Luật Điện ảnh (sửa đổi): Bịt lỗ hổng trong quản lý phim chiếu mạng

(PLVN) -  Với Luật Điện ảnh sửa đổi, việc kiểm soát phim chiếu trên không gian mạng sẽ khá thông thoáng mà vẫn đảm bảo quản lý, hạn chế những vi phạm vẫn đang xảy ra từ trước đến nay.
Cảnh trong một phim chiếu mạng đề tài giang hồ.

“Lỗ hổng” quản lý

Với sự phát triển của mạng xã hội và sự chuyển dịch nhu cầu của người dùng, một bộ phận lớn khán giả đã lựa chọn mạng xã hội để làm kênh giải trí chủ yếu. Phim chiếu mạng (web-drama) là một trong những thú vui ấy. Đặc biệt, trong khoảng thời gian bùng dịch COVID-19 kèm giãn cách, người dân dần từ bỏ thói quen ra rạp và tìm đến các dịch vụ giải trí trên mạng nhiều hơn. Web-drama đã trở thành lựa chọn của rất nhiều người bởi sự tiện lợi, đa dạng trong nội dung và tiết kiệm về tiền bạc.

Phim chiếu mạng cũng là một hướng mở tốt cho những người kinh doanh lĩnh vực điện ảnh, bởi không “vướng” nhiều quy định, lượng người xem lớn, doanh thu tốt và ít rủi ro hơn phim chiếu rạp, phim truyền hình. Nhiều bộ phim web-drama thời gian qua đã cho thấy mức độ đầu tư hoành tráng, công nghệ, kĩ xảo cao, chăm chút về mặt hình ảnh thậm chí hơn cả phim truyền hình.

Tuy nhiên, cũng chính bởi sự bùng nổ phim chiếu mạng mà thời gian qua, lĩnh vực này cũng khá “loạn”. Trong khi phim chiếu rạp, phim truyền hình bị kiểm duyệt chặt chẽ từ nội dung đến hình thức, đối tượng người xem thì phim chiếu mạng lại được “thả nổi”. Điều này dẫn đến một khoảng thời gian dài, hàng loạt web-drama có các nội dung tình dục, bạo lực... được trình chiếu thoải mái. Các phim này được một bộ phận giới trẻ thích thú theo dõi, dẫn đến hàng triệu, chục triệu lượt xem cho mỗi tập và nhiều phim làm đến vài phần. Nhiều người đã bày tỏ lo lắng về tác hại của những nội dung này đến nhận thức của thanh, thiếu niên.

Cạnh đó, phim chiếu mạng còn nhiều tồn tại khác như các vấn đề về vi phạm quảng cáo rượu bia, những nguy cơ liên quan đến chủ quyền, an ninh mạng... Tuy nhiên, từ trước đến nay, do khâu kiểm duyệt lỏng lẻo, hầu hết việc xử lý các phim vi phạm hầu như chưa được thỏa đáng. Đa phần được xử lý khi sự việc đã quá ồn ào, việc xử lý còn "manh mún", chạy theo từng sự vụ và phản hồi của dư luận.

Từ nhiều nay năm, vấn đề kiểm duyệt, kiểm soát phim chiếu mạng đã được đặt ra, những “lổ hổng” trong Luật Điện ảnh về vấn đề này cũng được các chuyên gia phân tích, đề xuất hướng sửa đổi luật cho phù hợp với thực tế hơn.

Áp dụng tiền kiểm và hậu kiểm với phim chiếu mạng

Ngày 15/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Điện ảnh sửa đổi. Luật có 8 chương, với 48 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Luật gồm 8 chương, 50 điều quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh. Ở lần sửa đổi bổ sung thứ hai này, Luật Điện ảnh được đánh giá là khá hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người làm nghề.

Trong các quy định mới được sửa đổi, bổ sung, vấn đề quản lý phim chiếu mạng được đặt ra khá rõ ràng. Theo đó, Luật Điện ảnh sửa đổi lựa chọn cả hai cách tiền kiểm và hậu kiểm quản lý phim trên không gian mạng để tránh những sơ sót không đáng có.

Khâu tiền kiểm sẽ siết chặt hơn về các quy định đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng. Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng đều phải có trách nhiệm phân loại phim theo độ tuổi người xem, hiển thị cảnh báo và tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh (sửa đổi). Thống nhất một tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim.

Khâu hậu kiểm có tiến bộ là áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm. Điều này sẽ góp phần giảm tải được công việc của người làm công tác kiểm định, tránh việc bỏ qua, bỏ lọt những sản phẩm phim vi phạm.

Một số ý kiến cho rằng đang có sự “bất công” giữa phim chiếu mạng và phim điện ảnh, truyền hình. Vì nếu đã tiền kiểm thì tất cả cùng tiền kiểm, hậu kiểm thì cùng hậu kiểm, như vậy mới tạo hành lang và môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa phim Việt Nam và các nền tảng OTT xuyên biên giới.

Tuy nhiên, đa phần các chuyên gia vẫn cho rằng, đây đã là một bước tiến của Luật Điện ảnh khi tạo “chiếc vòng kim cô” cho phim chiếu mạng, hạn chế tình trạng thả nổi, nội dung tự do, sai phạm nhiều từ trước đến nay. Còn để thay đổi cả một thực trạng thường gây bức xúc từ trước đến nay là kiểm duyệt phim điện ảnh và truyền hình, có lẽ cần đến một lộ trình cởi mở và thực tế khác.