Luật sư người Na Uy - giáo sư Fredrik S. Heffermehl, đã đâm đơn kiện Ủy ban Nobel Na Uy vì đã chọn các nhân vật để trao giải thưởng Nobel Hòa bình không đúng với tinh thần di chúc của Alfred Nobel để lại.
Không đúng chúc thư của Alfred Nobel?
Đây không phải lần đầu có những khiếu nại, kiện cáo đối với giải thưởng Nobel Hòa bình. Giáo sư Fredrik S. Heffermehl đã kiện Ủy ban Nobel Na Uy vào năm 2007, khi đó giải thưởng Nobel Hòa bình được trao cho cựu Phó Tổng thống Mỹ - Albert Gore, cùng một nhóm các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu về sự thay đổi của khí hậu. Sau đó vào năm 2008, Fredrik S. Heffermehl xuất bản cuốn sách “Giải Nobel Hòa bình: Thực tế ông Nobel muốn gì?”, (The Nobel Peace Prize: What Nobel really wanted). Trong cuốn sách này, ông Heffermehl đưa ra những thắc mắc và quan điểm của mình.
|
Giáo sư Fredrik S. Heffermehl |
Ông Heffermehl phê phán Ủy ban Nobel và khẳng định rằng, Giải Nobel Hòa bình được xét và trao không phải cho những thành tựu đã được ghi rõ trong chúc thư của Alfred Nobel. Theo như những gì mà Alfred Nobel viết trong chúc thư thì giải thưởng cần phải trao cho “người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình”.
Bên cạnh đó, ông Heffermehl chỉ rõ, nhiều người nhận giải, bắt đầu từ năm 1945 đã không đáp ứng các tiêu chí, chuẩn mực nêu trên. Nhà làm luật người Na Uy này cho rằng, thay vào đó giải thưởng được trao một cách tùy tiện, cho bất cứ ai như những người bảo vệ luật pháp, các nhà hoạt động môi trường, người của các tổ chức nhân đạo mà không trao cho người thực tế có khả năng giải trừ hoặc hạn chế vũ trang và quân đội cũng như tuyên truyền phổ biến về hòa bình.
Không chỉ viết cuốn sách “Giải Nobel Hòa bình: Thực tế ông Nobel muốn gì?”, ông Heffermehl còn liên tục kiện Ủy ban Nobel Na Uy. Tuy nhiên tòa án tại Na Uy không thụ lý đơn của Heffermehl và vì thế ông quyết định thử vận may tại chính quê hương của Alfred Nobel là Thụy Điển, nơi có trụ sở chính của Quỹ Nobel.
Dù thế, Heffermehl không gửi đơn kiện cho Quỹ Nobel mà là cho chính quyền Stockholm, tổ chức từng phê phán hoạt động của Quỹ Nobel. Niềm hy vọng của ông Heffermehl còn được bổ sung thêm khi cách đây không lâu, Thụy Điển vừa tu chỉnh luật cho phép chính quyền can thiệp vào các hạng mục thuộc giải Nobel. Nói cách khác là Ủy ban Nobel không còn toàn quyền trong xét và trao giải Nobel nữa.
Chính quyền Stockholm đã không vội vã tiếp nhận đơn của Fredrik S. Heffermehl mà chuyển nó qua cho Quỹ Nobel để những người làm ở đây đưa ra ý kiến đánh giá. Hồi đầu tháng 2.2012, những người của Quỹ Nobel phản hồi là họ thấy những đồng nghiệp của mình ở Ủy ban Nobel Na Uy hoàn toàn không vi phạm điều gì hết. Hơn thế, họ còn cho rằng, ước nguyện của Alfred Nobel là đảm bảo sự độc lập cho tất cả các ủy ban và ông cũng chỉ rõ tính tất yếu khi mở rộng thành phần người được xét trao giải.
Chính quyền Stockholm nhận được trả lời và không hề tỏ ý nghi ngờ những người của Quỹ Nobel. Điều này được thể hiện qua bản thông báo ngày 21.3 vừa qua khi phía Thụy Điển bác bỏ đơn kiện của Heffermehl.
Mâu thuẫn nối tiếp mâu thuẫn
Tuy chính quyền Stockholm ra quyết định như thế, nhưng những mâu thuẫn trong việc trao giải Nobel Hòa bình vẫn diễn ra, nhất là những năm gần đây. Một trong những trường hợp điển hình nhất là vào năm 2010, Ủy ban Nobel Hòa bình công bố cá nhân được trao giải là ông Lưu Hiểu Ba, người đang ngồi tù ở Trung Quốc.
