Trong 4 ngày liền, luật sư Geoffrey Fieger cùng với các chuyên gia và nhân chứng đã khiến cho phía công tố trong vụ án “không còn đường tiến” – theo như lời của kênh truyền hình Court TV. Thay vì đối mặt với bản án chung thân không được ân giảm, Nathaniel Abraham, chỉ bị gửi vào trại giáo dưỡng và có thể được tha trước hạn.
Khi bị bắt Nathaniel Abraham mới 11 tuổi. Cậu bé da đen bị truy tố về tội đã nã súng giết một thanh niên không quen biết ở bên ngoài một cửa hiệu tạp hóa ở Pontiac vào đêm 29/10/1997.
Tại phiên tòa diễn ra vào năm 2000, ủy viên công tố mô tả Nathaniel như một sát thủ máu lạnh không chịu ngồi yên chừng nào chưa thỏa được mong muốn giết người. Bằng chứng là xẩm tối hôm 29/19/1997 Nathaniel đã từ trên bục cửa nhà mình toan bắn người hàng xóm Michael Hudack. Theo phía công tố, Nathaniel ngay tối đó đã bắn chết Greene bên ngoài một cửa hàng tạp hóa để thỏa mãn ý muốn “giết ai đó” ngông cuồng của mình.
Không may cho Nathaniel , theo đạo luật ban hành năm 1997 của bang Michigan, trẻ em bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị truy tố như người lớn nếu phạm tội nghiêm trọng. Ở tuổi 11 Nathaniel đã trở thành trẻ vị thành niên nhỏ tuổi nhất nước Mỹ bị truy tố về tội giết người cấp độ 1 và phải đối mặt với bản án chung thân không được quyền ân giảm.
David Gorcyca, ủy viên công tố quận Oakland, người ra quyết định truy tố Nathaniel, nói bị cáo “dự tính giết ai đó và không quan tâm ai là nạn nhân”. Giải thích lý do để truy tố một cậu bé 11 tuổi về tội giết người theo khung luật dành cho người lớn, vị ủy viên công tố nói hai đứa con sinh đôi tuy mới mới lên 4 tuổi của ông cũng biết phân biệt đúng sai đừng nói 11 tuổi.
Tuy nhiên, luật sư Geoffrey Fieger cãi cho bên bị nhận định công tố viên đã không chứng minh được động cơ hay mục đích hành động của Nathaniel, người vốn không hề quen biết với nạn nhân 18 tuổi Ronnie Greene.
Thêm vào đó, sau lời khai của các nhân chứng và chuyên gia được mời, luật sư Fieger cho rằng, lúc xảy ra vụ án bị cáo mới 11 tuổi, không đủ khả năng trí óc để lên kế hoạch và thực hiện một vụ giết người có toan tính.
Chỉ số IQ của Nathaniel là 75, khả năng trí óc tương đương một đứa trẻ khoảng 6-8 tuổi, có những khiếm khuyết về khả năng cảm xúc cũng như học hành. Thậm chí chuyên gia tâm thần Kathleen Sullivan đã mô tả Nathaniel như một “con chó lạc mẹ”.
Dựa vào báo cáo ban đầu của cảnh sát rằng Nathaniel đứng cách nạn nhân Greene hơn 600 mét và có nhiều cây chắn giữa họ, khiến cho bị cáo với chiều cao chưa đầy 1,5 mét không thể nhìn thấy nạn nhân, luật sư nhận định cái chết của Greene là một tai nạn vô tình do sự sử dụng vũ khí bất cẩn của bị cáo mới 11 tuổi.
Xạ thủ Elmer Magyar xác nhận trước ban hội thẩm rằng khẩu súng trường mà Nathaniel sử dụng đã 30 tuổi, không có báng, đầu nòng bị hư hại khiến cho nó gần như không thể nhắm chính xác mục tiêu. “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu nó có thể bắn trúng một phát trong 1.000 ngàn lần thử”, nhà vô địch thế giới môn bắn đĩa bay tuyên bố. Hơn nữa thời gian xảy ra vụ nổ súng là sau 10 giờ đêm.
