Lộng lẫy những sắc màu

Trong hai đêm 27 và 28-3, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010 (DIFC-2010) nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2010). Đây là lần thứ 3 thành phố Đà Nẵng tổ chức Cuộc thi bắn pháo hoa và là một trong 7 lễ hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sự kiện lớn của cả nước hướng tới đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Trong hai đêm 27 và 28-3, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010 (DIFC-2010) nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2010). Đây là lần thứ 3 thành phố Đà Nẵng tổ chức Cuộc thi bắn pháo hoa và là một trong 7 lễ hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sự kiện lớn của cả nước hướng tới đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đến dự có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn; nguyên các Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được và Mai Thúc Lân; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Trung ương (UVTW) Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Hoàng Tuấn Anh, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; Hồ Nghĩa Dũng, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải; Nguyễn Đức Hạt, UVTW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương… và đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Về phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, có các đồng chí: Nguyễn Bá Thanh,  UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố cùng lãnh đạo Thường trực Thành ủy và  đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các sở, ban, ngành, địa phương và các vị lão thành cách mạng.

Về phía khách quốc tế có đại diện cơ quan ngoại giao của Liên bang Nga, Cộng hòa DCND Lào tại Đà Nẵng và lãnh đạo các tỉnh Nam Lào.

Với chủ đề “Huyền thoại sông Hàn”, DIFC-2010 có sự tham gia của 5 đội: Tamaya Kitahara (Nhật Bản), Luso Pirotecnia Group (Bồ Đào Nha), Jacques Couturier Organisation (Pháp), Pyrotecnico (Hoa Kỳ) và đội chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam). Sau phần khai mạc, trong đêm 27-3, đã diễn ra phần thi của các đội: Bồ Đào Nha, Nhật Bản và chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam).

Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho đội Jacques Couturier Organisation (Pháp) và giải nhì cho đội Pyrotecnico (Hoa Kỳ). Các đội Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Đà Nẵng (Việt Nam) đồng giải ba.

Rực sáng những sắc màu trong mưa

Cơn mưa rỉ rích, dai dẳng từ sáng 28-3 đến đêm vẫn không ngăn được hàng vạn người đổ về đường Trần Hưng Đạo và Bạch Đằng... Người người “thủ” sẵn áo mưa, dù che xếp hàng dài trên cầu Sông Hàn trước giờ pháo khai hỏa cả 3-4 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, gần khu khán đài, người dân tranh thủ giăng bạt che mưa, trải ghế cho khách thuê. Trong khán đài, khán giả rất kiên nhẫn và không vơi đi sự háo hức chờ hội pháo hoa.

Tiết mục pháo hoa của đội Pháp - giải nhất.  Ảnh: V.T.LÊ

Sự mong đợi của họ đã không uổng phí, khi đội Pháp kể lại chuyện tình lãng mạn không chỉ bằng màu sắc, âm nhạc, mà còn bằng những lời thuyết minh cho từng phần, giúp khán giả hình dung đầy đủ về huyền thoại Âu Cơ và Lạc Long Quân tự thuở gặp nhau đến lúc chia con “50 xuống biển, 50 lên non”. Câu chuyện mở ra với nhiều hiệu ứng pháo hoa đặc biệt. Từng đợt pháo hoa dồn dập tung lên thể hiện cảm xúc của nàng tiên: niềm vui khi được xuống trần gian, nỗi buồn khi sống trong cảnh cô đơn, tình yêu và nụ cười dành cho Lạc Long Quân. Hàng loạt các hiệu ứng hình đóa hoa, hình sao chổi phát sáng, pháo vàng và bạc cùng hàng loạt các hiệu ứng khác được sử dụng nhịp nhàng uyển chuyển trong câu chuyện. Những màn pháo bắn liên tục, xen kẽ với những loạt pháo riêng lẻ vẽ nên những bức họa khổng lồ, quyện vào nhau, sau đó rủ xuống như cành hoa sau cơn bão.

Đội Pháp đã tỏ ra rất “rành” về văn hóa Việt Nam khi bằng những lời thuyết minh, họ đưa khán giả Việt về với huyền thoại Rồng-Tiên là cội nguồn của dân tộc Việt. Rất hạnh phúc trước chiến thắng, song ông Nicolas Moniet (Đội trưởng đội Pháp) vẫn khiêm nhường: “Chúng tôi có chút may mắn hơn đội giành giải nhì là Hoa Kỳ, vì đến lượt mình, thời tiết và gió đã khá hơn. Chúng tôi choáng ngợp hạnh phúc trước một rừng khán giả như thế này”.

Tiết mục pháo hoa của đội Việt Nam.  Ảnh: VĂN NỞ 

Sự lắng đọng của gió đã làm khói tích tụ dày đặc trên bầu trời, nên pháo hoa của Hoa Kỳ không thể phô diễn vẻ đẹp hoành tráng như mong đợi của bao người. Tuy nhiên, những ai chứng kiến màn diễn “Rock yêu…” sẽ không thể nào không nhún nhảy theo giai điệu Rock n’ Roll tưng bừng, náo động. Đội Hoa Kỳ chỉ “lẩy” ra một đặc tính chung giữa rock và sự chuyển động của sông Hàn để thiết kế màn diễn: cả hai đều mang sứ mệnh kết nối cộng đồng để đến với sự tự do tự tại.