Quyết định không bình thường này được người đứng đầu Ủy ban Nobel Hòa bình là Thorbjoern Jagland thừa nhận. Bởi, Lưu Hiểu Ba phải thụ án 11 năm tù giam vì tội “kích động lật đổ chính phủ Trung Quốc”. Không khó hiểu khi quyết định trao giải cho Lưu Hiểu Ba khiến Bắc Kinh vô cùng giận dữ và cho đó là sự sỉ nhục đồng thời dọa sẽ cắt đứt quan hệ với Oslo.
Hàng loạt các ý kiến phản đối khi vào năm 2009, khi Ủy ban Nobel Hòa bình quyết định trao giải cho Tổng thống Mỹ - Barack Obama. Trong lần này, ngay cả người được nhận giải cũng thừa nhận đó là sự mâu thuẫn: Khi được trao giải, Barack Obama mới ngồi trong Nhà Trắng chưa được một năm và đây là thời gian mà vị tân tổng thống mới chỉ “làm quen” với công việc của người đứng đầu một cường quốc.
Trao giải cho Barack Obama, dù được giải thích bằng bất cứ mỹ từ nào, thì người ta cũng hiểu rằng đó là phần thưởng “trả trước” cho các nỗ lực của vị Tổng thống Mỹ trong tương lai. Dù vậy, Barack Obama đã không thể đóng cửa nhà tù Guantanamo như ông đã hứa khi tranh cử. Hay việc Mỹ rút quân khỏi Iraq không đem lại nền hòa bình cho nước này, trái lại còn làm tăng thêm mâu thuẫn nội tại giữa các phe phái ở nơi đây.
Một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ Ủy ban Nobel khi vào năm 1994, trao giải cho ba người: Lãnh tụ Palestin - ông Yasser Arafat và hai nhà lãnh đạo Israel là Shimon Peres và Yitzhak Rabin. Khi đó cả hai phía Israel và Palestin đều coi người của phía bên kia là kẻ gây tội ác, cần phải bị đưa ra tòa án xét xử, vì thế cuộc tranh cãi diễn ra vô cùng gay gắt.
Trước đó, vào năm 1978, Thủ tướng Israel là Menachem Begin được nhận giải Nobel Hòa bình cũng gây nên sự phẫn nộ. Bởi ông này được cho là đứng sau âm mưu ám sát không thành thủ tướng CHLB Đức Konrad Adenauer. Trong năm này giải còn được trao cho Tổng thống Ai Cập - Al-Sadad, người đã phát động cuộc chiến tranh 18 ngày hồi tháng 10.1973 với Israel.
Một trường hợp gây tranh cãi khác khi giải Nobel Hòa bình đã trao nhầm chủ nhân. Vào năm 1973, cố vấn Lê Đức Thọ của Nhà nước Việt Nam được trao giải này là hợp lẽ, nhưng ngoại trưởng Mỹ - Henry Kissinger, cũng là người đồng giải là hết sức vô lý. Chính vì thế mà khi đó cố vấn Lê Đức Thọ đã từ chối giải Nobel Hòa Bình.
Gần đây hơn, xét tặng giải Nobel Hòa bình cũng khá khác lạ. Ý nghĩa hòa bình đã được mở rộng hơn và khác biệt so với cách mà chúng ta vẫn hiểu. Chẳng hạn, năm 2005, giải thưởng này được trao cho Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế - IAEA và người đứng đầu cơ quan này, giám đốc Mohamed El Baradei vì đã góp phần “ngặn chặn việc đưa các năng lượng nguyên tử hạt nhân vào sử dụng trong mục đích chiến tranh, đảm bảo các năng lượng nguyên tử chỉ được sử dụng với sứ mạng hòa bình và có độ an toàn cao”.
Còn năm 2006, ông Muhammad Yunus, người Bangladesh nhận giải Nobel Hòa bình vì “những nỗ lực phát triển kinh tế xã hội cho người nghèo” khi lập ngân hàng Grameen giúp người nghèo các khoản vay 50-100 USD mà không cần thế chấp. Hay năm 2008, cựu Tổng thống Phần Lan - Martti Ahtisaari, đặc sứ của Liên Hợp Quốc được nhận giải vì vai trò làm trung gian hòa giải (cho dù không hiệu quả) cho các cuộc xung đột Namibia, Aceh, Kosovo và Iraq.
Với các khiếu kiện của ông Fredrik S. Heffermehl thì sao? Chính quyền Stockholm và Quỹ Nobel đương nhiên phải bác đơn kiện. Bởi, nếu thụ lý thì Ủy ban Nobel Na Uy sẽ bị buộc tội không làm đúng di chúc của Alfred Nobel ngay từ lần đầu tiên trao giải này. Cần nhắc lại rằng, vào năm 1901, cá nhân đầu tiên nhận giải Nobel Hòa bình là Henry Dunant, công dân Thụy Sĩ, người đồng sáng lập Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế. Đây là tổ chức mà theo đúng tinh thần của Nobel là không củng cố và tạo nên hòa bình.
Ngụy Ngữ Ngôn