[links()]Liên quan đến vụ án Lê Văn Luyện, sự xuất hiện cháu Nguyễn Ngọc Bích - nhân chứng duy nhất còn sống sót sau vụ thảm sát vẫn khẳng định đã nhìn thấy nhiều người trong nhà khi vụ án xảy ra. Có ý kiến cho rằng, việc cháu Bích sẽ tham gia phiên tòa phúc thẩm lần này sẽ là yếu tố bất lợi đối với thủ phạm trong vụ án.
Về điều này, có luật sư Nguyễn Bá Ngọc – bào chữa cho bị cáo Luyện cho rằng, lời khai của cháu Bích khó có thể làm xoay chuyển vụ án. Bởi vì thời điểm vụ án xảy ra, ánh sáng lờ mờ, rất có thể bị nhìn nhầm. Tuy nhiên, theo Luật sư Ngọc, cho dù cháu nhìn đúng thì cháu cũng phải miêu tả được đặc điểm của những người đó. Và lời khai nếu không trùng khớp với các chi tiết vụ án thì khó có thể chứng minh đó là sự thật.
Cháu Nguyễn Ngọc Bích vẫn khẳng định nhìn thấy nhiều người trong nhà khi vụ án xảy ra. |
Luật sư Ngọc nêu giả thiết, nếu lời khai của cháu Bích được chứng minh là đúng theo ông Ngọc, theo luật, hồ sơ vụ án thì sẽ được trả về điều tra bổ sung. Nhưng chắc chắn một điều, dù điều đó có xảy ra thì sẽ không có điều gì thay đổi với mức án dành cho Lê Văn Luyện. Về vấn đề phát sinh mới này, PLVN lược ghi ý kiến của một số Luật sư:
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM:
Việc đưa cháu Bích ra tòa với tư cách là người bị hại, người làm chứng duy nhất của vụ án xét về tính pháp lý thì hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Theo Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLDTBXH ngày 12/7/2011: “Khi cần yêu cầu người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên trình bày lời khai của mình tại phiên tòa trong điều kiện cho phép, Hội đồng xét xử có thể cho phép họ đứng sau màn chắn, bình phong để không nhìn thấy bị cáo hoặc làm chứng trực tiếp tại một phòng khác thông qua kết nối hệ thống camera”. Đây là một trong những quy định tiến bộ mà trong phiên tòa phúc thẩm có thể áp dụng để tránh cho cháu bị ảnh hưởng về mặt tâm lý khi nhìn thấy bị cáo – là người sát hại cha mẹ và em của mình.
Vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là liệu rằng lời khai của một cháu bé có đảm bảo tính khách quan, chính xác và giúp làm sáng tỏ vụ án hay không thì không thể nói trước được vì điều này có hai mặt của vấn đề. Một đứa trẻ có thể cung cấp những lời khai rất vô tư, trung thực, nhưng ngược lại những lời khai đó đi cùng nhận thức chưa đầy đủ và sự việc diễn ra quá bất ngờ gây hoang mang cho cháu bé thì cũng không loại trừ khả năng những lời khai của cháu sẽ không thể hiện đầy đủ các tình tiết khách quan của vụ việc.
Lê Văn Luyện. |
Luật sư Hoàng Long Hà, phó Chủ nhiện Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:
Bất kể người làm chứng nào mà chứng kiến sự việc xảy ra thì đều được xem là người làm chứng. Theo đó, lời khai của người làm chứng đó được xem là nguồn chứng cứ.
Tuy nhiên, mức độ của nguồn chứng cứ đó như thế nào, có được các cơ quan tiến hành tố tụng xem là chứng cứ hay không là phù thuộc vào các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá, đối chiếu…với các chứng cứ khác. Từ đó mới có thể đánh giá được mức độ tin cậy của nguồn chứng cứ. Cụ thể trong trường hợp này nguồn chứng cứ là của cháu Bích.
Luật sư Trần Công Ly Tao – phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:
Theo Luật sư Tao, đây là tình tiết mới trong vụ án hình sự mà cấp sơ thẩm chưa lấy lời khai của nhân chứng này. Đó là một thiếu sót của cấp sơ thẩm về tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, nên có thể phải trả hồ sơ điều tra bổ sung theo thủ tục chung của Luật tố tụng.
Ngoài ra, cần xác định cụ thể tuổi của cháu Bích. Do cháu Bích còn nhỏ, chưa hoàn thiện về năng lực hành vi; chưa đầy đủ về mặt nhận thức. Chính vì vậy, lời khai của cháu tại tòa cũng như tại các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có thể được dùng để tham khảo, cùng với các chứng cứ khác nhằm làm sáng tỏ bản chất của vụ án một cách khách quan, chính xác. Chứ bản thân lời khai của cháu Bích không được xem là chứng cứ quan trọng trong vụ án hình sự, cho dù những lời khai đó có tính gỡ tội hay buộc tội.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước:
Theo nguyên tắc đánh giá chứng cứ, lời khai của cháu Bích trở thành chứng cứ nếu lời khai này bảo đảm được tính xác thực, khách quan, phù hợp với những chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án được cơ quan tố tụng thu thập theo trình tự pháp luật quy định ( các điều 66. 67, 68 BLTTHS ). Nếu lời khai của cháu Bích không phù hợp với các chứng cứ khác thì khó lật ngược tình thế.
Trong vụ án này, theo kết luận của các cơ quan tố tụng ở cấp sơ thẩm, tất cả chứng cứ thu thập được đều cho thấy hung thủ Lê Văn Luyện ra tay một mình, không có đồng phạm. Vấn đề trong phiên phúc thẩm sắp tới là kiểm tra lại tính hợp pháp, xác thực, toàn diện của tất cả các chứng cứ trong hồ sơ vụ án xem các chứng cứ này có phù hợp với nhau hay không, trong đó có lời khai của cháu Bích tại phiên tòa (nếu có mặt).
Ở khía cạnh pháp lý, mặc dù cháu Bích là người chứng kiến sự việc, nhưng do cháu còn quá nhỏ (9 tuổi) lại trải qua một cú sốc quá lớn trong cuộc đời nên độ chính xác trong lời khai cũng cần được tính đến. Tất nhiên, khi khai báo trước các cơ quan tố tụng cháu Bích đều có người giám hộ. Nhưng vai trò người giám hộ trong sự việc này mang tính chất chứng kiến việc khai hơn là xác nhận độ tin cậy, tính chính xác cùa lời khai. Do vậy, bằng tất cả sự dè dặt của mình, tôi cho rằng giá trị pháp lý về lời khai của cháu Bích không cao.
Trần Phong (ghi)