Tôi còn nhớ thân chủ của tôi là một bà cụ già 75 tuổi không chồng, không con. Từ nhỏ đến khi già yếu, bà sống bằng nghề gánh nước thuê, vậy mà bà chắt chiu mua được hai căn nhà nằm giữa lòng thành phố Sài Gòn.
Ảnh minh họa |
Theo tâm nguyện của bà, một căn đã hiến tặng cho Chùa Long Thành (Đồng Nai) để làm điểm dừng chân nghỉ ngơi cho các chú Sa Di mỗi khi về thành phố . Căn còn lại , bà đang ở nhưng về mặt pháp lý bà đã sang tên tặng cho cháu gái tên Lan phòng hờ khi già yếu cháu Lan sẽ chăm sóc và lo nhang khói cho bà… Thế nhưng, sự đời không ai học hết chữ ngờ. Khi cô Lan lấy chồng là một bác sĩ thành đạt, lý ra bà vui mừng mới phải, nhưng ngược lại từ đó tình cảm cô cháu giữa bà và Lan ngày càng rạn nứt. Tôi cũng không hiểu tại sao lại xảy ra chuyện này(?). Nhưng tôi nghĩ rằng, mâu thuẫn này cần phải có Luật sư để trợ giúp giải quyết tâm nguyện của bà là Hủy hợp đồng tặng cho, giữ lại căn nhà. Thế là tôi với vai trò Luật sư bắt đầu gắn kết với bà từ đấy…
Sự việc đã được Tòa án Nhân dân Quận I thụ lý, vì thấy bà già yếu, sống thui thủi một mình nên mỗi khi tới lui nhà bà, tôi rất ý thức và cảnh giác, tôi cố gọi to mỗi khi kêu cửa và nói chuyện lớn tiếng với bà, như để phân chứng với những người hàng xóm biết sự hiện diện của Luật sư là để giúp đỡ và làm việc công khai rõ ràng minh bạch… Tôi còn nhớ có lần Tòa mời lên hòa giải, trưa đó tôi đến sớm nên ngồi quán cóc vỉa hè uống nước với người bạn Thẩm phán. Vừa lúc chồng cô Lan đến nhìn thấy tôi, anh ta tươi cười xã giao rồi không mời mà tự động bước đến ngồi cùng bàn với tôi. Sau khi nghe được vài câu chào hỏi làm quen của anh bác sĩ, tôi mới hiểu rằng, anh ta không phải vì tôi mà là vì người bạn Thẩm phán. Tuy nhiên, người bạn Thẩm phán của tôi tinh ý, nhanh nhẹn đứng dậy trở về phòng làm việc nhằm hạn chế giao tiếp đương sự…
Lúc này, chỉ còn tôi và anh ta nói vài ba câu nhạt nhẽo khách sáo cũng là lúc bà cụ (thân chủ) được chị láng giềng chở bằng xe gắn máy trờ đến kịp thời kết thúc câu chuyện giữa tôi và anh bác sĩ - cháu rể của bà.
Thế rồi, phiên xử sơ thẩm - phúc thẩm lần lượt cũng đến, kết thúc vụ kiện tốt đẹp theo như nguyện vọng của bà. Hợp đồng tặng cho nhà cô cháu gái bị tuyên bố hủy bỏ do tôi đã chứng minh được không chỉ về lý, luật mà cả thực tiễn cô Lan vi phạm điều kiện tặng cho do không thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng bà…
Sang giai đoạn thi hành án, phía bị đơn không hợp tác, không hoàn trả giấy chủ quyền căn nhà, buộc lòng phải chuyển sang thủ tục hành chính. Tôi tiếp tục nhận dịch vụ làm lại sổ hồng căn nhà cho bà. Thời kỳ chưa có khái niệm về cải cách hành chính, thủ tục thật là nhiêu khê, nào là đo vẽ lại, nào là xin trích lục các giấy tờ cũ, hoàn thành các nghĩa vụ thuế, lệ phí và còn phải truy thu thuế, rồi phải đăng báo… Nói chung, giống như thủ tục hợp thức hóa một căn nhà nhưng có khác là quyền sở hữu của bà sẽ đương nhiên được công nhận do căn cứ bản án. Thế nhưng nếu tính từ ngày xét xử sơ thẩm, phúc thẩm rồi đến khi thi hành án đã ngoài 3 năm vẫn chưa hoàn chỉnh giấy tờ cho bà, trong khi bà tuổi cao, sức yếu.
