Vừa qua, Báo Pháp luật Việt Nam đăng bài "UBND quận Bình Thạnh bị tố "chây ì" không thi hành án" phản ánh vụ việc UBND quận Bình Thạnh bị tố “chây ì” không thi hành án. Sau hơn một năm bản án có hiệu lực, quá hạn thi hành án tự nguyện, người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi công lý được thực thi.
Nhiều ý kiến bạn đọc thể hiện sự bức xúc cho rằng vụ việc đang có dấu hiệu “hành dân” khi UBND quận Bình Thạnh thua kiện, nhưng lại không thực hiện bản án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM có hiệu lực hơn một năm vẫn chưa được thi hành |
Theo bản án số 281/2019/HC-PT ngày 21/5/2019, TAND Cấp cao tại TP HCM đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Tấn Trung và bà Nguyễn Thị Lan Hạ hủy một phần Quyết định số 5763/QĐ-UBND ngày 05/6/2013 của UBND quận Bình Thạnh về việc áp giá bồi thường 54 triệu đồng/m2 đối với phần diện tích đất của ông bà bị thu hồi để giao cho Công ty Thanh niên xung phong đầu tư xây dựng Khu nhà ở cao tầng tại phường 22, quận Bình Thạnh.
Nội dung bản án nêu rõ: “UBND quận Bình Thạnh, TP HCM thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật, phải ban hành lại quyết định theo quy định của pháp luật”.
Sau khi bản án có hiệu lực, ngày 04/9/2019, Cục Thi hành án dân sự TP HCM ra văn bản thông báo số 10242/TB-THADS về việc tự nguyện thi hành án gửi cho UBND quận Bình Thạnh nêu rõ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của TAND Cấp cao tại TP HCM, UBND quận Bình Thạnh phải tổ chức thi hành các điều khoản nêu trong bản án.
“Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án, UBND quận Bình Thạnh, TP HCM thông báo bằng văn bản kết quả thi hành án cho TAND cấp cao tại TP HCM, VKSND TP và Cục Thi hành án dân sự TP HCM biết.
Trong trường hợp người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án tuyên thì Cục Thi hành án dân sự TP HCM sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định tại Điều 314 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ”, văn bản của Cục Thi hành án dân sự TP nêu rõ.
Tuy nhiên, đến nay, gần 1 năm sau khi có thông báo của Cục Thi hành án dân sự TP HCM, UBND quận Bình Thạnh vẫn chưa có động tĩnh nào cho thấy tự nguyện thi hành án với lý do “đã có đơn nghề nghị Giám đốc thẩm nên chưa thi hành án”.
Văn bản thông báo của Cục Thi hành án dân sự TP HCM về việc thi hành án tự nguyện đối với UBND quận Bình Thạnh |
Nhận định về vấn đề nêu rên, ông Võ Thái Hòa – Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho biết, không có quy định pháp luật nào cho phép người phải thi hành án khi có đơn yêu cầu Giám đốc thẩm đối với bản án thì được quyền không thi hành bản án.
“Việc hoãn hay tạm đình chỉ thực hiện bản án có hiệu lực phải tuân theo quy định pháp luật cụ thể căn cứ vào Điều 261 Luật Tố tụng hành chính: “Hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Khoản 7 Điều 242 Luật Tố tụng hành chính quy định bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
Bản án số 281/2019/HC-PT được TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên ngày 21/5/2019. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay bản án này đã có hiệu lực pháp luật được hơn một năm nhưng phía UBND quận Bình Thạnh vẫn chưa thi hành án là vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính", luật sư Hòa phân tích.
Cũng theo luật sư Hòa, Căn cứ Điều 7 Nghị định 71/2016/NĐ-CP về “Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án” và Điều 8 Nghị định 71/2016/NĐ-CP: “Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án” thì Chủ tịch UBND TP HCM phải có trách nhiệm trong việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với hành vi chậm thi hành án của Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh.
Luật sư Võ Thái Hòa – Đoàn luật sư TP Cần Thơ viện dẫn nhiều quy định pháp luật chứng minh hành vi chậm trễ thi hành án của UBND quận Bình Thạnh vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hành chính. |
"Để bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình, ông Nguyễn Tấn Trung và bà Nguyễn Thị Lan Hạ có quyền gửi đơn đến TAND Cấp cao tại TP HCM buộc Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh phải thi hành các bản án nêu trên theo khoản 3 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính. Cùng với đó, căn cứ điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP thì các hộ dân có quyền đề nghị Cục Thi hành án dân sự TP HCM theo dõi việc thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.
Về xử lý việc chậm trễ thi hành án, căn cứ Điều 27 và Điều 28 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP thì cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Hòa viện dẫn.
Để giải quyết dứt điểm sự việc, thực thi công lý đúng pháp luật, trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân, đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo sát sao, yêu cầu UBND quận Bình Thạnh thi hành theo đúng nội dung bản án đã tuyên, tránh làm phức tạp thêm tình hình, giảm bớt khiếu nại tố cáo của người dân.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên tới bạn đọc.