“Luật HNGĐ phải tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người”

Hôm qua (16/4), Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và 62 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành Trung ương, địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Hôm qua (16/4), Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và 62 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành Trung ương, địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Nhiều vấn đề lớn được thảo luận

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: sau 12 năm thi hành, Luật Hôn nhân gia đình đã có tác động tích cực đến việc đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Luật đã góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, Luật Hôn nhân gia đình đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Tại Hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến mục tiêu, quan điểm, định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã được tập trung thảo luận.

Các tham luận tại Hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận: Một số quy định của Luật còn chưa tạo ra cơ chế pháp lý hiệu quả trong điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình vốn có nhiều đặc thù thù so với các quan hệ dân sự khác. Một số quy định của Luật chưa thực sự phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của các quan hệ dân sự - quan hệ tư, do đó, trong một số quan hệ, các thành viên trong hôn nhân và gia đình chưa được quyền lựa chọn phương án ứng xử tốt nhất cho gia đình và bản thân.

Bên cạnh đó, một số quan hệ về hôn nhân và gia đình phát sinh trong thực tiễn chưa được Luật quy định hoặc Luật quy định không cụ thể, như: việc xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; quan hệ nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn; ly thân; mang thai hộ…

Kết hợp các giá trị truyền thống và hiện đại

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý: “Gia đình có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với mỗi con người, mỗi xã hội và mỗi Nhà nước. Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và hoàn thiện nhân cách. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Vị trí của gia đình như vậy đã nói lên vai trò đặc biệt quan trọng của Luật Hôn nhân và gia đình trong hệ thống pháp luật Việt Nam”.

Từ lưu ý này, Phó Thủ tướng yêu cầu việc nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình phải thể hiện được hai quan điểm rất quan trọng. Một là, “tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và những người yếu thế khác trong quan hệ hôn nhân và gia đình”.  Hai là “bảo đảm pháp luật về hôn nhân và gia đình vừa thể hiện được các giá trị truyền thống tiến bộ, văn minh của gia đình Việt Nam vừa phù hợp với pháp luật và các giá trị chung về hôn nhân và gia đình của các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, khi giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình, cần phải xuất phát từ tính chất rất đặc thù, khác biệt của quan hệ xã hội này so với các quan hệ xã hội khác. Luật Hôn nhân và gia đình có thể gọi là “luật tư của luật tư”, do đó cần tăng cường các giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ hôn nhân và gia đình theo hướng bảo đảm cho các bên tự do lựa chọn các phương án xử sự cụ thể.  

Bên cạnh đó, cần tạo ra một cơ chế pháp lý rõ ràng, thống nhất trong việc áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân và gia đình để giải quyết những vấn đề thực tiễn về hôn nhân và gia đình của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đồng thời cũng kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tiến bộ, văn minh của dân tộc Việt Nam.

“Tiếp tục nghiên cứu về những vấn đề lớn, nhạy cảm”

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: Thực tiễn quan hệ hôn nhân và gia đình hiện nay cùng những đòi hỏi của công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải khẩn trương sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu kết luận Hội Nghị

Bộ trưởng đề nghị Ban Soạn thảo Luật tiếp tục cho ý kiến về 10 vấn đề lớn trước khi tiến hành xin ý kiến các Bộ, ngành và báo cáo Chính phủ, trong đó có vấn đề áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình, về điều kiện kết hôn, tuổi kết hôn, việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, mang thai hộ, về chế độ hôn sản định ước, về ly thân, vấn đề phi tư pháp hóa việc giải quyết ly hôn….Trong những vấn đề lớn mà dự Luật đề ra, theo đánh giá của Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Nhiều vấn đề rất nhạy cảm và còn ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung đã nhận được sự đồng thuận của các cơ quan xây dựng và thi hành pháp luật”.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng là phải xây dựng được một Luật Hôn nhân và gia đình mới, vừa mang tính dân tộc, lại vừa mang tính thời đại, vừa truyền thống lại vừa văn minh, đảm bảo tôn trọng các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam nhưng cũng phải phù hợp với xu thế và các giá trị chung về hôn nhân và gia đình của các nước trên thế giới, vừa bảo vệ được quyền lợi của phụ nữ lại vừa không cản trở sự giao lưu của người Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình với người nước ngoài”. Do đó, các ý kiến góp ý tại Hội nghị sẽ tiếp tục được Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình nghiên cứu, cân nhắc.

Hồng Thúy

Đọc thêm