Thế rồi bỗng một ngày họa vô đơn chí, bà nhờ người gọi tôi đến - chỉ thẳng tay vào mặt tôi quát to rằng: Luật sư là thằng bất lương, muốn kéo dài sự việc để cho tôi chết rồi toa rập với thằng bác sĩ để chiếm đoạt nhà tôi, cút đi ,tôi không muốn thấy mặt Luật sư nữa. Tôi bàng hoàng khủng hoảng hỏi, tại sao bà suy nghĩ kỳ vậy? Bà nói: Xóm này ai cũng biết, ai cũng nói Luật sư là như vậy – Luật sư âm mưu với cháu tôi nhằm chiếm đoạt căn nhà này. Chính tôi đã thấy Luật sư ngồi uống nước với thằng chồng con Lan, đừng chối quanh nữa, mau trả hồ sơ cho tôi rồi đi về đi, tôi không đòi tiền tạm ứng là may mắn lắm rồi, đồ bất lương, ác độc…
Nhìn thấy mặt đỏ gay, giọng nói hơi thở hổn hển của bà, tôi đành vội vã rút lui không khéo bà đột tử thì càng nguy khốn. Tôi không kịp một lời phân bua, đau đớn ra về để cho bà được bình yên vơi đi cơn giận. Loáng thoáng hai bên dãy nhà hàng xóm có nhiều đôi mắt len lén nhìn và nghe rất rõ lời nguyền rủa quát mắng của bà. Nhưng không hề có ai chạy qua nhà bà để tìm hiểu, hỏi han, nếu được như thế chắc có lẽ tôi sẽ đỡ khốn khổ hơn...
Tôi thui thủi ra xe nổ máy chạy thẳng về nhà mà lòng trĩu nặng. Tôi muốn cố quên đi những lời nguyền vô cớ nhưng không được, “chặt không đứt bứt không rời”. Biết mình bị oan mà không thốt được lời nào để biện minh, thế mới hay làm người đã khó, làm Luật sư càng đâu phải dễ!
Thời gian trôi qua, tôi mới thật sự thấm thía, hiểu rằng cội nguồn tai hại là do lần tôi ngồi uống nước cùng với anh chàng bác sĩ và người bạn Thẩm phán vào buổi trưa hôm đó, cộng với phần hiểu biết hẹp hòi của chị láng giềng đã từng chở Bà cụ đến Tòa buổi trưa hôm ấy, vô tình đã làm cho họ nghi ngờ hiểu lầm có sự câu kết giữa tôi với phía đối nghịch, mà thật ra đó chỉ là sự tình cờ “ma lanh” của anh chàng bác sĩ…
Tôi tuy đã lý giải được hành vi của bà, nỗi buồn của tôi có vơi đi nhưng với bà vĩnh viễn sẽ không thể nào hiểu được tôi… Mười lăm năm trôi qua, mỗi khi chạy xe ngang khu vực gần nhà bà cụ, lòng tôi vẫn còn bùi ngùi cảm xúc, vừa thương tiếc, tưởng đâu “giếng sâu tôi nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn tôi tiếc hoài sợi dây”.
Đôi lúc tự nghĩ hay mình vẫn cứ vào thăm viếng, quà cáp cho bà, vàng thật nào phải sợ lửa! Nhưng không, tôi nghĩ hơn mười lăm năm rồi chắc bà đã qua đời và thoát giật mình chợt nhớ căn nhà ấy chắc chắn bà đã bán. Bởi vì, tôi nhớ có lần được nghe điện thoại của một người đàn ông giọng Bắc tự xưng là người đứng ra mua nhà của bà cụ và yêu cầu tôi phải đến gặp bà để bàn giao giấy tờ công việc. Nhưng liền sau đó, tôi bị nhục, bị chán chường nên phải nhờ thằng cháu thay tôi trả hộ phần tiền và toàn bộ giấy tờ nhà cho bà, có thể đây mới là ông thầy “dùi” - nguyên nhân chính đem đến tai bay vạ gió cho tôi…
Tôi tự an ủi tuy không duyên nợ bà cháu, nhưng vẫn phải tự hỏi lòng mình nếu như tôi không có khuyết điểm thì điều quan trọng là phải tự chiến thắng lòng mình, sống làm sao mà không thấy hổ thẹn lương tâm, nghề nghiệp và sau này dù lên thiên đàng hay xuống địa ngục, nếu có gặp lại bà cụ, tôi tin rằng hai bên đều vui vẻ mến thương!
LS Nguyễn Thanh Lương- phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bến Tre