhà nào nuôi nhiều mà chỉ dựa vào lợn thì họ lỗ không còn gì nữa. Bây giờ có đòi họ cũng không có, chỉ còn cách bán đất, bán nhà đi thôi. Người dân bây giờ vẫn cầm cự nuôi đợi bán, được giá nào thì bán giá đấy. Một công ty sản xuất có nhiều loại cám với mức giá khác nhau, nên họ cho ăn loại rẻ đi.
Những nhà mình đang đầu tư dở thì đại lý vẫn phải cung cấp nhưng họ chưa trả tiền. Mình không thể bỏ được vì nếu bỏ nhỡ lợn của họ mà chết ra đấy thì mất tất cả. Trong khi mình cũng không thể tính đến phương án bắt lợn để “trừ nợ”, vì đem về cũng không bán được”, anh Tạ Quốc Thịnh (chủ một đại lý bán cám) cay đắng nói.