Luật Luật sư cần sát với thực tiễn

Nhằm đáp ứng nhu cầu công tác lập pháp được thông qua phiên họp thứ 7 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội diễn ra từ ngày 10 đến ngày 20/4/2012, các Luật sư (LS) có thêm các ý kiến đóng góp.

Nhằm đáp ứng nhu cầu công tác lập pháp được thông qua phiên họp thứ 7 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội diễn ra từ ngày 10 đến ngày 20/4/2012, các Luật sư (LS) có thêm các ý kiến đóng góp sau.

Điều tra viên không phải qua đào tạo LS. Trong ảnh, Điều tra viên đang lấy lời khai bị can.
Điều tra viên không phải qua đào tạo LS. Trong ảnh, Điều tra viên đang lấy lời khai bị can.

Miễn đào tạo LS cho một số chức danh

LS Nguyễn Thanh Lương – phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre cho rằng, theo Dự thảo Luật sửa  đổi bổ sung một số điều của Luật LS  quy định những người được miễn đào tạo nghề LS: Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; Những người đã là thẩm phán, kiểm sát viên có kinh nghiệm trong ngành từ  5 năm trở lên; Đã là điều tra viên cao cấp, chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án; Kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

LS P.T.H. cho rằng đặt vấn đề sửa đổi Luật LS cần quan tâm đến lộ trình tổng kết và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Bởi lẽ, mấu chốt và quan trọng nhất của việc sửa đổi lần này là làm thế nào nâng cao vị thế và vai trò của LS trong xã hội và trong hoạt động tố tụng.

Do quan niệm hoạt động bào chữa gắn liền với hoạt động xét xử của tòa án, nên các Điều 67 Hiến pháp 1946, Điều 101 Hiến pháp 1959, Điều 133 Hiến pháp 1980 và Điều 132 Hiến pháp 1992 lại quy định bảo đảm quyền bào chữa trong chương về tổ chức và hoạt động của tòa án, mà không coi đây là nguyên tắc và quyền cơ bản của công dân trong chương “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Theo LS H., nhận thức và quan điểm này cần được xem xét và điều chỉnh.

Ngoài ra, Dự thảo còn thể hiện, những người đã là điều tra viên, chấp hành viên, công chứng viên, thừa phát lại, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật từ 5 năm trở lên cũng được miễn đào tạo nghề LS. Theo đó, những người theo quy định trên chỉ được xem xét miễn đào tạo nghề luật sư trong thời hạn 2 năm kể từ ngày thôi đảm nhiệm các chức danh đó… Trong khi nhà nước muốn tăng cường phát triển nhanh chóng đội ngũ LS để đáp ứng hoàn  cảnh đất nước hiện nay thì cần phải tăng thời hạn từ 3 đến 5 năm kể từ ngày họ thôi đảm nhiệm các chức danh trên. 

 Theo LS Lương, tại Điều 32 K3 của Dự thảo, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề LS phải có ít nhất 3 năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng cho tổ chức hành nghề LS hoặc hành nghề với tư cách cá nhân; phải có trụ sở bảo đảm đủ diện tích làm việc cho LS, nhân viên, tiếp khách hàng và lưu trữ hồ sơ… Quy định trên làm cho người LS sau một thời gian dài thông qua đào tạo - tập sự và đạt chính thức vẫn còn lệ thuộc, mâu thuẫn với yêu cầu Đề án phát triển Tổ chức hành nghề LS…

Còn LS Minh Quang, Đoàn LS TP.HCM cho rằng  việc tăng thời gian đào tạo là cần thiết. Tuy nhiên, nghề luật sư đòi hỏi phải có kỹ năng tốt, kỹ năng do mình tự học hỏi tích lũy và kỹ năng có được qua đào tạo. Nếu tính đến cả việc đào tạo liên thông thì đây là việc càng nên làm. Vấn đề là sau đào tạo phải kiểm tra sát hạch đúng thực chất trước khi cấp chứng chỉ đào tạo nghề. Từ đó, LS Quang cho rằng không nên miễn quá dễ dàng dẫn đến việc phát triển đội ngũ LS một cách ồ ạt, kém chất lượng…

