Phải đến khi băng nhóm giang hồ do Lê Vĩnh Sinh (41 tuổi, quê Nghệ An, trú tại khi phố Thống Nhất, Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chém trọng thương một bảo vệ nhà máy, cảnh sát mới đủ chứng cứ truy tố thêm nhóm "giang hồ" này về từ lâu nay móc nối với những đối tượng trong một nhà máy trộm cắp, "tuồn" đồ phi pháp ra ngoài tiêu thụ theo đơn đặt hàng.
|
Các đối tượng trộm cắp (Từ trái qua phải: Phong "chùa", Kiện, Sinh (kẻ cầm đầu), Kha, Sỹ) |
Công nhân tinh quái bỏ nghề theo "giang hồ"
Sinh là một đối tượng hình sự nằm trong “tầm ngắm” của lực lượng Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) từ nhiều năm nay, dù hắn khôn khéo giấu mình trong "vỏ bọc" một doanh nhân kinh doanh bất động sản thành đạt.
Hơn một năm trước, tên tuổi Sinh bỗng “nổi như cồn” sau vụ ẩu đả với "băng "giang hồ" đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê do Minh “đen” cầm đầu. Vụ ấy nếu không nhanh chân tẩu thoát, Sinh đã bị đám "giang hồ" kia lấy mạng.
Theo hồ sơ của công an, Sinh có vợ con và chuyển vào địa bàn Dĩ An sinh sống hơn 10 năm nay. Từ năm 2006 - 2007, hắn có thời gian là công nhân thuộc tổ cắt may của một công ty tại đường số 8, Khu công nghiệp Sóng Thần, cũng là công ty nơi sau này hắn đã “rút ruột”.
Sau khi bỏ việc, Sinh bỏ luôn nghề công nhân, tập trung nhiều đồng hương thành một "băng" giang hồ", chuyên "cò" đất, đòi nợ, đâm thuê, chém mướn, đặc biệt lĩnh vực bất động sản được gã đầu tư nhiều công sức nhất. Với hắn, đây là “miếng mồi” ít rủi ro, vì có thể mua bán theo ý mình bất chấp giá thị trường, có thể mua bán kèm theo… dao, tuýp sắt và mã tấu.
Sinh cũng "chú trọng" tới... trộm cắp. Thường hắn chỉ có chú ý tới những mặt hàng thu được số tiền “khủng” ở các công ty trong các khu công nghiệp. "Điểm nhắm" của hắn là công ty cũ nơi hắn có thời gian làm công nhân. Thuộc nằm lòng những khâu dễ trộm đồ, tuồn đồ ra ngoài ít bị phát hiện, hắn còn biết công ty có lượng hàng hóa dồi dào nhưng không được quản lý chặt chẽ.
Khoảng đầu năm 2010, hắn "móc ngoặc" với hai đối tượng chuyên may hàng gia công là Phan Văn Kiện (tức Ba "điền", 34 tuổi, ngụ Bình Dương, giám đốc một xưởng may ở quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thanh Phong (tức Phong "chùa", 38 tuổi, ngụ Bình Dương, giám đốc một xưởng may tại quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh) để tiêu thụ hàng gian.
Do hai tên này cũng từng là công nhân trong công ty nêu trên, chúng biết rõ sẽ thu được lợi nhuận “khủng” nếu lấy cắp được cả mẫu mã thiết kế nên đồng ý ngay, với điều kiện là chỉ mua theo “đơn đặt hàng”.
Đồng ý với yêu cầu của “khách hàng”, Sinh bắt tay vào thực hiện kế hoạch.
Quy trình trộm hoàn hảo
Bước đầu, Sinh liên hệ với một số công nhân nắm những vị trí quan trọng trong công ty cũ như tổ trưởng, tổ phó các tổ cắt may, công nhân cắt may, công nhân tổ phối hàng, tài xế xe nâng, xe tải và cả giám đốc xưởng… nêu yêu cầu “hợp tác”. Bằng nhiều cách, từ dụ dỗ, uy hiếp, dọa dẫm, hắn đã khiến một số nhân viên “biến chất” như Kha, An, Dũng, Thái, Tuấn, Linh, Vũ, Hưng, Kiệt, Lê, Nguyễn… do sợ “mất mạng” nên răm rắp nghe lời, tạo thành một hệ thống “chân rết” giúp Sinh tuồn hàng trộm cắp ra ngoài.
Theo phân chia của Sinh, mỗi khi nhận được đơn hàng, hắn sẽ liên liên hệ với tổ trưởng tổ cắt may Thái, yêu cầu đối tượng này điều phối việc lấy trộm vải theo số lượng và mẫu mã định sẵn. Từ đó, Thái phải tìm cách liên hệ với các đối tượng khác, hàng ngày lấy trộm vải trong tổ mình, mang lên điểm tập kết để hắn cùng với một tên nữa cắt hàng theo “kích” cho sẵn (“kích” là vải được cắt sẵn thành hình chiếc túi rồi đem về may gia công thành phẩm - PV). Nếu hai đối tượng này không cắt kịp thì những đối tượng khác như Dũng, Vũ, Long, Chương sẽ tới trợ giúp.
