Lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nam Tân Tập: Long An đã làm đúng luật, phù hợp thực tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi Báo PLVN có bài viết “Không có chuyện “tuýt còi” Khu công nghiệp Nam Tân Tập”, một số bạn đọc gọi điện về Tòa soạn, thắc mắc vì sao cũng viết về vấn đề này, mới đây một số trang mạng cho rằng cuối năm 2020, lãnh đạo tỉnh Long An đã có “chỉ định nhà đầu tư” với dự án trên?

PLVN đã trao đổi với một số cán bộ thẩm quyền Long An, rà soát lại toàn bộ hồ sơ sự việc và nhận thấy hoàn toàn không có việc “chỉ định nhà đầu tư” trong dự án. Dù theo Luật Đấu thầu, Đất đai, Đầu tư… dự án này không thuộc diện phải đấu thầu đấu giá, nhưng tỉnh vẫn rất cẩn trọng khi đưa ra bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.

Đặt trong hoàn cảnh dự án này từng bị một số nhà đầu tư thiếu năng lực ghim đất, chậm triển khai, làm lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng môi trường đầu tư… thì quyết định lựa chọn nhà đầu tư mới đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng quy định, là đã đúng pháp luật, phù hợp thực tế.

Quyết định “chọn mặt gửi vàng” của UBND tỉnh Long An với Dự án Nam Tân Tập được đánh giá là đúng luật, phù hợp thực tế.

Quyết định “chọn mặt gửi vàng” của UBND tỉnh Long An với Dự án Nam Tân Tập được đánh giá là đúng luật, phù hợp thực tế.

Quy trình chặt chẽ, kín kẽ

Trước đó, Long An từng có thời gian hàng chục năm “khốn khổ” vì dự án nêu trên. Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Tập được Thủ tướng bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam 15 năm trước, tại Quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006. Một số nhà đầu tư từng “nhảy” vào dự án này, nhưng thiếu năng lực, không thực sự có ý định triển khai, khiến tỉnh phải thu hồi.

Theo Báo cáo 3290/TTr-BQLKKT của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh (BQLKKT), tại dự án này, từng xảy ra tình trạng “nhà đầu tư ghim đất, chậm triển khai, kéo dài làm lãng phí tài nguyên đất đai gây bức xúc trong nhân dân; ảnh hưởng các nhà đầu tư thật sự muốn đầu tư; ảnh hưởng môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, theo quy định tại Luật Đấu thầu và khoản 1 Điều 1 Nghị định 25/2020/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thì Nam Tân Tập không thuộc trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Dự án thuộc đối tượng miễn tiền thuê đất 11 năm, nên theo khoản 2 Điều 118 và điểm b khoản 2 Điều 110 Luật Đất đai 2013; khoản 12 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP; với Nam Tân Tập, Long An sẽ giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) hay đấu thầu dự án có SDĐ.

Nam Tân Tập thuộc trường hợp được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền SDĐ, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020.

Long An từng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) rà soát một lần nữa vấn đề này và Sở này đã có Công văn 4268/SKHĐT-KTĐN khẳng định, Nam Tân Tập không thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo pháp luật đất đai; không đủ điều kiện tổng hợp vào danh mục dự án có SDĐ, “do đó không đủ căn cứ để lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, lập hồ sơ mời thầu dự án đầu tư có SDĐ theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP”. Nói cách khác là có muốn đấu giá đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư cũng không được phép.

Trước thực tế trên, Long An được đánh giá đã rất cẩn trọng, tiếp tục ban hành bộ tiêu chí và quy trình xét chọn đơn vị làm nhà đầu tư dự án trước khi trình Thủ tướng. BQLKKT đã hoàn chỉnh dự thảo bộ tiêu chí xét chọn.

Một số cán bộ tỉnh thậm chí đã đi các địa phương khảo sát thực tế, xem xét năng lực các nhà đầu tư muốn thực hiện dự án này. Thực tế khảo sát cho thấy liên danh Cty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Cty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng là có năng lực nhất. Hai doanh nghiệp (DN) này từng thực hiện hai KCN nổi tiếng tại phía Bắc là Đại Đồng Hoàn Sơn (Bắc Ninh) và Tràng Duệ (Hải Phòng), được các địa phương cũng như DN trong giới đánh giá rất cao.

