Luật sư: Lợi dụng Thủy Tiên để trục lợi, kẻ lừa đảo có thể nhận án chung thân

(PLVN) - Luật sư cho biết, lợi dụng ca sỹ Thủy Tiên để trục lợi tiền ủng hộ đồng bào miền Trung đang bị lũ lụt, kẻ xấu có hành vi vi phạm pháp luật, có tình tiết tăng nặng, và có thể nhận mức án tù chung thân.

Ca sỹ Thủy Tiên đã kêu gọi được hơn 60 tỷ đồng và có mặt trực tiếp ở miền Trung để hỗ trợ bà con bị ngập lũ. Thế nhưng, lợi dụng uy tín của cô, một đối tượng đã mạo danh, mượn việc cô đang làm từ thiện để trục lợi. Cụ thể, người này sử dụng một tài khoản Facebook có tên Thủy Tiên, sử dụng ảnh đại diện và sao chép nội dung các bài đăng y hệt tài khoản của nữ ca sỹ. Sau đó, đối tượng này liên tục đăng tải những dòng trạng thái cập nhật về tình trạng mưa lũ ở Huế. Cuối bài viết, người này kêu gọi mọi người quyên góp để hỗ trợ người dân trang trải cuộc sống, sửa chữa nhà cửa, các công trình cầu đường sau lũ nhưng số tài khoản thụ hưởng lại là Lê Thị Ngân.

Hình ảnh Thủy Tiên trong khi đi làm từ thiện. Tài khoản của Thủy Tiên có tích xanh chính chủ. (Ảnh: Facebook)
Hình ảnh Thủy Tiên  trong khi đi làm từ thiện. Tài khoản của Thủy Tiên có tích xanh chính chủ. (Ảnh: Facebook) 

Trước sự việc này, Thủy Tiên vô cùng bức xúc. Cô đăng tải bài viết cảnh cáo đồng thời nhắc nhở người hâm mộ, bạn bè và các Mạnh Thường Quân không bị kẻ xấu lợi dụng. Cô cho biết, khi về, cô sẽ giải quyết triệt để sự việc thậm chí nhờ đến công an để giải quyết.

Cô cũng đã quyết liệt tới cùng để xử lý một trường hợp ăn chặn tiền của người dân vùng lũ.

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - Hãng Luật TGS, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội -nhận định về vấn đề này:

*Về vụ việc trên, nếu ca sĩ Thuỷ Tiên tố cáo thì đối tượng mạo danh cô ấy, lợi dụng uy tín để chiếm đoạt tiền từ thiện bị xử lý như thế nào, thưa Luật sư? 

Luật sư Lê Ngọc Khánh: Căn cứ Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh việc xử phạt hành chính, hành vi mạo danh trên mạng xã hội căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, người thực hiện hành vi có thể bị khởi tố về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet… Tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm từ việc giả mạo facebook của người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu theo quy định trong Bộ luật Hình sự.

Nếu có căn cứ cho thấy đối tượng đã lợi dụng uy tín của nữ ca sỹ Thuỷ Tiên để đưa ra thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản là số tiền từ thiện của các nạn nhân thì đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự  về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, người vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên. Với số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì kẻ lừa đảo cũng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Trong trường hợp xử lý hình sự thì đối tượng vi phạm trong tình huống này sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội bởi vậy mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc thì người này sẽ bị phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân theo điểm c khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - Hãng Luật TGS, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
 Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh - Hãng Luật TGS, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

* Nếu cô ca sĩ Thuỷ Tiên không tố giác mà những người đã bị lừa chuyển tiền vào tài khoản mạo danh đó tố giác thì đối tượng kia có bị xử lý không? Cơ quan Công an có thể từ số tài khoản mà truy ra kẻ mạo danh lừa đảo không?

Luật sư Lê Ngọc Khánh: Việc mạo danh trên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ca sĩ Thủy Tiên mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của những người đã chuyển tiền vào tài khoản mạo danh để quyên góp làm từ thiện. Ở đây, đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật và cần sự vào cuộc làm rõ của cơ quan chức năng.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: “Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”, nếu ca sĩ Thủy Tiên không tố giác thì những người đã chuyển tiền vào tài khoản này với mục đích từ thiện đều có quyền tố giác hành vi trên. Mục đích của việc tố giác là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân; đồng thời khiến những kẻ lợi dụng lòng tốt, có hành vi vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Cơ quan cảnh sát điều tra có thể kết hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về công nghệ cao, Ngân hàng Techcombank thông qua số tài khoản giả mạo để xác định danh tính chủ tài khoản cũng như xác định số tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng làm bằng chứng. Nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.

* Với Thủy Tiên, hiện nay cô ấy đã quyên góp làm từ thiện được số tiền lên đến 60 tỷ đồng, vậy việc kiểm soát và quản lý số tiền này hoàn toàn do cô ấy phải không, thưa Luật sư?  Pháp luật có quy định gì về việc cá nhân sử dụng số tiền được quyên góp để làm từ thiện này không, thưa Luật sư ?

Luật sư Lê Ngọc Khánh: Ca sĩ Thủy Tiên khi đứng ra quyên góp làm từ thiện thì số tiền cô ấy nhận được từ những người ủng hộ sẽ do cô ấy quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, đây được xem là quan hệ dân sự khi người ủng hộ là người giao tiền, Thủy Tiên là người giữ tiền và người được ủng hộ là người nhận tiền. Do đó, khoản tiền ủng hộ trên không thuộc quyền sở hữu của Thủy Tiên. Cô ấy phải tuân thủ nghĩa vụ của mình là giao đến tận tay đúng người được nhận. 

Dòng trạng thái chia sẻ của Thủy Tiên. (Ảnh: Facebook)
Dòng trạng thái chia sẻ của Thủy Tiên. (Ảnh: Facebook)

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh hành vi gây quỹ quyên góp của cá nhân nhưng cũng không cấm hành vi này. Dựa trên quy tắc “Người dân được làm những gì pháp luật không cấm thực hiện”, cá nhân hoàn toàn có thể đứng ra kêu gọi ủng hộ từ thiện.

Tuy không có quy định về hành vi này nhưng khi có sai phạm trong hoạt động thiện nguyện, pháp luật hiện hành có những chế tài quy định rõ ràng về các hành vi “sử dụng trái phép tài sản của người khác”, “chiếm đoạt tài sản”.

Cụ thể, khi Người giữ tiền sử dụng tài sản của Người giao tiền mà có dấu hiệu vụ lợi, sử dụng trái phép tài sản của người khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có thể bị phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng với tình tiết lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, tình trạng khẩn cấp có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến tù chung thân theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.

Hầu hết tại Việt Nam, tổ chức từ thiện đều do cá nhân tự lập cho nên tính minh bạch, công khai vẫn chưa kiểm soát được. Họ hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động kiểm toán nào để cung cấp thông tin chính xác đến các thành viên, những nhà hảo tâm tham gia góp tiền. Do đó, nhà nước rất khó để quản lý dòng tiền này mà cái chính là xuất phát từ tấm lòng hảo tâm, tinh thần tương thân tương ái và sự nhiệt huyết của mỗi cá nhân trong những chườn trình này. 

Như đã nói ở trên, nếu có sai phạm các cá nhân này vẫn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động thiện nguyên diễn ra minh bạch đúng mục đích của nó thì vẫn cần có các quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Đồng thời cần sự quản lý, đồng hành của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương trong việc kiểm soát, phát hiện những hành vi sai phạm để điều chỉnh kịp thời.

Đọc thêm