Từ trưa 10/11, do ảnh hưởng của bão, tỉnh Quảng Bình trời bắt đầu có mưa to nặng hạt xảy ra trên nhiều địa bàn. Trước đó, đường phố ở TP. Đồng Hới gần như không một bóng người, mọi công tác ứng phó với bão được người dân nơi đây chuẩn bị khá chu đáo.
Gió biển cấp 5 - 6 xuất hiện tại bờ biển xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lúc 10h ngày 10/11. |
Tại âu tàu sông Gianh và nhiều âu, cảng cá khác của tỉnh Quảng Bình, tàu thuyền đã vào neo đậu và được ngư dân chằng chống khá kỹ càng. 100% tàu thuyền và các thuyền viên của tỉnh này ở khắp các vùng biển trên cả nước đã được lực lượng chuyên trách liên lạc và hướng dẫn vào bờ neo đậu, tránh trú bão an toàn.
Tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương di dời các hộ dân ở những vùng xung yếu, có nguy cơ sạt lở và chia cắt đến những nơi an toàn để đề phòng các diễn biến xấu. Hiện đã di dời trên 16.000 hộ dân với gần 69.000 nhân khẩu đến các nơi trú tránh an toàn.
Đến sáng 10/11, chính quyền xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) mọi công tác ứng phó với bão được triển khai xong. “Đây là cuộc di dời dân lớn nhất từ trước đến nay. Có khoảng 600 hộ dân với trên 2.500 nhân khẩu đã được di dời xong”, ông Nguyễn Phương Lâm - Chủ tịch UBND xã này cho biết.
Người dân Ngư Thủy Bắc còn đào trên 30 hầm tránh trú bão. Mỗi hầm rộng 10 - 15m2 được gia cố bằng gỗ phi lao làm kèo hình chữ A, đào sâu xuống cát khoảng gần 1m. Mái hầm gia có bắng ván hay tấm bạt đổ đất chèn lên. Kiểu hầm như hầm tránh bom pháo thời chiến tranh nhưng rộng hơn. Các hầm trú được bố trí ở vùng cát ven đồi cao để tránh trường hợp sóng biển dâng gây ngập.
Ông Phạm Hữu Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết: “Huyện sẽ thực hiện di dời 975 hộ ở 3 xã biển Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam đến các địa điểm an toàn; đưa các phương tiện đánh bắt gần bờ vào nơi tránh trú. Đối với 882 hộ vùng thường xuyên bị ngập sâu ở các xã vùng giữa và 225 hộ thuộc xã miền núi có nguy cơ bị lũ quét, cũng đã có phương án di dời trong trường hợp khẩn cấp”. Lực lượng y tế, quân đội, công an, dân quân tự vệ… cũng đã được điều động 100%, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật chất để ứng cứu kịp thời khi cần...
Người dân xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) ngồi chờ bão trước cửa biển sau khi đã gia cố xong nhà cửa. |
Từ chiều 9/11, Phòng CSGT - Công an tỉnh Quảng Bình đã huy động 70 cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng chống bão. 10 xuồng cao tốc đã được huy động về các địa bàn xung yếu, các tổ tuần tra kiểm soát được bố trí trên các tuyến đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông, duy trì hoạt động giao thông trên các tuyến quốc lộ qua tỉnh này. Ngoài ra, toàn bộ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị công cụ hỗ trợ như cưa máy, búa tạ... để phục vụ công tác phòng chống bão khi cần thiết.
Tại Quảng Trị, “118 người gồm nhân dân, cán bộ và công nhân ở huyện đảo Cồn Cỏ đã được di chuyển, đưa đến trú tránh ở những nơi an toàn”, thông tin do ông Trương Khắc Trưởng, Phó Ban PCLB-TKCN huyện đảo Cồn Cỏ cho hay vào sáng 10/11.
Đến 9h cùng ngày, Cồn Cỏ có gió cấp 7, trời âm u và không mưa. Toàn bộ quân và dân đảo Cồn Cỏ đã sẳn sàng đón bão. Toàn bộ nhân dân và một số công nhân đang xây dựng trên đảo được đưa vào địa đạo quân sự để tránh bão. Sáng nay, số công nhân và cán bộ huyện đảo còn lại tiếp tục được sơ tán đến nhà cao tầng, kiên cố trên đảo. Âu tàu đảo Cồn Cỏ do không có khả năng trú tránh bão nên không có tàu thuyền nào neo đậu. Song song với việc sơ tán nhân dân đến nơi an toàn, các nhu yếu phẩm, lương thực gồm mì tôm, lương khô, y tá của quân đội và thuốc men cũng đã chuẩn bị đầy đủ.
Quảng Trị đã sơ tán hơn 20.000 hộ dân với hơn 80.000 khẩu đến nơi an toàn để trú tránh bão Haiyan. Người dân tỉnh này cũng rất cảnh giác trước bão và thực hiện kỹ càng các phương án phòng tránh như chằng chống cây cối, nhà cửa, mua lưới B40 đế giằng lại mái nhà…, nhằm giảm đến mức tối đa thiệt hại nếu bão diễn biến bất ngờ ập vào…