Nếu lấy hết vải trong tổ cắt nhưng vẫn không đủ số lượng “đơn hàng”, Thái phải liên hệ với các đồng phạm khác qua kho lấy trộm, kèm nhiệm vụ mua chuộc thủ kho, mua lại vải cây với giá rẻ mang về điểm tập kết. Ngoài ra, để có những mẫu mã túi mới, chúng còn liên hệ với bộ phận văn phòng, tổ cắt may in sơ đồ túi để cắt trước, mỗi sơ đồ được Sinh “bồi dưỡng” từ 1 – 1,5 triệu đồng.
Khi việc gom, cắt vải hoàn tất, Sinh liên hệ với một công nhân khác, gom “thành phẩm” vào các bọc ny lông giấu kín vào phía sau tổ cắt. Hoàn thành xong, chúng báo cho Sinh để hắn liên hệ với giám đốc xưởng may tư nhân mua đồ phi pháp vận chuyển vải trộm ra ngoài.
Làm thế nào để chuyển đồ ăn trộm đi tiêu thụ?. Nhiệm vụ này được giao cho Kha, đối tượng có nhiệm vụ xuất vải nguyên liệu, phụ liệu, vải cắt sẵn từ công ty đi xuống một công ty khác ở Mỹ Tho. Nắm rõ số lượng và lịch trình hàng xuất có hóa đơn, đến ngày xuất hàng, chúng báo cho nhau biết số lượng bọc vải lấy trộm được để Kha điều chỉnh số bọc vải có trong hóa đơn cho phù hợp nhằm qua mặt bảo vệ. Tên này cũng móc ngoặc với tài xế xe nâng và xe tải, phối hợp đưa hàng ra bên ngoài giao tới nhà Sinh. Khi gom đủ “đơn hàng”, Sinh liên lạc cho các “đối tác” tới nhà mình nhận hàng.
"Không ăn thì đạp đổ "
Khoảng tháng 6/2011, do lượng hàng bị thất thoát lớn, nghi ngờ bị mất cắp, công ty này siết chặt công tác kiểm tra, giám sát. Tổ bảo vệ được huy động giám sát 24/24h, nên việc vận chuyển theo cách thức trên không còn hữu hiệu. Vì vẫn còn 1.600 “kích” chưa kịp vận chuyển ra ngoài, Sinh bèn nghĩ ra phương thức vận chuyển mới. Một mặt hắn cho đàn em ép gọn hàng, lợi dụng lúc tan ca bỏ vào trong cốp xe, mặt khác bắt đàn em phải bó chặt vải vào chân mang ra ngoài. Với cách thức này, chúng vận chuyển được trót lọt 800 “kích”. Số còn lại, chúng cắt bỏ để xóa bỏ dấu vết.
Để đảm bảo đủ lượng hàng yêu cầu, Sinh điện thoại cho các “chiến hữu” tiếp tục lấy trộm vải mang ra ngoài bù vào khoản thâm hụt. Trong thời gian này, bảo vệ kiểm tra gắt gao nên Sinh tạm ngừng việc lấy trộm, nhưng một số đàn em hắn vẫn lợi dụng danh nghĩa “đại ca” để tuồn hàng ra ngoài hưởng lợi.
Chính hành động thiếu “tính toán” này đã khiến đường dây trộm vải bị phanh phui, tổ bảo vệ liên tiếp bắt nhiều đàn em Sinh bó vải quanh chân đưa ra ngoài. Sau hai tháng “ngủ đông” mà việc kiểm soát của bảo vệ vẫn không “giảm nhiệt”, lo sợ việc “làm ăn” béo bở này bị “phá sản”, Sinh liên hệ với giám đốc công ty bảo vệ để mua chuộc. Thuyết phục không xong, hăm dọa không được, nhiều lần Sinh kéo đàn em đến cổng công ty bảo vệ gây rối, đánh người, đập phá đồ đạc.
Ngày 24/3, Sinh và Chu Văn Sỹ (tức Sỹ "mát", 36 tuổi, quê Nghệ An) cùng nhiều nghi can khác kéo đến công ty đập phá tài sản, truy sát bảo vệ gây náo loạn khu công nghiệp. Sau khi chém một bảo vệ bị thương, băng nhóm của Sinh cướp luôn chiếc điện thoại hiệu Samsung E175T. Nhận được tin báo, Công an Dĩ An đã huy động hàng trăm cảnh sát trấn áp, vây bắt.
Nhận định đây là băng nhóm tổ chức đường dây trộm, tiêu thụ và bảo kê hoạt động tội phạm trong thời gian dài, có tổ chức, quy mô lớn. Thượng tá Võ Văn Phúc, Trưởng Công an thị xã Dĩ An trực tiếp chỉ đạo lực lượng xác lập chuyên án. Qua truy xét, từ tháng 4/2012 đến nay, cơ quan điều tra đã lần lượt bắt tạm giam 16 nghi can, trong đó có Lê Vĩnh Sinh để điều tra làm rõ hành vi "cố ý gây thương tích" và "trộm cắp tài sản".
Qua đấu tranh truy xét, các đối tượng khai nhận trị giá lượng hàng chúng ăn cắp lên đến hơn một tỉ đồng. Tuy nhiên, điều tra viên cho biết có thể số hàng bị chúng lấy trộm trị giá lớn hơn rất nhiều lần. Do phía công ty không quản lý được số hàng đã thất thoát nên không định giá được chính xác giá trị hàng bị mất. Hiện cảnh sát đang tiếp tục mở rộng điều tra, truy bắt các nghi can còn lại.
Hương Trà