Mang cả thế giới rộng lớn trên vai, từ những triều đại cổ xưa đến những công trình chọc trời hiện đại, từ những làng quê hẻo lánh ra đại dương bao la, dòng sông Hàn huyền thoại kết nối người dân thành phố, mang lại hạnh phúc và tự do cho mọi người.  8 bản nhạc rock với âm điệu tươi sáng đã được lựa chọn, hòa cùng lời ca của người dân với niềm hy vọng, tình yêu, ước mơ cùng vẻ huy hoàng tráng lệ của dòng sông Hàn đang vươn ra thế giới. Kết hợp cùng rock, bầu trời đêm sông Hàn rực sáng với những sắc màu đặc sắc: vàng tươi, màu nước, đỏ thẫm và xanh dương của pháo hình hoa thược dược, hoa mẫu đơn, cây cọ, chữ thập, hình vương miện và nhiều hình dạng khác.

Chiến thắng cho tất cả

Không đạt được kết quả như mong đợi, nhưng ông Joaquim Melo của đội trưởng Bồ Đào Nha vẫn thừa nhận Đà Nẵng đã tổ chức rất thành công sự kiện này. Và ông kỳ vọng sẽ trở lại để trình diễn nhiều màn pháo hoa đặc sắc hơn cho Đà Nẵng trong những dịp lễ lớn khác, nếu có cơ hội. Dưới hàng ghế khán giả, HLV Calisto nhận xét: “Không dễ để tổ chức sự kiện pháo hoa, vì BTC phải mời những người rất quan trọng như quan chức cấp cao, đại diện các nước khác, khách quốc tế..., cùng lúc phải bảo vệ an ninh tuyệt đối. Nhưng Đà Nẵng đã làm rất tốt. Dù mưa, người xem vẫn đến rất đông, chứng tỏ họ rất thích và hào hứng với pháo hoa”. Đến từ Hà Nội, cô diễn viên múa Phương Anh (ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội) dí dỏm: “Dịp này em mới được xem pháo hoa đã đời. Ngoài pháo hoa, điều em ấn tượng nhất về Đà Nẵng là thành phố rất sạch”.

Tiết mục pháo hoa của đội Mỹ.  Ảnh: THANH TUYỀN 

Sức hút của pháo hoa đã được thể hiện qua số lượng hơn 60 nghìn khách, bao gồm cả khách quốc tế, khách nội địa và cư dân các vùng lân cận đến Đà Nẵng từ ngày 26-3 đến nay, theo thống kê sơ bộ từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng. Ngay từ trước Tết, các hãng lữ hành đã liên tục nhận khách từ hai đầu đất nước đổ về. Các khách sạn trong thành phố với hơn 6 nghìn phòng thông báo hết phòng từ rất sớm. Các hãng lữ hành Đà Nẵng phải huy động thêm gần 90 khách sạn ở Lăng Cô và Hội An để giải quyết thêm gần 4 nghìn chỗ lưu trú nữa cho khách.

Dù khai thác được tới gần 10 nghìn khách (số lượng này năm ngoái là 7 nghìn), ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vitours tiếc rẻ: “Nếu vé máy bay và phòng ở cho đêm 27-3 không căng thẳng, chúng tôi có thể bán thêm ít nhất một nghìn khách”. Theo ông Dũng, thông qua pháo hoa, hình ảnh Đà Nẵng cùng với các điểm đến đẹp, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ khá tốt đã được quảng bá rộng rãi. Và vì thế, trong tương lai, nhiều khả năng Đà Nẵng sẽ được thêm vào danh sách các “thiên đường du lịch” của Việt Nam, ngoài các địa danh đã quá quen thuộc với thị trường trong nước là Nha Trang, Đà Lạt, Hội An...

Theo ông Ngô Quanh Vinh, Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, việc bán vé rộng rãi đã giúp các hãng lữ hành chủ động được các tour, từ đó làm nên sức hấp dẫn cho sản phẩm của mình. “Dự kiến, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức sự kiện pháo hoa vào năm sau. Và có thể ngành du lịch sẽ khai thác một cách có hệ thống loại hình xem pháo hoa trên thuyền, để gia tăng sức hấp dẫn cho sự kiện”, ông Vinh nói
Hai ngày qua, pháo hoa thi nhau tỏa sáng và làm rạng rỡ dòng sông bình yên bao ngày. Pháo hoa không chỉ là pháo hoa, không chỉ là bữa tiệc làm say mê lòng người, mà còn là món quà dành tặng cho thành phố trong lễ kỷ niệm ngày giải phóng.

N.THÀNHHẰNG VANG

Đọc thêm