Luật sư khôn khéo trong việc lựa chọn hình thức xét xử

Sự lựa chọn hình thức xét xử đôi khi có thể thay đổi số phận con người. Trường hợp Cesar "Tony" Munoz là một ví dụ. Hôm 16/6/2013, khi nghe quan toà tuyên bố tha bổng sau 8 năm ngồi tù và 4 lần xét xử, người đàn ông 37 tuổi này đã quay lại hỏi luật sư Kathleen Zellner xem mình có nghe lầm hay không.

Sự lựa chọn hình thức xét xử đôi khi có thể thay đổi số phận con người. Trường hợp Cesar "Tony" Munoz là một ví dụ. Hôm 16/6/2013, khi nghe quan toà tuyên bố tha bổng sau 8 năm ngồi tù và 4 lần xét xử, người đàn ông 37 tuổi này đã quay lại hỏi luật sư Kathleen Zellner xem mình có nghe lầm hay không.

Tại phiên tòa đầu tiên xét xử Munos, đoàn bồi thẩm đã không đưa ra được quyết định anh ta có tội hay không. Hai phiên toà xét xử sau đó, Munos bị các bồi thẩm xác định là đã giết cô bạn gái 21 tuổi Magdaliz Rosaria, người đã có với anh ta hai đứa con gái, trong khi Munos khăng khăng mình vô tội. Trong ngần ấy năm, Munos luôn khai rằng anh ta phát hiện xác Rosaria trong phòng ngủ với một vết đạn bắn vào đầu.

c
Cesar "Tony" Munoz

Ở lần xử thứ 4 này, luật sư của Munos quyết định xin cho thân chủ của bà chỉ đối mặt với một quan toà. Các bằng chứng đều cũ, từng được sử dụng qua nhiều lần xét xử, cho thấy khó có thể quả quyết buộc tội được Munos. Vì mặc dù trên tay anh ta tuy có dấu vết thuốc súng, nhưng trên tay vợ anh ta cũng có dấu vết này.

Ngược lại, trên áo sơ mi của Munoz tuy có 2 vết máu lớn nhưng được xác định là do anh ta ôm xác vợ vào lòng trong khi khám nghiệm không phát hiện được vết máu đặc trưng dính trên người Munos nếu anh ta bắn vợ ở khoảng cách rất gần. Như vậy, khả năng người vợ tự sát do bị rối loạn tâm thần sau khi sinh là rất lớn.

Trong một vụ án khác, sự thay đổi hình thức xét xử có thể khiến bị cáo lo ngại. Dana Jones gặp rắc rối với pháp luật bởi thú chơi xe hơi cũ. Người đàn ông sống ở hạt Natrona tiểu bang Wyoming bị cáo buộc về tội vi phạm các quy định bảo vệ môi trường vì có tới 2 bãi xe cũ chứa hàng trăm chiếc.

Theo quy định của bang Wyoming mỗi nơi chứa xe hơi riêng không được đậu quá 3 chiếc, riêng hạt Natrona thì rộng tay hơn, cho phép tới 4 chiếc. Với những nhà sưu tập xe hơi, hạt Natrona sẽ cấp giấy phép riêng nếu đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn và mỹ quan.

Từ tháng 8/2011 đến tháng 6/2013 đã có ba người được cấp giấy phép này nhưng Dana Jones không có tên trong danh sách.  Jones giải thích sở dĩ ông không nộp đơn xin phép vì các bãi xe sưu tập của mình đã có từ trước khi quy định của hạt được ban bố và dường như các quy định này là nhằm mục đích loại bỏ bộ sưu tập của ông.

Hồi đầu năm 2013 Dana Jones đã được quan toà “ban ơn” ra hầu tòa hình sự có đoàn bồi thẩm để xét xử về 24 tội danh có thể đưa ông ta vào tù. Tuy nhiên sau, đó đến tháng 6/2013 bỗng nhiên phía công tố lại rút bớt 14 tội danh, và với 10 tội danh còn lại thì kể cả trong trường hợp xấu nhất Jones cũng ít khả năng phải “ăn cơm nhà đá”. Như vậy, vụ án sẽ chuyển sang chế độ một quan toà trực tiếp xét xử, nhiều người bạn của Jones đã mừng cho ông ta.  

Thế nhưng, sự đời không đơn giản. Luật sư Harry Bondi của Dana Jones lại muốn thân chủ của mình được xét xử tại một phiên toà hình sự với một đoàn bồi thẩm vì Jones muốn nhiều người biết rằng ông ta phản đối quan điểm của chính quyền tiểu bang nói 200 chiếc xe hơi cũ của ông ta là rác thải.

Dana Joes luôn khẳng định những chiếc xe đó là bộ sưu tập đồ cổ của ông vì đa số chúng đều có tuổi đời từ 25 năm trở lên. Cùng với luật sư của mình, Jones đề nghị mời khá nhiều chuyên gia có tiếng tăm ra toà làm chứng cho ông về giá trị của những chiếc xe đó.  Bondi cho rằng tại phiên toà có bồi thẩm đoàn lời chứng của các chuyên gia sẽ được xem xét kỹ càng từ nhiều góc độ hơn.

Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được quan tòa Michael Patchen chấp thuận. Dana Jones và luật sư Bondi rất không hài lòng trước quyết định của quan tòa  “Vấn đề không phải là ở tù hay không”, Bondi tuyên bố.

