Long An, Bến Tre tích cực thực hiện phân loại rác tại nguồn

(PLVN) - Các tỉnh Long An, Bến Tre tích cực tham gia, tổ chức thực hiện chương trình “Phân loại rác tại nguồn nhằm giải quyết nút thắt, giúp nhựa dễ dàng được tái chế và tái sử dụng, từ đó hạn chế việc nhựa bị thải ra môi trường tự nhiên gây ô nhiễm.
Long An, Bến Tre tích cực thực hiện phân loại rác tại nguồn

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong số các quốc gia có lượng rác thải nhựa đổ ra biển lớn với 0,28 - 0,73 triệu tấn/ năm. Đây là con số được đánh giá là ở mức cao chiếm từ 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt.

Điều đáng chú ý là trong tổng số rác thải nhựa ra môi trường, ước tính chỉ có khoảng 6% được tái chế, khoảng 8% đã bị thiêu hủy. Phần còn lại đã tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên. Việc thu gom, xử lý, tái chế khi nhựa đã bị trộn lẫn cùng những loại chất thải khác trở nên rất khó khăn và tốn kém.

Hướng dẫn phân loại rác tại nguồn
 Hướng dẫn phân loại rác tại nguồn
Thực tế, để tránh trường hợp “khủng hoảng rác” như Hà Nội vừa rồi, nhiều địa phương đã thực hiện thí điểm hoặc thử nghiệm phân loại rác tại nguồn. Như Lễ phát động thí điểm phân loại rác tại nguồn đã được tỉnh Long An tổ chức tại TP.Tân An ngày 04/11 đã được đông đảo người dân cũng như đại diện các sở ngành tham gia.
Theo số liệu báo cáo tại buổi lễ, trên địa bàn tỉnh Long An khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom được khoảng 570 - 590 tấn/ngày (tăng 20 tấn/ngày so với cuối năm 2018). Riêng đối với TP.Tân An, mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 130 – 150 tấn rác thải; kinh phí thu gom, xử lý mỗi ngày khoảng 130 triệu – 150 triệu. Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại hộ gia đình. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp giảm lượng rác thải cần xử lý, giảm kinh phí xử lý rác thải và tận dụng tối đa rác để tái chế và tái sử dụng là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Long An phấn đấu đến năm 2021: 40% hộ dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Triển khai phân loại rác tại nguồn
 Triển khai phân loại rác tại nguồn
 Còn tại Bến Tre, UBND tỉnh cho biết sẽ tiến hành triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, sau đó áp dụng rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt trên 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường (trong đó, TP. Bến Tre trên 95%, các huyện trên 85%); riêng đối với vùng nông thôn, trên 80% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường; đạt trên 90% tổng lượng chất thải túi nilon, nhựa khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt được thu gom và xử lý; trong đó có 50% được tái chế, tái sử dụng.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bến Tre sẽ đầu tư hoàn chỉnh các khu xử lý rác thải đáp ứng theo lượng rác phát sinh; trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Thực trạng phức tạp trong bức tranh quản lý chất thải tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, khiến cho rác thải nhựa vẫn chưa được xử lý tốt, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, việc phân loại rác thải tại nguồn nếu được thực hiện tốt sẽ tăng hiệu quả cho việc bóc tách rác thải nhựa ra khỏi “núi rác” tổng hợp, giúp cho quy trình thu gom, xử lý, tái chế được tiến hành thuận lợi và triệt để hơn.

Ngoài những lợi ích về môi trường và kinh tế, việc phân loại rác tại nguồn góp phần thực hiện từng bước công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, giảm chi ngân sách nhà nước, đồng thời nâng cao vai trò của người dân trong việc chung tay cùng với chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tiến đến xây dựng xã hội văn minh, xanh-sạch-đẹp.

Đọc thêm