Ngay trong tháng 11/2019, lực lượng kiểm soát Hải quan đã trực tiếp và phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ, ngăn chặn nhiều vụ vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới vào Việt Nam với số lượng lớn.
Các đối tượng sử dụng thủ đoạn vận chuyển ma túy hết sức tinh vi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Trong đó các đối tượng đã trà trộn thảo mộc có chứa chất ma túy vào các mặt hàng tiêu dùng như bánh kẹo, sữa, trà, quần áo, đồ chơi… gửi theo loại hình quà biếu, quà tặng từ nước ngoài về Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế.
Cùng với hoạt động vận chuyển trái phép các chất ma túy, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tháng 11 năm 2019 vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp.
Ngay sau khi triển khai chỉ đạo của lãnh đạo các cấp về tăng cường công tác chống hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam, lực lượng Hải quan đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu vi phạm tại địa bàn các Cục Hải quan: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, TP Hải Phòng...
Hải quan cũng phát hiện vụ việc công ty nhập khẩu ô tô trong phần mềm định vị trên xe đã xuất hiện đường lưỡi bò, vi phạm nghiêm trọng tới chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Thống kê cho thấy, chỉ tính từ ngày 16/10/2019 đến ngày 15/11/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.121 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 158 tỷ 982 triệuđồng, số thu ngân sách đạt hơn 90 tỷđồng.
Lũy kế từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/11/2019, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 15.598 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.514 tỷ 741 triệu đồng; số thu ngân sách nhà nước đạt 346 tỷ 388 triệu đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành 36 quyết định khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 86 vụ.
Trước tình hình trên, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng, trong đó tập trung vào xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; nâng cao năng lực của lực lượng chuyên trách chống buôn lậu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các địa bàn trọng điểm, mặt hàng nhạy cảm.