Các lời khai cho thấy chỉ một ngày trước đó Nathaniel đã định bán khẩu súng đi, một hành động khó tin của kẻ có âm mưu giết người.
Báo cáo khám nghiệm tử thi trưng ra tại tòa nhấn mạnh sự không hợp lý, thậm chí là không thể, về việc Nathaniel cố tình bắn Greene. Bác sĩ Werner Spitz, một chuyên gia bệnh học nổi tiếng thế giới, nhận định viên đạn giết Greene đã đi vào hộp sọ từ phía đỉnh đầu, điều này chỉ có thể giải thích được là do viên đạn bị chệch hướng sau khi bật vào thân cây.
Sử dụng phim chụp X quang và chụp CAT sọ nạn nhân, bác sĩ Spitz nhận định viên đạn đã đi vào hộp sọ từ phía trên bên phải đầu, ở vị trí cao hơn chân tóc khoảng 2,5 cm và chui ra phía sau gáy tạo một góc 90 độ.
Phản đối ý kiến của công tố viên Lisa Halushka cho rằng viên đạn bắn tới đúng lúc nạn nhân cúi xuống để cột dây giày, bác sĩ Peter Fragatos tại bệnh Viện Chỉnh hình Pontiac nói rằng Greene đang đứng thẳng thì bị viên đạn bay vào đầu, chạy xuyên ra phía sau tới gáy, phía trên cổ. Nếu Greene cúi người như giả thiết thì đường đạn sẽ đi thẳng đối xứng qua hộp sọ.
Vụ án Nathaniel Abraham gây dư luận ồn ào tại Mỹ. Dư luận cho rằng chính quyền bang muốn sử dụng vụ án để đặt tiền lệ cho đạo luật xét xử vị thành niên phạm tội hình sự nghiêm trọng ban hành năm 1997. Chương trình “60 phút” của đài CBS đã có một buổi nói về vụ án này với kết quả là đông đảo khán giả Mỹ bầy tỏ hoài nghi với phía công tố.
Chẳng hạn khi được phóng viên Ed Bradley hỏi xem bị cáo hiểu gì khi được cảnh sát thông báo cho biết về các quyền của mình trước khi bị còng tay (Miranda rights), Nathaniel đáp cậu chỉ hiểu là mình đã bị bắt giam còn các quyền ấy là gì thì “không rõ”.
Sau 15 giờ nghị án, ban hội thẩm kết luận Nathaniel Abraham – lúc đó mới 13 tuổi - phạm tội giết người cấp độ trong vụ Ronnie Greene nhưng vô tội trong vụ tấn công người hàng xóm Michael Hudack.
Khi phán quyết được công bố, Nathaniel bật khóc nức nở, người run bắn. Nước mắt giàn giụa, mẹ cậu bé ra về không nói một lời nào với đám đông phóng viên.
Bà Robin Adams, mẹ của nạn nhân Ronnie Greene, tuyên bố bà không muốn thấy Nathaniel vào tù:”Cậu ấy cần được chăm sóc và giúp đỡ. Nếu cậu ấy ngồi tù chung thân thì hậu quả duy nhất sẽ đến là sự hận thù. Đó là đại họa đối với tất cả chúng ta”.
Quan tòa Eugene Moore đã chọn phương án gửi Nathaniel tới trại giáo dưỡng cho đến năm 21 tuổi, sau đó có thể cậu sẽ bị chuyển sang nhà tù dành cho người lớn.
Năm 2007, Nathaniel Abraham lúc này đã 25 tuổi, được trả tự do. Tuy nhiên, quả như dự báo của mẹ nạn nhân Ronnie Greene, Nathaniel đã sớm quay lại nhà tù. Chỉ sau vài tháng tự do ngắn ngủi mà người ta đã có lúc hy vọng cuộc đời cậu sẽ sang trang, tháng 5/2008, Nathaniel bị bắt tại một trạm xăng với chiếc xe hơi giấu hàng trăm viên Ecstasy. Với tội danh tàng trữ ma túy, cậu phải đối mặt với bản án từ 4 đến 20 năm tù. Trong trại giam, Nathaniel lại bị thêm tội hành hung nhân viên nhà tù.
Ngọc Quang