Lừng danh võ thuật biên phòng và chó chiến đấu

(PLO) - Đứng tim, toát mồ hôi hột là cảm giác của tất cả mọi người khi xem màn biểu diễn võ thuật đẳng cấp của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng với chó chiến đấu. Năm 2015 và 2016, đoàn võ thuật Học viện Biên phòng và dàn chó nghiệp vụ Trường Trung cấp Nghiệp vụ 24 Biên phòng đã có nhiều buổi biểu diễn ngoạn mục phục vụ nhân dân khắp 3 miền và giao lưu quốc tế, được nhân dân ngợi khen và thán phục. 

Ngoài màn biểu diễn võ thuật đặc sắc của BĐBP gồm những bài quyền tổng hợp, đặc trưng của lính biên phòng, khán giả còn được xem BĐBP biểu diễn võ Wushu, trường côn, côn nhị khúc, phi đao, võ đối kháng…, đặc biệt là màn biểu diễn khí công hết sức ấn tượng, biểu thị sức mạnh “mình đồng, da sắt”, khả năng chịu đựng phi thường của lính đặc nhiệm biên phòng như vận khí công, biểu diễn thiết đầu công, dùng búa tạ, đập ngói để trên đầu; để lưng trần nằm lên những mảnh thuỷ tinh cho xe máy chạy qua người hay  lưng trần nằm lên thuỷ tinh, ngực làm bàn kê để đập vỡ tảng đá lớn.

Thông qua những đường đao, đường quyền, đường côn đầy linh hoạt, biến hóa, uyển chuyển nhưng cũng vô cùng uy lực và dũng mãnh, những người lính biên phòng một lần nữa khẳng định ý chí luyện rèn, quyết tâm phục vụ Tổ quốc, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân khu vực biên giới.

Một trong những người lính biên phòng có võ thuật đỉnh cao thường xuất hiện tại các buổi biểu diễn khiến người xem đứng tim, toát mồ hôi hột là Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Trường, Chủ nhiệm Bộ môn võ thuật, Khoa Vũ thuật - Đặc nhiệm Học viện Biên phòng. Đại tá Nguyễn Mạnh Trường sinh năm 1969, quê Sơn Tây, Hà Nội. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh thi đỗ vào trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Tại cái nôi võ thuật biên phòng này, Nguyễn Mạnh Trường đã hăng say luyện rèn, “tầm sư học đạo”. Cơ duyên đã đến với anh khi được học võ công của môn phái Thiếu Lâm Tự. 

Đại tá Trường cho biết: “Hàng ngày, tôi thường dậy từ 4 giờ sáng đến 5 giờ 30 phút để luyện tập khí công như luyện thở, rung khí, sung khí và luyện nội lực. Các bài tập này giúp cho cơ thể rắn chắc, có thể chịu được các tác động của ngoại lực. Để tập vận khí, tôi phải dùng côn tự đập vào người, sau đó nằm ngửa, hai tay cầm hai quả tạ đập vào bụng. Một trong những bài tập khó, phải khổ luyện trong nhiều năm là dùng yết hầu uốn cong cán thương, để ngói lên sau gáy rồi lấy búa đập vỡ. Bài tập nằm trên thủy tinh, có hai vận động viên đi xe máy lao qua bụng, thời gian đầu, tôi tập nằm trên bàn đinh và thủy tinh, cho người dẫm lên bụng để cơ thể chịu đựng sức nặng, sau đó cho người lái xe máy đè qua người”.

Có thể nói, Đại tá Trường là cả một quá trình khổ luyện, phải có lòng kiên trì, bền bỉ, có nghị lực, quyết tâm và cả sự dũng cảm. Thời gian đầu, Đại tá Trường dùng đũa đặt vào yết hầu rồi lấy tay đẩy gẫy, tiếp theo, dùng gậy để đẩy, giai đoạn cuối là dùng mũi thương nhọn đặt vào yết hầu rồi đẩy. Sau khi tập, khắp người đau ê ẩm, yết hầu bị sưng, nuốt cơm cũng thấy đau họng nhưng anh vẫn không nản chí. Đến nay, không chỉ một cây thương, mà hai cây thương cắm mũi vào yết hầu, anh Trường cũng dùng khí công và sức mạnh của cơ thể đẩy cong hai cán thương do hai vận động viên giữ, kết hợp với đập vỡ ngói trên lưng. 

Chó nghiệp vụ BĐBP từ lâu đã nổi danh với những chiến công cùng lực lượng biên phòng đánh bắt các loại tội phạm, phát hiện các loại ma túy, chất nổ, tìm kiếm cứu nạn, giám biệt nguồn hơi hỗ trợ điều tra hình sự… Để có được những chú chó tinh thông nghiệp vụ như vậy, không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn ở những chú chó nghiệp vụ mà cả huấn luyện viên cần tổng hợp rất nhiều kỹ năng. Từ kỹ thuật, phương pháp huấn luyện đến nền tảng thể lực, võ thuật, dũng cảm và tinh thông các kỹ năng phá án. 

* Dưới đây là một số hình ảnh về võ thuật đẳng cấp do Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Trường thể hiện và buổi biểu diễn của chó nghiệp vụ biên phòng:

Đọc thêm