Chiều 18/4, phiên tòa xét xử vụ án sai phạm đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội tại TAND TP Hà Nội tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.
Bào chữa cho cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, luật sư (LS) Bùi Đình Ứng cho rằng mức án mà VKS đề nghị là quá nặng, chưa phản ánh một cách khách quan hành vi phạm tội của bị cáo.
Theo LS Ứng, lý do của việc hợp thức hồ sơ để cho 2 doanh nghiệp trúng thầu xuất phát từ các nguyên nhân: chất lượng vật tư, hóa chất của các đơn vị này là tốt, đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh tốt nhất cho bệnh nhân; giá cả của họ là hợp lý; trong lúc khó khăn, thiếu thốn vật tư chữa bệnh, họ đã chia sẻ khó khăn bằng cách cho mượn để kịp thời chữa bệnh cho bệnh nhân…
“Nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm của bị cáo trong 4 gói thầu năm 2017 là do nóng vội, sợ Bệnh viện rơi vào tình trạng không còn vật tư, hóa chất để kịp thời chữa bệnh cho nhân dân”, LS nói và cho rằng nếu là người khác, họ sẽ áp dụng cứng nhắc nguyên tắc: hết vật tư chữa bệnh thì ngừng chữa, ngừng cấp cứu, ngừng tiếp nhận bệnh nhân để chờ kết quả đấu thầu tập trung do thành phố tổ chức. Tuy nhiên, tại thời điểm 2016, 2017, quan điểm cứng nhắc trên không phù hợp với tinh thần, y đức khám chữa bệnh của ông Tuấn nói riêng cũng như tập thể các y, bác sỹ của BV tim Hà Nội nói chung.
Về cách tính thiệt hại, theo LS là chưa chính xác. Về tình tiết giảm nhẹ, theo LS, ông Tuấn từng có thời gian tham gia quân đội, là một người luôn nghiêm túc trong công việc, phấn đấu hết mình trong học tập, công tác để trở thành Giáo sư, Tiến sỹ đầu ngành tim mạch Việt Nam. Ông Tuấn còn được các Hội chuyên ngành tín nhiệm, giao làm Chủ tịch Hội tim mạch Hà Nội; Thành viên Ban chấp hành - Chủ tịch danh dự Hội can thiệp tim mạch Việt Nam; Thành viên Ban cố vấn Hội Tim mạch học can thiệp châu Á – Thái Bình Dương; Thành viên Hội tim mạch học can thiệp Hoa Kỳ; Thành viên trường môn tim mạch học Hòa Kỳ.
|
LS Bùi Đình Ứng. |
Với cương vị là Chủ tịch Hội, ông Tuấn đã chỉ đạo cán bộ, Hội viên tích cực tham gia đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hà Nội và 35 tỉnh thành trên cả nước. Hàng nghìn bác sỹ, điều dưỡng đã được đào tạo làm chủ được các kỹ thuật Nội tim mạch; can thiệp tim mạch; tim mạch chuyển hóa; phẫu thuật tim mạch… được đông đảo cán bộ y tế cả nước đánh giá cao tính hiệu quả và tinh thần trách nhiệm trong công tác đào tạo này.
Đặc biệt, ông Tuấn cũng là người đầu tiên đưa kỹ thuật can thiệp tim mạch vào Việt Nam để chữa bệnh.
Quá trình học tập, công tác, ông Tuấn đã được các ngành, các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương lao động hạng ba; Danh hiệu thầy thuốc nhân dân; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Lao động- Thương Binh và Xã Hội; được Thủ tướng Chính phủ Lào tặng bằng khen trong việc đưa kỹ thuật can thiệp tim mạch vào ứng dụng, phát triển Y tế Lào; Được trao giải nhất - Giải thưởng “Nhân tài đất Việt” trong lĩnh vực y tế cho đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông”.
Ngoài ra, ông Tuấn còn có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; được Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Tim Hà Nội; Hội Tim mạch Hà Nội; Hội can thiệp tim mạch Việt Nam; Phân hội tim mạch can thiệp Việt Nam; Ban công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc Hội; Quỹ tấm lòng Việt – Đài truyền hình Việt Nam… gửi đơn, thư đến các Cơ quan tố tụng xin xét xử khoan hồng đối với bị cáo.
“Chúng tôi không thể kể hết các thành tích trong học tập, công tác cũng như hoạt động xã hội khác của ông Tuấn nhưng tài năng, uy tín của ông Tuấn đã được bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng ghi nhận và đặt cho biệt danh rất đỗi gần gũi, tình cảm, gói gọn trong 2 từ “Tuấn Tim” và chúng thấy như thế là đã đủ nói lên tất cả”, LS Ứng nói.
Trước khi dừng lời, LS cho biết ông Tuấn là Giáo sư đầu ngành về tim mạch và nay chính mình lại mắc căn bệnh này. Do đó, LS mong HĐXX cho thân chủ của mình phán quyết nhân văn nhất. Bởi việc VKS đề nghị mức án quá cao và cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài như vậy là không cần thiết.
Khi được hỏi, ông Tuấn nói mình đồng ý với quan điểm của LS. Tương tự, cấp dưới của ông là bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng (SN 1961, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) cũng đồng ý với bản luận cứ của LS. Trước đó, LS của bà Hưởng đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ của bà Hưởng. Theo LS, bị cáo Hưởng phạm tội trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chịu sự chỉ đạo của Giám đốc Bệnh viện; bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo…/.