Theo hồ sơ vụ án, tháng 7/2022, Tín cùng bạn sang Lào làm ăn, tại đây quen biết và làm cho một công ty của người đàn ông ngoại quốc, công việc là lừa đảo trên mạng Internet. Nhiệm vụ chính là thông qua mạng xã hội, tiếp cận và kêu gọi nạn nhân đầu tư tiền điện tử Bitcoin rồi chiếm đoạt, số tiền được trả mỗi tháng 17 triệu đồng.
Theo hợp đồng ký kết với ông chủ, mỗi tháng Tín phải lừa đảo được của các nạn nhân số tiền là 140 triệu đồng, nếu vượt quá số tiền trên sẽ được thưởng thêm 3 triệu đồng, còn không đủ chỉ tiêu phải làm bù.
Trường hợp nếu không làm được việc phải nộp tiền chuộc 35 triệu đồng. Người thuê Tín làm việc giám sát chặt chẽ, đồng thời giữ hộ chiếu để tránh bỏ trốn.
Biết được, ngoài việc lừa đảo qua mạng thì nếu đưa được người Việt Nam sang Lào làm việc cho ông chủ thì được trả 35 triệu đồng/người. Lê Bảo Tín đã liên lạc về quê, thuyết phục nhiều người sang Lào với công việc nhẹ nhàng là “làm việc trên mạng”, lương 17 triệu đồng/tháng.
Theo điều tra, từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2022, có 10 nạn nhân đã nghe theo lời dụ dỗ của Tín và đồng ý sang Lào làm việc. Để thuận lợi hơn việc lừa nạn nhân qua Lào thì Tín ứng tiền của ông chủ trả chi phí đi lại, làm hộ chiếu, thậm chí trả nợ cho những người này để đưa họ sang Lào.
Khi sang Lào, những nạn nhân này cũng bị ép ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ lừa đảo như Tín, hoặc phải yêu cầu người nhà gửi 35 triệu đồng sang chuộc.
Tín được ông chủ đưa lên làm quản lý và trực tiếp quản lý số người từ Việt Nam sang này. Đồng thời chỉ tiêu ông chủ giao cho nhóm của Tín phải lừa được 1 tỷ đồng/tháng.
Biết bị lừa, cùng với việc ép làm việc và giám sát chặt chẽ nên nhóm người này tìm cách bỏ trốn về Việt Nam. Cũng có một số khác gọi người nhà gửi tiền sang chuộc.
Khi trở về được Việt Nam, các nạn nhân đã có đơn tố cáo hành vi của Tín đến cơ quan cảnh sát điều tra. Ngày 28/3/2023, Lê Bảo Tín bị bắt giữ.
CQĐT đã làm rõ, Tín đã nhận từ ông chủ số tiền 175 triệu đồng để làm chi phí đưa người sang Lào. Sau 2 lần đưa người đi, Lê Bảo Tín được hưởng 89 triệu đồng bao gồm chi phí còn thừa và cắt “phế” tiền lương của các nạn nhân.
Đáng nói là trong số 10 nạn nhân, có người thời điểm bị lừa sang Lào mới hơn 15 tuổi. Hành vi của Lê Bảo Tín phạm vào tội Mua bán người và Mua bán người dưới 16 tuổi.
Tại phiên tòa, Lê Bảo Tín chỉ thừa nhận hành vi Mua bán người. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng, trong số 9 người là nạn nhân thì có một số theo người khác sang Lào, không phải do Tín trực tiếp dụ dỗ, đưa sang.
Bị cáo không thừa nhận hành vi Mua bán người dưới 16 tuổi vì nạn nhân này cũng đi theo người khác. Khi sang Lào, biết cháu chưa đủ 16 tuổi, ông chủ không nhận, Tín đã đưa tiền, mượn điện thoại cho cháu để đưa về nhà nhưng nạn nhân vẫn tìm cách xin vào làm việc.
Khi sự việc bị bại lộ, Tín đã tác động gia đình thỏa thuận bồi thường cho 4 bị hại, còn các bị hại còn lại chưa liên lạc được nên chưa bồi thường.
HĐXX đã tuyên phạt Lê Bảo Tín mức án 12 năm tù về tội Mua bán người, 12 năm tù về tội Mua bán người dưới 16 tuổi. Tổng hợp cả hai hình phạt, bị cáo Tín phải thi hành bản án 24 năm tù cho cả hai tội danh nêu trên.