Mặc dù Luật Cư trú đã “ưu đãi” các TP trực thuộc Trung ương bằng qui định điều kiện đăng ký thường trú chặt chẽ hơn các địa phương khác, song vẫn chưa thực sự đủ sức để hạn chế sự nhập khẩu ồ ạt vào các TP.
Giảm nhập cư, liệu HN còn có cảnh tượng này? |
Tính đến tháng 10/2011, số nhân khẩu thường trú ở 10 quận nội thành Hà Nội là hơn 2,2 triệu nhân khẩu so với hơn 6,4 triệu nhân khẩu của 29 quận, huyện toàn TP. Sự mất cân đối về phân bố dân cư này một phần là do sự sơ hở, bất cập khi “nới lỏng điều kiện đăng ký thường trú” của Luật Cư trú.
Lợi dụng qui định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú, nhiều trường hợp đã cho nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào hộ khẩu của mình dù những người này không cư trú tại địa chỉ hộ khẩu đó, gây khó khăn cho công tác quản lý cư trú của địa phương. Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 20 vẫn còn “lỗ hổng” lớn khi để cho một số DN (thậm chí có DN ma) tạo điều kiện cho nhiều người không thuộc DN mình “lách luật” để đăng ký thường trú. Bất kỳ ai muốn được đăng ký thường trú theo Khoản 3 Điều 20 thì chỉ cần “trình” một hợp đồng lao động không xác định thời hạn mà việc ký một hợp đồng như vậy thì đối với nhiều DN là chuyện “có khó gì đâu”.
Trước tình trạng luật “hổng” nên dân “lách” dễ dàng như vậy, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) - cho biết, định hướng sửa đổi Luật Cư trú xác định bổ sung điều kiện đăng ký thường trú vào các TP trực thuộc Trung ương là tăng thời gian tạm trú lên 3 năm, diện tích mặt sàn chỗ ở tối thiếu 5m2/người đối với chỗ ở cho thuê, mượn, ở nhờ. Riêng đối với nội thành Hà Nội, Luật Cư trú dự kiến qui định “phải có chỗ ở hợp pháp là nhà thuộc sở hữu hoặc được cho thuê lâu dài và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 2 năm trở lên”.
Định hướng này không chỉ bảo đảm quyền của người dân, phòng ngừa việc lợi dụng sự thông thoáng của Luật để thực hiện hành vi trục lợi, gây khó khăn cho công tác quản lý cư trú của Nhà nước còn góp phần củng cố cho tính khả thi của các điều kiện về đăng ký thường trú trong Dự thảo LTĐ./.
Hải Nhật