Luật sư trẻ cảm động trước chồng thân chủ xin tiền đi xe ôm

Giờ đây nghĩ lại, nếu ngày ấy Kim Hồng không có người chồng tốt bụng, và nếu ông ấy không can đảm đến dự phiên tòa để sửa lại lời khai, thừa nhận là chồng của bị cáo và còn cẩn thận gom hết bản chính chứng từ thương binh, Huân chương kháng chiến để cung cấp cho tòa thì không biết số phận của Kim Hồng sẽ ra sao.

Ngày hôm ấy, theo bản án hình sự sơ thẩm: Bị cáo Đinh Thị Kim Hồng (không có đăng ký kinh doanh xăng dầu) có quan hệ mua bán xăng dầu với Bùi Thị Bê - thủ quỹ cửa hàng chất đốt, thuộc Công ty chất đốt TP.HCM. Mặc dù không được sự đồng ý của cửa hàng trưởng, nhưng Bê vẫn bán xăng dầu cho Kim Hồng với phương thức thanh toán trả chậm. Cụ thể, giá bán được duyệt là cao hơn giá cửa hàng quy định từ 10 – 30 đồng/lít; và bồi dưỡng thêm từ 100 – 200 ngàn đồng/một hóa đơn.

 

Bất ngờ trong trại tạm giam

Sau khi có số xăng dầu mua được, Hồng mang bán lại cho Thanh Sơn - Chủ cây xăng Phước Bình với giá thấp hơn giá mua và chịu lỗ từ 95 đến 410 đồng một lít. Thấy Hồng nợ số tiền quá lớn, sợ bị lộ, Bê đã gom số tiền chênh lệch giá và tiền bồi dưỡng trên hóa đơn nộp trả lại cho Công ty nhằm khắc phục phần hậu quả đã gây ra.

Kết quả, Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Bê mức án 5 năm tù về tội “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với Hồng, do bị cáo còn chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng của cửa hàng chất đốt nên án sơ thẩm nhận định: Hồng đã có hành vi chiếm đoạt tài sản XHCN với số tiền rất lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên tuyên phạt bị cáo mức án tử hình.

Chồng của bị cáo Hồng là ông Duy Hải đã đến nhờ tôi bào chữa cho Hồng. Buổi nói chuyện tối hôm ấy, tôi và ông Hải không hề bàn bạc tiền hợp đồng, ông chỉ đưa cho tôi 500 ngàn đồng, đến khi ra về làm như tình cờ ông xin lại tôi 20 ngàn đồng để gọi là trả tiền thuê honda ôm. Dù tôi cố nài nỉ trả lại cho ông 100 ngàn đồng nhưng dứt khoát ông chỉ xin lại 20 ngàn…

Cảm giác của tôi lúc đó là nửa muốn từ chối, nửa muốn nhận lời bào chữa mà trong lòng lo sợ không làm tròn trách nhiệm. Nhưng rồi tôi không dám thổ lộ điều gì, sợ gây thất vọng làm suy sụp tinh thần ông Hải…

Có nhiều lý do mà tôi không thể thổ lộ lời từ chối bào chữa, trong đó lý do căn nhà tồi tàn mà tôi đang cư ngụ là một căn nhà lợp lá lụp xụp, chẳng khác gì căn hộ xóa đói giảm nghèo. Thế mà ông Hải vẫn tìm đến nhờ tôi bào chữa, do đó tôi tự nhủ không cho phép mình từ chối với bất cứ lý do gì, dù lúc đó tôi chỉ mới vào nghề, không có thầy hướng dẫn.

Việc đầu tiên của tôi là tìm cách xin hoãn phiên tòa để nghiên cứu hồ sơ, tiếp cận bị cáo.

Ngay sau khi làm thủ tục bào chữa, tôi vào gặp Hồng tại trại giam Chí Hòa. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nhận bào chữa cho thân chủ mà án sơ thẩm đã tuyên mức án tử, nên mọi việc thật ngỡ ngàng và nhiều áp lực.

Xuất hiện trước mặt tôi là một phụ nữ dáng vẻ mảnh khảnh, da trắng bạch. Qua ánh mắt của Hồng, tôi đoán Hồng đang háo hức trông đợi buổi làm việc với Luật sư. Hồng nói với tôi: “Thưa Luật sư, không riêng gì cán bộ khu biệt giam này, mà ai ai cũng đối xử tốt với nhau cả”, tôi ngơ ngác chẳng tin được gì.

Bị cáo Hồng giải thích: “Bởi ở riêng khu này, ai cũng đều mang mức án tử với nhiều lý do khác nhau… nên chị em chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ nhau trong mọi việc. Người chết trước sẵn sàng hy sinh cho người ở lại được sống, nên chúng tôi rất tốt với nhau. Thứ hai là khu biệt giam này rất linh thiêng, Luật sư có tin không?”. Tôi nói ngay: Tôi tin! “Thứ ba, tôi đã vái trời đất nếu lần xét xử này còn được sống, tôi xin thề sẽ đối xử với Luật sư cũng tương tự như vậy, tức là như lời vái khấn cầu với đất trời. Tôi xin Luật sư cứu tôi và hãy thứ lỗi cho chồng tôi”.

Nghe thế, tôi càng ngỡ ngàng khó hiểu, Hồng giải thích: “Tôi biết ông ấy không có tiền khi đến với Luật sư. Tôi và ông ấy thật sự chỉ mới ly thân thôi nhưng quá trình điều tra tôi và ông ấy thống nhất khai đã ly hôn để ông ấy yên ổn ở ngoài nuôi con.