“Không nên để họ cứ bơi mãi trên cạn”

Mặt khác, Dự thảo  đối với Người tập sự hành nghề LS không được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đại diện cho khách hàng trước Tòa… So sánh với Pháp lệnh LS năm 2001 là một bước thụt lùi. Bởi vì theo Pháp lệnh 2001, Người tập sự hành nghề LS được tham  gia tố tụng bào chữa, bảo vệ  quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại TAND Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc Tỉnh, Tòa án Quân sự khu vực theo sự phân công của LS hướng dẫn và sự đồng ý của khách hàng...

Do đó, Dự thảo Người tập sự hành nghề LS không được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp còn đồng nghĩa là phân biệt đối xử, không bình đẳng với Bào chữa viên nhân dân, Người đại diện hợp pháp… Ngoài ra, Người tập sự hành nghề LS không được đại diện cho khách hàng trước Tòa  là vi phạm - trái với Điều 142, 143 Bộ Luật Dân Sự. Như vậy, việc mở rộng quyền cho Người tập sự hành nghề LS là điều rất cần thiết và còn có nhiều ý nghĩa khác trong thực tế, góp phần tạo môi trường pháp lý thông thoáng phù hợp với năng lực người tập sự hành nghề LS, đồng thời cải thiện thu nhập, tạo sự hài hòa giữa LS hướng dẫn và người tập sự hành nghề LS…

Cũng có ý kiến cho rằng việc các Điều tra viên, Kiếm sát viên và Thẩm phán mặc nhiên được cấp thẻ LS là chưa ổn, kể cả những người có học vị, học hàm thì chưa chắc họ đã có kỹ năng hành nghề LS, bởi đây là một nghề đặc thù. Do vậy Luật cần quy định phải bồi dưỡng kỹ năng hành nghề cho các chức danh tư pháp, không nên miễn tất cả cho họ (bồi dưỡng kỹ năng từ 1-3 tháng).

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Hoàng Hà, Đoàn LS Khánh Hòa cho rằng, không nên mặc nhiên Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán là LS, ngoài ra cũng cần xem xét thời hạn mà chức danh đó đã không còn hành nghề. Về vấn đề này, bà Ung Thị Xuân Hương, phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cũng đồng tình khi cho rằng “chưa chắc anh giỏi nghề điều tra viên, kiểm sát viên mà hành nghề LS được”. Theo bà Hương nên chăng cho người tập sự hành nghề LS làm một số việc dưới sự giám sát của LS hướng dẫn, không nên để họ cứ “bơi mãi trên cạn”.

Sau 5 năm thi hành Luật Luật sư, đội ngũ LS nước ta đã và đang phát triển nhanh về số lượng. Tính đến nay đã có hơn 7.200 LS vần gấn 3.500 người tập sự hành nghề LS hoạt động trong hơn 2.900 tổ chức hành nghề LS.

Hoạt động LS đã diễn ra sôi động, không những đáp ứng kịp thời nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, tổ chức, bảo vệ quyền, lơi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác; mà còn phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Báo cáo chưa đầy đủ của các tổ chức hành nghề LS 34 tỉnh, thành phố, 5 năm thi hành Luật Luật sư, hoạt động hành nghề LS đã đạt doanh thu hơn 1.165 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 500 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Tuy nhiên, trong tổ chức và hoạt động hành nghề LS vẫn còn đó một số hạn chế: Như số lượng LS hiện có so với dân số còn rất thấp, tỷ lệ LS trung bình là 1 LS/12.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan là 1/1.500, Singapore 1/1.000, Nhật Bản là 1/4.500, Pháp 1/1.000, Mỹ 1/250.

Đó là chưa nói chất lượng của đội ngũ LS chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của cá nhân, tổ chức và cho sự phát triển kinh tế - xã hội; chưa theo kịp trình độ LS của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới…

Nhóm Phóng viên

Đọc thêm