Cụ thể, trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết.
Người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
Luật Tố cáo 2018 quy định rõ, người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc các trường hợp trên thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết.
Người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức hoặc không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ như của cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
Cũng theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh, Luật Tố cáo 2018 đã quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước.
Đó là, Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp.
Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo: hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp; hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do UBND cấp huyện quản lý trực tiếp.
Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tố cáo: hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan mình, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp; hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tố cáo: hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp; hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do UBND cấp tỉnh quản lý trực tiếp.
Tổng cục trưởng, Cục trưởng và cấp tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo: hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc tổng cục, cục và cấp tương đương, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp; hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền giải quyết tố cáo: hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp; hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ có thẩm quyền giải quyết tố cáo: hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp; hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giải quyết tố cáo: hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Bộ trưởng, Thứ trưởng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp; hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
Ngoài ra, luật còn bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong TAND, Viện KSND, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan khác của Nhà nước như tại các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp…
Theo quy định của Luật Tố cáo 2018, Chánh thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chánh thanh tra cấp tỉnh, Chánh thanh tra sở, Chánh thanh tra cấp huyện có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp khi được giao. Song song với đó là, xem xét việc giải quyết tố cáo mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp dưới trực tiếp của cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp xem xét, giải quyết lại. Tổng Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại, đề xuất việc giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ khi được giao; xem xét việc giải quyết tố cáo mà Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết lại. |