Lũ dâng cao vượt mức dự báo
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, mực nước lũ ở ĐBSCL đang lên cao và còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long cao nhất ngày 29/7/2018 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 2,87 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc: 2,38 m.
Dự báo đến ngày 8/8/2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,35 m, trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75 m. Các ngày sau đó, nước lũ cũng sẽ tiếp tục dâng cao. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Lũ về sớm, nước ngập lấp xấp các con đường nông thôn |
Còn theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nước lên chậm; khu vực hạ lưu sông Cửu Long, đỉnh triều cao nhất sẽ lên nhanh trong ngày 31/7. Dự báo đến ngày 5/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc có khả năng lên mức xấp xỉ báo động 1 (3,5m ở Tân Châu và 3m ở Châu Đốc), sau đó còn tiếp tục lên. Thực trạng này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất lúa của bà con nông dân nơi đây.
Theo số liệu tổng hợp từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, diện tích xuống giống vụ hè thu là 1,59 triệu ha, giảm 12.600 ha so với năm 2017; năng suất ước đạt 5,65 tấn/ha, tăng 2,0 tạ/ha; sản lượng ước đạt 9,03 triệu tấn, tăng 251.700 tấn so với hè thu 2017. Nhiều địa phương thu hoạch “chạy” lũ nhưng còn nhiều diện tích lúa vẫn chờ thu hoạch.
Cụ thể ở An Giang mới gặt gần 70.000 ha, còn hơn 170.000ha chưa thu hoạch được. Đặc biệt, trong đó có khoảng 2.300 ha nằm ngoài đê bao có nguy cơ bị lũ nhấn chìm. Tại Đồng Tháp, đã gặt hơn 125.000 ha, còn hơn 66.000 ha đang trổ chín chưa thu hoạch. Các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang... đều đang tất bật thu hoạch lúa, hoa màu chạy lũ.
Người nông dân lượm lặt, chắt chiu từng hạt lúa ướt với hy vọng “vớt vát được bao nhiêu hay bấy nhiêu” |
Nông dân “khóc ròng” cam chịu “trắng tay”
Tại An Giang, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là huyện An Phú. Theo ông Phạm Thành Tâm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Phú, lũ năm nay về sớm hơn năm trước gần nửa tháng nên gây thiệt hại hơn 30ha lúa của người dân. Tuyến đê ở các xã Phú Hữu, Vĩnh Hậu và Vĩnh Lộc đang được gia cố để bảo vệ cho khoảng 8.000 ha lúa đang thu hoạch. Cơ quan chức năng cũng vận động bà con thu hoạch sớm để phòng rủi ro.
Nông dân Trần Công Phúc (xã Phú Hội, huyện An Phú) cho biết, gia đình ông gieo trồng 1,2 ha lúa nhưng do mưa liên tục và nước lũ kéo về sớm nên diện tích lúa nhà ông và nhiều hộ dân khác bị ngập sâu, gần như mất trắng. “Nhiều gia đình tiếc cắt về phơi được bao nhiêu hay bấy nhiêu”, ông Phúc nói.
Ông Huỳnh Thanh Điều (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) kể, nhà ông trồng 8 công lúa nhưng chỉ thu hoạch được có 3 công còn lại đều bị lũ nhấn chìm. “Vợ chồng tui tiếc nên thuê người cắt lúa định đem về phơi nhưng cũng chẳng ai dám cắt. Đành phải ngậm ngùi chịu trắng tay”, ông Điều chia sẻ.
Toàn xã Nhơn Hội có hơn 150ha lúa hè thu bị ngập. Lực lượng dân quân, biên phòng đã hỗ trợ bà con thu hoạch hơn 120ha nhưng cẫn còn hơn 16ha bị thiệt hại 100% và 15ha thiệt hại khoảng 50%.
Do mưa lũ kết hợp với triều cường cũng đã làm hơn 800 ha lúa chuẩn bị thu hoạch của bà con xã Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) ngập 15 - 30 cm. Còn tại tỉnh Long An, hơn 600ha lúa ở các huyện vùng thấp như Vĩnh Hưng, Tân Hưng đã bị ngập sâu 40-60cm.
Người dân đem lúa ướt ra phơi đầy các con đường nông thôn |
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Long An, vụ hè thu 2018, tỉnh Vĩnh Hưng gieo sạ khoảng 28.600 ha lúa. Đến thời điểm hiện tại chỉ mới thu hoạch khoảng 1.200 ha, số còn lại chủ yếu trong giai đoạn trổ, chín. Ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động, khuyến khích người dân chủ động thu hoạch lúa chống ngập úng và thiệt hại do lũ về sớm.