Hôm 26/2/2013, phiên toà xét xử vụ dầu tràn ngoài khơi lớn nhất trong lịch sử đã bắt đầu. Vụ tràn dầu này là hậu quả của việc nổ giàn khoan Deepwater Horizon của tập đoàn dầu khí BP tại Vịnh Mexico ngày 20/4/2010 khiến 11 người thiệt mạng, 4,9 triệu thùng dầu tràn ra biển và làm ô nhiễm các bãi biển thuộc 5 bang duyên hải bờ đông nước Mỹ, trong đó bang Louisiana và Mississippi của Mỹ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Diện tích dầu loang quá lớn đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của các loài sinh vật biển và toàn bộ hệ sinh thái ngập mặn của hai bang dọc Vịnh Mexico của Mỹ.

Tại phiên tòa dân sự này, các luật sư đại diện cho Bộ Tư pháp Mỹ đã mời các nhân chứng làm sáng tỏ những sai phạm có tính hệ thống của hãng BP. Chẳng hạn, Robert Bea, giáo sư Đại học Kỹ thuật California-Berkeley, chuyên gia điều tra trong vụ tràn dầu Exxon Valdez năm 1989 – khẳng định BP đã không cho thi hành Chương trình quản lý an toàn của hãng cho dàn khoan Deepwater Horizon.

Trong một bản khai của Tony Hayward, Tổng giám đốc điều hành BP thời xảy ra vụ án, khi được hỏi liệu vụ nổ hôm 20/4/2010 có thể tránh được hay không nếu BP áp dụng Chương trình quản lý an toàn trong khu vực vịnh Mexico, ông này đã đáp là “có thể”.

Giáo sư Robert Bea cáo buộc rằng “văn hóa cẩu thả và đếm từng đồng đô la” của BP là nguyên nhân của thảm họa. Mặc dù cho rằng vụ nổ là một thảm họa nhưng BP khẳng định nguyên nhân không phải do cẩu thả. Tất nhiên, kiểu cãi này không thể lọt tai một đoàn bồi thẩm gồm những công dân bang Louisiana hoặc bang Alabama.

Giàn khoan Deepwater Horizon bị nổ gây vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử
Giàn khoan Deepwater Horizon bị nổ gây vụ tràn dầu lớn nhất trong lịch sử

Tuy nhiên, quyết định của phiên toà xét xử BP lại chỉ phụ thuộc vào một vị thẩm phán liên bang, người được cho là sẽ chỉ tuân theo pháp luật và không bị ảnh hưởng của nhân tố cảm tính vốn được cho là yếu điểm của bồi thẩm đoàn.  

Nhiều chuyên gia luật ngạc nhiên là tại sao BP đã không dàn xếp với chính quyền mà lại chấp nhận ra tòa bởi vì cho dù là vụ kiện được một quan toà xét xử nhưng nguy cơ thua sẽ khiến cho con số 16 tỷ USD bồi thường do BP đề nghị sẽ trở nên quá vụn vặt.  

Mặc dù đa số các chuyên gia luật cho rằng việc BP được một quan tòa trực tiếp xét xử và tuyên án là rất có lợi cho công ty này, nhưng Jere Beasley, một luật sư hàng đầu của bang Alabama, người chuyên hỗ trợ cho bên nguyên đơn trong các vụ án dân sự, cho rằng việc thuyết phục 12 vị bồi thẩm tưởng chừng khó khăn hơn việc tập trung vào một mình quan toà, thế nhưng ngược lại rủi ro thất bại cũng sẽ cao hơn.

Toà án Mỹ có hai hình thức tổ chức xét xử : Xét xử có bồi thẩm đoàn (jury trial) và xét xử bởi một quan toà (bench trial), không có bồi thẩm đoàn. Trong trường hợp thứ nhất, các thành viên của bồi thẩm đoàn xem xét chứng cứ của bên nguyên và bên bị và đưa ra quyết định tuỳ theo sức thuyết phục của mỗi bên.

Quan tòa chỉ giám sát việc tuân thủ luật pháp trong tiến trình tranh tụng. Cái lợi của hình thức xét xử này là đảm bảo được tính độc lập khách quan của phán quyết vì các bồi thẩm được các bên tham gia tố tụng chọn cho từng phiên toà, còn quan tòa – là chức danh được bầu chọn và bổ nhiệm có kỳ hạn nên có thể bị ảnh hưởng bởi quan lộ - lại không can thiệp vào phán quyết cụ thể.

Tuy nhiên, việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn thường bị chỉ trích là phán quyết có thể bị ảnh hưởng bởi cảm tính của các bồi thẩm, hơn nữa thời gian xét xử thường kéo dài, một phần do những rắc rối trong việc chọn bồi thẩm đoàn, nghe chứng cứ và thảo luận.

Những lo ngại này có thể được giải quyết nhờ các phiên xử bởi một quan tòa. Các phiên xử này có thể được áp dụng cho các vụ án đơn giản, nhưng cũng áp dụng với những vụ án có nội dung chuyên môn sâu.

Đa phần các vụ án hình sự được xét xử bởi bồi thẩm đoàn, việc xét xử bởi một quan toà chỉ thực hiện khi bị đơn từ chối bồi thẩm đoàn với sự đồng thuận của phía công tố và phải được quan tòa chấp nhận.

Quang Hoà

Đọc thêm