Luật Quản lý nợ công (sửa đổi): Cần luật hóa trách nhiệm phối hợp của bộ, ngành

(PLO) - Tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) chiều qua (3/11), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng cần thể hiện rõ trong luật trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.
Đa số các ĐBQH nhất trí với việc quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công

Khắc phục hạn chế về công tác phối hợp 

Cho ý kiến tại phiên họp, đa số các ĐBQH nhất trí với việc quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính là “chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay thương mại, các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ”.

ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng quy định như vậy phù hợp với pháp luật hiện hành, thực hiện đúng tinh thần nghị quyết Hội nghị TƯ 6 về cải cách bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn hiệu lực hiệu quả, 1 việc chỉ giao 1 cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm. “Việc thống nhất 1 đầu mối sẽ khắc phục được tình trạng quản lý nợ công phân tán chồng chéo, không cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm”, ĐB nhận xét. Còn theo ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), đây là quy định cần thiết để tạo sự thống nhất trong quản lý nhà nước, từ đó xây dựng kế hoạch, tổ chức vay và cân đối trả nợ.

Tuy nhiên, ĐB Hoa Ry đề nghị QH cân nhắc quy định giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công mà không quy định trong luật. Theo ĐB, thực tiễn cho thấy việc phối hợp giữa các bộ, ngành thời gian qua còn nhiều vấn đề hạn chế và nếu tiếp tục không làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nợ công thì “không ổn và sẽ rất khó triển khai thực hiện”.

Từ nhận định như vậy, ĐB Hoa Ry đề nghị QH cân nhắc bổ sung, thể hiện rõ trong luật vai trò, trách nhiệm phối hợp của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính về vay ưu đãi nước ngoài và vận động vốn ODA; vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thỏa thuận vay của các tổ chức quốc tế. 

Còn ĐB Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) cho rằng, hạn chế của luật cũ không chỉ ở khâu đi vay mà còn cả ở khâu sử dụng vốn vay, quản lý các hình thức sử dụng khác. Do đó, tán thành với việc quy định theo hướng mới nhưng ĐB Hải đề xuất phải làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính cả trong khâu đi vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và các hình thức quản lý nợ công khác.

Xử lý bất cập BOT khi làm đường cao tốc Bắc – Nam

Tại phiên họp buổi sáng, QH đã nghe chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Ủy ban Kinh tế của QH (cơ quan thẩm tra dự án) cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án.

“Đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP HCM, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng KT-XH của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh nói. 

Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT).

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ QH cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập.

“Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT”, ông Thanh nhấn mạnh. 

Đối với 3 dự án thành phần còn lại (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2), Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành áp dụng hình thức hoàn toàn bằng vốn nhà nước sau đó tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ. 

Đọc thêm