Luật sư vẫn khó "hành nghề" ở giai đoạn điều tra

Thông tư 70/2011/TT-BCA đã phần nào đáp ứng kỳ vọng là “chìa khóa vàng” mở những “cánh cửa khép chặt” trong quá trình hành nghề của luật sư ở giai đoạn điều tra để các luật sư tiếp tục vướng vào khó khăn… không cũ.

Thông tư 70/2011/TT-BCA đã phần nào đáp ứng kỳ vọng là “chìa khóa vàng” mở những “cánh cửa khép chặt” trong quá trình hành nghề của luật sư ở giai đoạn điều tra để các luật sư tiếp tục vướng vào khó khăn… không cũ.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Quá ít chế tài, qui định… “mọc rêu”?

Trước khi có Thông tư 70, các luật sư (LS) không ngớt kêu ca về sự cản trở cả vô hình và hữu hình từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra, đối với việc thực hiện quyền bào chữa của LS và quyền được bào chữa của người bị tạm giữ/bị can. Những khó khăn bị “kêu” nhiều nhất là gây phiền hà, chậm trễ khi cấp giấy chứng nhận người bào chữa, không tạo điều kiện cho LS gặp thân chủ là người bị tạm giữ/bị can, tiếp cận hồ sơ vụ án, từ chối… bất cần lý do những yêu cầu chính đáng của LS và cũng không phản hồi, giải trình những kiến nghị, ý kiến của LS…

Giải quyết các vấn đề này, Thông tư 70 được ban hành song lại giải quyết vấn đề “không từ gốc” nên điều kiện hành nghề của LS ở giai đoạn điều tra dẫu đã được cải thiện mà… không có gì mới. Theo phản ánh của các luật sư, nguyên nhân chính là vì Thông tư 70 “không đưa ra chế tài xử lý những sai phạm do cơ quan điều tra gây ra” nên điều tra viên không tuân thủ qui định cũng không bị xử lý. Trong mối quan hệ với LS, điều tra viên luôn ở “ghế trên” nên LS càng kêu bao nhiêu thì các thủ tục gây phiền hà cho LS càng tồn tại dai dẳng theo, ngay cả khi có Thông tư 70.

Một vấn đề nữa là việc Thông tư 70 không cho phép thân nhân của người bị tạm giữ/bị can mời LS là hạn chế rất lớn việc thực hiện quyền bào chữa của LS LS.Huỳnh Phương Nam (đoàn LS TP.Hà Nội) đánh giá, “Thông tư 70 trở thành rào cản cho việc mời LS bào chữa nếu không qui định “thoáng” hơn” bởi trước đây, Bộ Công an có Công văn 45 về việc LS được tham gia trong quá trình điều tra và có đưa ra qui định về việc thân nhân được quyền mời LS và được cơ quan tố tụng chấp nhận. Tuy nhiên, quyền này đã bị Thông tư 70 “loại trừ” bằng qui định chỉ người bị tạm giữ/tạm giam hoặc người nhà được ủy quyền thì mới có quyền mời LS nên khi điều tra viên không muốn cho LS tham gia vụ việc thì coi như LS “hết cửa” để được thực hiện quyền bào chữa.

Chỉ cần thực hiện “đúng và đủ”

Cùng “mong muốn” như nhiều đồng nghiệp, LS.Nguyễn Hữu Thế Trạch (Công ty Luật Anphana) – từng bị cơ quan điều tra ở Củ Chi (Tp.HCM) từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa chỉ vì lý do “bị can rất nguy hiểm” - kiến nghị phải bổ sung thêm chế tài áp dụng với điều tra viên để hạn chế những vi phạm, chỉ để cản trở LS tham gia vụ án.

Nhiều LS kiến nghị bổ sung thêm cơ chế giải quyết khiếu nại để LS có thể khiếu nại trực tiếp tới thủ trưởng của các cơ quan tiến hành tố tụng, hạn chế điều tra viên, cán bộ quản giáo kiểm soát LS khi gặp gỡ khách hàng để tránh “cho bị can, bị cáo bị tác động tâm lý, không dám “nói hết” với LS hay mời LS”. LS.Nguyễn Lê Vũ (đoàn LS TP.Đà Nẵng) cho rằng, “kiểm soát LS chỉ nên giám sát tầm nhìn mà không nên giám sát tầm nghe để tạo điều kiện cho bị can chủ động, thoải mái trao đổi thông tin với LS”…

Có đến 50,5% LS được hỏi vẫn cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng không tạo điều kiện cho người bị tạm giữ/bị can trong việc nhờ người bào chữa, thậm chí 12,5% LS được hỏi cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng ngăn cản người bị tạm giữ/bị can trong việc nhờ người bào chữa. Nhưng sau khi có quyết định khởi tố, chỉ còn 27,7% LS được hỏi cho rằng, người bị tạm giữ/bị can không đươc tạo điều kiện tiếp cận quyền bào chữa. 

Hải Nhật

Đọc thêm