Những ngày qua, trường hợp của chị Hoàng Thị Kim Dung (ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) sinh con từ tinh trùng của người chồng đã mất đã làm truyền thông bùng nổ. Đầu tiên là sự thành công của y học, vì đây là trường hợp trẻ được sinh ra bằng việc thụ tinh trong ống nghiệm từ sự kết hợp giữa tinh trùng của tử thi người chồng và noãn (trứng) của người vợ. Tiếp đến là câu chuyện hai đứa trẻ sẽ không có tên cha trong giấy khai sinh bởi vì cả pháp luật Dân sự và Hôn nhân - gia đình đều chưa có quy định cụ thể về trường hợp này. Vụ việc tạo thành một “khoảng trống pháp luật” do thực tiễn đi trước khả năng điều chỉnh của pháp luật.
Hiện pháp luật mới chỉ điều chỉnh về khai sinh cho trẻ em trong và ngoài giá thú. Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì mẹ các bé sẽ phải khai sinh cho con là con ngoài giá thú. Tuy nhiên, ông nội của hai cháu bé đã đến UBND phường Hoàng Liệt đăng ký khai sinh cho các cháu với mong muốn ghi đầy đủ tên cha của các cháu trong giấy khai sinh và các cháu được mang họ cha.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình chị Dung và bảo đảm quyền lợi cho hai cháu bé, ngày 3/1/2014 Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp đã có Văn bản số 35/HTQTCT-HT gửi UBND phường Hoàng Liệt hướng dẫn UBND phường Hoàng Liệt vận dụng các quy định của pháp luật đăng ký khai sinh cho hai cháu, giấy khai sinh phải ghi cả tên cha, mẹ.
Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cũng hướng dẫn: Về hồ sơ đăng ký khai sinh, gia đình chị Dung phải bổ sung giấy tờ của bệnh viện xác nhận việc tiến hành kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho chị Dung từ tinh trùng của người chồng đã mất hoặc kết quả giám định AND xác định hai cháu là con của người chồng đã mất.
Phần ghi chú trong Sổ đăng ký khai sinh của hai cháu bé phải ghi rõ về việc các cháu được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách kết hợp giữa tinh trùng của người chồng đã mất và noãn của người vợ).
Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - cho biết: Ngày 9/1/2014, UBND phường Hoàng Liệt đã đăng ký khai sinh cho hai cháu Hồ Sỹ Hoàng Đức và Hồ Sỹ Hoàng Hải, con của chị Dung.
Câu chuyện tốn nhiều giấy mực của mẹ con chị Dung đã tạm kết thúc nhưng hai đứa trẻ đầu tiên sinh ra từ tinh trùng của tử thi đã mở ra hy vọng cho nhiều gia đình rơi vào cảnh ngộ như nhà chị Dung và cũng mở ra những vấn đề pháp lý.
Pháp luật chỉ cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính; còn trường hợp sinh con từ tinh trùng hay trứng của tử thi, pháp luật không cấm, mà luật đã không cấm thì đương nhiên đẻ sẽ không vi phạm luật.
Vấn đề gây tranh cãi ở đây là pháp luật không cấm nhưng về đạo đức, văn hóa thì sao? Về mặt y học, chưa thấy Bộ Y tế lên tiếng về chuyện người chết có thể sinh con hay không? Trứng, tinh trùng và phôi có tuổi thọ bao lâu sau khi được cất giữ đông lạnh? Và những đứa con sinh ra từ tử thi có giống như những đứa trẻ bình thường khác? Chuyện sinh con từ tinh trùng tử thi chỉ là chuyện hy hữu như một minh chứng của thành tựu y học, hay từ đây nhiều người sẽ thi nhau sinh con từ tinh trùng, trứng của tử thi vì luật không cấm?
Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi có nhiều nội dung được dư luận quan tâm như vấn đề hạ độ tuổi kết hôn, vấn đề hôn nhân đồng tính, mang thai hộ… Thế nhưng câu chuyện người chết sinh con chưa được đưa vào Dự thảo Luật.
Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học quy định: “Trong trường hợp người gửi tinh trùng bị chết, cơ sở lưu giữ tinh trùng phải hủy số tinh trùng của người đó”. Với quy định này, người gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng lúc còn sống sẽ không còn cơ hội sinh con từ tinh trùng của mình sau khi đã chết dù tinh trùng vẫn có thể sống.
Trong khi đó, khoảng trống pháp lý kể trên lại tạo cơ hội cho những người đã chết vẫn sinh được con. Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi có nên cấm người chết sinh con hay không đang là vấn đề mà các nhà làm luật cần quan tâm…
TS Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực- Bộ Tư pháp:
Cục sẽ đề nghị Ban soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) nghiên cứu, bổ sung quy định
- Nghị định số 12/2003/NĐ-CP của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học quy định như sau: Các cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ sống độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa (Khoản 1 Điều 4); về xác định cha, mẹ cho con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, Khoản 1 Điều 20 quy định: Trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân. Khoản 2 Điều 20 quy định: Những người theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 được xác định là cha, mẹ đối với trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Như vậy, hiện tại chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh việc xác định cha cho con sinh ra trong những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách kết hợp giữa tinh trùng của người chồng đã chết và noãn của người vợ.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực sẽ đề nghị Ban soạn thảo và Tổ Biên tập Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) nghiên cứu, bổ sung quy định về việc xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp người vợ sinh con bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm từ việc kết hợp giữa tinh trùng của người chồng đã mất và noãn của người vợ.