Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức “báo động” với lượng tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít (năm 2016).
Việc chống tác hại của rượu bia có ba mục tiêu gồm: kiểm soát quảng cáo; giảm tính sẵn có của rượu bia; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng giá bán rượu bia.
Theo ông Quang, Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ được trình Quốc hội vào hôm nay (9/11). Dự thảo này phải chịu sự giằng xé quá lớn giữa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, chi phí bỏ ra cho việc phòng, chống tác hại của rượu bia mất 65.000 tỷ đồng. Việc xây dựng Dự Luật đứng trên quan điểm phát triển bền vững, tức là dung hòa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế, trong đó lợi ích sức khỏe đóng vai trò nền tảng.
Trong 3 tháng qua đã có 10 thư kiến nghị/góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế (như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, Liên minh chính sách đồ uống có cồn toàn cầu, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe, Liên minh vì nếp sống lành mạnh IOGT, Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam) gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ khuyến nghị thực thi các chính sách phòng, chống tác hại rượu bia hiệu quả/tốt nhất và đề nghị giữ tên Luật như đề xuất của Chính phủ là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”.