Từ nay trở đi, những người nước ngoài nhập cư vào Nga làm việc sẽ chẳng gặp khó khăn gì đặc biệt khi mua giấy chứng nhận và trở thành người lao động hợp pháp. Viện Đuma Quốc gia đã tiếp nhận dự luật do Chính phủ đề ra theo sáng kiến của Cơ quan Di trú Liên bang, văn kiện pháp lý sẽ làm cho qui trình nhận giấy phép lao động tại Nga trở nên minh bạch.
|
Có vẻ là, giờ đây những cuộc nhập cư ồ ạt phi quản lý vào Nga sẽ trở thành chuyện của quá khứ một thời. Văn kiện mà các nhà lập pháp Nga thông qua sẽ sửa chữa những thiếu sót của đạo Luật hiện hành nhan đề “Về tình trạng pháp lý của công dân nước ngoài tại Liên bang Nga”. Luật mới sẽ cho phép đưa thị trường nhân lực nước ngoài vào đúng phạm trù quĩ đạo pháp lý và văn minh. Theo qui định trong văn kiện, bây giờ người nhập cư lao động cần mua giấy phép trị giá 1.000 rúp (khoảng 30 dollar). Giấy phép có hiệu lực từ 1 đến 3 tháng, kèm theo quyền gia hạn thêm nhiều lần trong vòng một năm. Giấy phép được dự trù đảm trách 2 chức năng: là phương tiện kiểm soát số lượng người lao động từ nước ngoài đến Nga, đồng thời quản lý khâu giải quyết việc làm ở Nga.
Trên thực tế, luật mới nhắm vào những cơ sở trung gian-môi giới, mới chỉ cách đây chưa lâu còn là thành phần kiếm được những khoản tiền kếch xù nhờ khai thác các “điểm trắng” hay gọi cách khác là “lỗ hổng” của nền luật pháp Nga. Xin nhắc rằng, dù gọi là điểm trắng hay lỗ hổng, thì khái quát lại cơ sở mâu thuẫn của nó đều bao hàm ở chỗ, những trung gian-môi giới và chủ thuê nhân công được luật hóa như là “bên mời” và “bên tiếp nhận”. Tức là không phải toàn bộ những người nước ngoài được mời vào Nga, sau đó đều được tiếp nhận làm việc, mặc dầu họ cũng phải trả không ít tiền cho cơ sở môi giới về khoản bố trí công việc. Thực chất không gì khác hơn là các công dân nước ngoài đó đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Cũng ở đây tạo ra những ngóc ngách để rồi xuất hiện hàng loạt di dân lao động bất hợp pháp. Trong chừng mực ở lĩnh vực này đã có luật hiện hành, qui định phạt chủ thuê nhân công nếu vi phạm, vấn đề còn lại chỉ là sự chênh lệch không tương xứng giữa số người nước ngoài vào Nga và số di dân lao động làm việc thực sự hợp pháp tại Nga.
Giờ đây khoảng cách-lỗ hổng này sẽ được xóa. Những chuẩn mực của đạo luật mới sẽ tạo điều kiện đưa mọi thứ vào nề nếp trong lĩnh vực lao động nhập cư — mà theo một số đánh giá, hiện có gần 3 triệu rưởi di dân nước ngoài đang làm việc.
Đạo luật sẽ chấn chỉnh toàn bộ lĩnh vực lao động nhập cư, — đó là khẳng định của ông Vladimir Pligin phụ trách Ủy ban về Luật Hiến pháp và thiết chế Nhà nước.
”Trong đề án luật, đã kiến nghị nhiều sửa đổi, hệ thống hóa luật, thiết lập chính xác cơ sở để giành khả năng cư trú và cấp việc làm trên lãnh thổ Nga cho những chuyên viên trình độ cao đến Nga từ các nước khác nhau. Ở đây cũng liên quan đến khả năng tổ chức công việc trên địa bàn Nga cho những công dân của các quốc gia có thỏa thuận với Nga về chế độ miễn thị thực-visa. Tức là nói về những di dân nhập cư không cần visa đi làm thuê cho chủ tư nhân ở Nga (thể nhân) theo các hợp đồng như trông trẻ, giúp việc nhà, hộ lý-y tá hoặc các công việc khác”.
Theo qui định mới của luật pháp, từ nay trở đi các di dân lao động khi làm thủ tục nhận giấy phép làm việc sẽ nhất thiết phải qua khâu đăng ký dấu vân tay và chụp ảnh, tạo điều kiện để Cơ quan Di trú Liên bang lập ngân hàng dữ liệu tương ứng về lao động nhập cư người nước ngoài. Theo tính toán thì việc bán các giấy phép lao động sẽ đem lại cho ngân quĩ Nga gần 30 tỷ rúp.
Hiện nay có nhiều chuyên viên thiên về hướng cho rằng, việc áp dụng bán giấy phép lao động như vậy sẽ lại tạo ra thêm một dịp kiếm chác cho các quan chức không thanh liêm. Tuy nhiên cách suy diễn như vậy chỉ dẫn đến chỗ bế tắc. Bởi nếu như nói chung không có động thái gì, tình hình chỉ ngày càng xấu đi. Mặc dù quả thực là đạo luật cần thiết này ra đời có phần muộn màng, và hiện thời nó chưa trở thành cơ chế cảnh báo ngăn chặn di dân lao động bất hợp pháp.