Một cán bộ tỉnh cho rằng: “Về hình thức không đấu thầu, nhưng cách làm của Long An khi xem xét năng lực nhà đầu tư muốn thực hiện dự án Nam Tân Tập là chặt chẽ kín kẽ, chính xác không kém gì quy trình đấu thầu; mục đích nhằm chọn ra nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, đúng pháp luật”.

Long An đã “chọn mặt gửi vàng” chính xác

Trước khi UBND Long An ra ý kiến quyết định ngày 14/12/2020, qua rà soát, nhận thấy tại thời điểm đăng ký đầu tư, chỉ duy nhất liên danh Cty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Cty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư kịp thời đầy đủ đến BQLKKT. Các DN còn lại trước đó chỉ có “văn bản xin chủ trương”.

Nói về tầm quan trọng của việc “chọn mặt gửi vàng”, một lần nữa BQLKKT có văn bản lưu ý “việc chọn được đơn vị làm chủ đầu tư Nam Tân Tập đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm, thực sự đầu tư triển khai thực hiện dự án ngay góp phần phát triển kinh tế của địa phương; là hết sức quan trọng; nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, nhanh chóng thu hút lấp đầy các KCN để phát triển kinh tế”.

Sau thời gian dài “đãi cát tìm vàng” như trên, tại cuộc họp ngày 14/12/2020, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Út đã có kết luận nếu kéo dài sự việc “sẽ mất nhiều thời gian, làm chậm trễ trong việc triển khai các dự án, làm mất cơ hội đầu tư phát triển của tỉnh; và trên cơ sở ý kiến thống nhất của các đại biểu đại diện cho các sở, ngành; UBND tỉnh thống nhất phương án chọn liên danh Cty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Cty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng để tiến hành lập thủ tục đầu tư dự án này”.

Quyết định này của UBND tỉnh về việc lựa chọn nhà đầu tư Nam Tân Tập được Luật sư Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn Luật sư TP HCM) đánh giá đúng luật, phù hợp thực tế. “Thứ nhất, theo Luật Đấu thầu, Đất đai, Đầu tư… dự án này không thuộc diện phải đấu giá đấu thầu. Thứ hai, cơ quan chức năng Long An đã xem xét hồ sơ năng lực, khảo sát thực tế năng lực những DN muốn đăng ký đầu tư. Thứ ba, chỉ duy nhất liên danh trên nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư kịp thời và đầy đủ. Thứ tư, quá khứ đã chứng minh dự án này nhiều năm bị chây ì chậm trễ ảnh hưởng cả tỉnh nếu nhà đầu tư thiếu năng lực; nên cần có động thái cương quyết. Vì vậy, theo tôi, quyết định của UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 14/12/2020 là phù hợp pháp luật, chính xác, phù hợp thực tế, hợp cả lý lẫn tình”.

Như vậy, có thể khẳng định một số trang mạng cho rằng lãnh đạo Long An “chỉ định nhà đầu tư” với dự án Nam Tân Tập là chưa chính xác.

Dự án sau đó đã được Long An xin ý kiến đầy đủ các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Các ý kiến đồng tình, góp ý của các Bộ đã được UBND tỉnh tiếp thu, bổ sung hoàn chỉnh. Được biết, hồ sơ dự án hiện đã được Bộ KH&ĐT thẩm định đáp ứng điều kiện, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Ngày 17/12/2020, Hội đồng Đầu tư tỉnh Long An đã một lần nữa có cuộc họp xem xét phương án lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nam Tân Tập. Sau khi nghe các ý kiến đề xuất, Hội đồng Đầu tư tỉnh kết luận thống nhất đề xuất lựa chọn liên danh Cty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn và Cty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng; giao BQLKKT chủ trì, phối hợp nhà đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo đúng pháp luật.

Đọc thêm