Ông ấy từng được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và còn là thương binh bị thương ở đầu, nên tôi biết ông ấy đối xử với Luật sư chắc không bình thường. Còn nữa, sau khi gặp Luật sư, ông ấy (chồng) về nói với con gái lớn của tôi rằng, phải viết thư xin Bà X. 10 ngàn đôla để đưa Luật sư trang trải chi phí”.

 Lúc này, tôi chưa kịp phản ứng, thì Hồng nói thêm: “Không phải để hối lộ đâu Luật sư, mạng người đâu phải giá đó…chẳng qua là để Luật sư đi lại và “lấy lòng” Hội đồng xét xử giùm tôi, kẻo không bị y án, thì  mạng tôi không còn”…

Thấy thời gian gặp gỡ tiếp xúc bị cáo có giới hạn, tôi không giải thích gì nữa mà gật đầu chấp nhận rồi bàn thẳng kế hoạch phiên xử sắp tới tôi sẽ tìm cách xin hoãn.

Và, bất ngờ khi Tòa xét xử

Ngày diễn ra phiên Tòa phúc thẩm lần đầu, tôi gửi đơn xin hoãn với lý do Luật sư mới sao chép tài liệu cần có thời gian để nghiên cứu hồ sơ. Một tháng sau, Tòa mời lần hai. Lần này tôi không tìm được lý do xin tạm hoãn phiên tòa nên tôi và chồng của Kim Hồng tuy với tư thế sẵn sàng tham dự nhưng hai người thống nhất chỉ “mật phục” bên ngoài hành lang, không dám vào phòng xử vì nghĩ rằng: Trong lúc đã dặn dò với bị cáo Hồng, “nếu vắng mặt Luật sư thì bị cáo không đồng ý để Tòa xét xử”, và Tòa sẽ hoãn lần thứ hai.

Vì quá căng thẳng về tính mạng một con người đang đối diện với án tử. Lúc đó đầu óc của tôi như “khờ” đi. Ba giờ đồng hồ trôi qua, phiên tòa xét xử vụ Kim Hồng cũng bắt đầu. Bỗng nhiên tim tôi như giật thót khi nhìn thấy Hồng được Tòa gọi bước ra trước vành móng ngựa và có lẽ chủ tọa phiên tòa thừa kinh nghiệm để “đối phó” với “chiêu” của Luật sư nên phía sau Kim Hồng lúc đó còn có một Luật sư (bào chữa chỉ định)  sẵn sàng bào chữa cho bị cáo Hồng trong trường hợp tôi vắng mặt…

“Thôi rồi”, tôi than trời trong bụng và nhanh chân bước vội đến bàn Thư ký ghi danh có sự tham gia phiên tòa của tôi và ông Duy Hải – Chồng bị cáo Hồng.

Thế rồi trình tự thủ tục thẩm vấn, tranh luận không chỉ có tôi mà cả Luật sư chỉ định cũng tự nguyện ngồi lại tham dự. Chúng tôi lần lượt đưa ra nhiều luận cứ xin giảm tội cho thân chủ. Chứng cứ chúng tôi đưa ra tập trung chủ yếu vào số tiền chênh lệch thâm thụt do chưa đối chiếu thanh quyết toán với Chủ cây xăng Phước Bình nhằm chứng minh bị cáo không có ý thức chiếm đoạt số tiền của Nhà nước.

Còn việc tôi động viên, trấn an ông Duy Hải tham gia phiên tòa với tư cách người chồng để bổ sung tài liệu Thương binh, Huân chương chiến công… rất may được Hội đồng xét xử lắng nghe và lưu tâm.

Tuy nhiên, từng luận điểm của chúng tôi đưa ra đã bị VKS phản bác. Nghe vậy, người tôi như tê dại.

Và rồi như phép mầu: Hội đồng xét xử nhận định, do bị cáo và chồng chưa có Bản án hoặc Quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật, nên xét tình tiết mới, chồng bị cáo là thương binh có Huân chương kháng chiến, nên Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, tuyên giảm án tử hình xuống chung thân - một phiên xử đầy kịch tính nhớ mãi trong tâm tôi.

Giờ đây nghĩ lại, nếu ngày ấy Kim Hồng không có người chồng tốt bụng, và nếu ông ấy không can đảm đến dự phiên tòa để sửa lại lời khai, thừa nhận là chồng của bị cáo và còn cẩn thận gom hết bản chính chứng từ thương binh, Huân chương kháng chiến để cung cấp cho tòa thì không biết số phận của Kim Hồng sẽ ra sao.

Bởi thế, ngạn ngữ phương Tây có câu: Nhiều bác sĩ trẻ lắm nghĩa địa, nhiều Luật sư trẻ lắm người phá sản… Câu nói ấy rất đúng, song tôi tự an ủi, tuy tôi chưa có đủ chữ “tài” nhưng khi mới vào nghề tôi đã có chữ “tâm” trong lòng. Bởi ngày ấy, tôi không vụ lợi ham tiền, sẵn sàng chịu kỷ luật. Và nếu lỡ như con gái lớn của Kim Hồng xin bà X. nào đó 10 ngàn đô la, có tiền trong tay không biết tôi sẽ phải xử lý thế nào, quả là một bài toán khó? Đến bây giờ, không chỉ riêng tôi mà nhiều đồng nghiệp không phải dễ dàng tìm được đáp số đúng trong một vụ án!

 LS Nguyễn Thanh Lương -  phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre    

Đọc thêm