Thảo luận tại QH về chương trình làm luật của QH, nhiều ĐB đã thể hiện sự thất vọng rõ rệt. Tình trạng ban hành văn bản một cách chậm trễ; văn bản vừa ban hành đã không có tính khả thi, phải sửa, phải hủy; hay việc đưa vào rút tra trong chương trình làm luật của QH… khiến cho cử tri cả nước thấy việc soạn luật không còn nghiêm túc.
Luật biểu tình đang rất cấp thiết
Trong khi có nhiều văn bản ban hành xong “đắp chiếu” bỏ đấy vì không có tính khả thi, không có hướng dẫn luật, thì có nhiều vấn đề của cuộc sống đòi hỏi phải có luật để điều chỉnh lại không có.
Dẫn chứng về tình trạng biểu tình, nhiều đại biểu đòi hỏi phải sớm có luật về vấn đề này. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nói: “Người dân có nhu cầu sử dụng luật này. Vì những vấn đề bức xúc đang diễn ra. Những vấn đề về đất đai cho đến các cuộc biểu tình phản đối TQ vừa qua càng cho thấy nhu cầu biểu tình, của người dân là có thật. Nó không chỉ để bảo vệ quyền lợi cá nhân, mà còn vì lòng yêu nước.
Theo ĐB tỉnh Thanh Hóa, nếu không có luật về biểu tình một cách rõ ràng, việc tụ tập đông người, khiếu kiện đông người hay biểu tình, đều có nguy cơ bị lợi dụng, trên thực tế đã có nhiều vụ việc, để chống nhà nước, chế độ, gây ra hậu quả xấu, đặc biệt nghiêm trọng như đã xảy ra vừa qua ở Bình Dương, Hà Tĩnh. Vì thế ông khẳng định: Phải xây dựng luật Biểu tình để phục vụ nhân dân, cũng là yêu cầu hết sức bức thiết về quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn trật tự xã hội, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.
Chung quan điểm này, ĐB Đỗ Văn Đương cùng đoàn TP.HCM cũng đồng ý phải đưa ngay Luật Biểu tình vào chương trình QH kỳ này. Theo ông, những vấn đề mà chưa bức xúc, có thể để lại sau, nhưng tình hình hiện nay, nếu không có luật biểu tình, sẽ rất nguy hiểm. Nhiều hành vi manh động, quá khích của các phần tử xấu, chúng ta sẽ không ngăn cản được.
ĐB Trần Du Lịch cũng ủng hộ tính cấp thiết của Luật biểu tình: "hàng triệu người muốn biểu tình để thể hiện sự ủng hộ đối với Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt trong việc chống lại hành vi TQ xâm phạm lãnh thổ VN". – ông nói.
Chương trình làm luật không thể tùy tiện
Đặt câu hỏi trước QH, nhiều đại biểu cũng tỏ ra rất thất vọng với tình trạng văn bản không có tính khả thi như hiện nay. Một ĐB tỉnh Quảng Ngãi nói: Luật về thuốc lá đã được ban hành rồi, nhưng cho đến bây giờ, cử tri hỏi tôi nó thực hiện ra sao, quỹ phòng chống thuốc lá sử dụng như thế nào, tôi đành cúi đầu nhận lỗi. Vì bản thân tôi cũng chưa thấy nó đã được triển khai như thế nào.
Cũng như tâm tư của nhiều ĐBQH khác, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đều hết sức quan trọng, vì sao lại rút?
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cũng bày tỏ sự thất vọng khi chương trình làm luật cứ đưa vào rút ra một cách tùy tiện như thế sẽ làm giảm tính nghiêm minh của QH. ĐB đề nghị các cơ quan đầu ngành cần thật nghiêm túc về vấn đề này. Nếu thấy vấn đề thực sự quan trọng phải có luật thì đưa kiến nghị . Và đã được QH đồng ý rồi thì phải cố gắng làm việc thật nghiêm túc để đảm bảo tiến độ.
Về vấn đề này, Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi Quốc hội cũng chỉ rõ việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn hạn chế như: Một số dự án trình không đúng tiến độ đã đề ra; số lượng các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn nhiều; tình trạng “tồn đọng” văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã giảm nhưng vẫn còn; chất lượng chuẩn bị một số dự án còn hạn chế.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị: “Cần đánh giá lại và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu không kiên quyết dứt điểm nợ đọng sẽ không khắc phục được, luật không đi vào cuộc sống làm người dân bức xúc, Quốc hội cũng không hoàn thành nhiệm vụ trước dân”.