Lương chưa tăng, giá đã tăng vù vù

Trước những biến động của giá vàng, USD và thông tin sẽ tăng lương từ 1.5.2011, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm lại tiếp tục được đà tăng vù vù. Các bà nội trợ kêu trời khi giá cả “phi mã” và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trước những biến động của giá vàng, USD và thông tin sẽ tăng lương từ 1.5.2011, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm lại tiếp tục được đà tăng vù vù. Các bà nội trợ kêu trời khi giá cả “phi mã” và chưa có dấu hiệu dừng lại. Phiên chợ ngày đầu tuần vẫn đông đúc, tấp nập, tuy nhiên trên khuôn mặt các bà nội trợ đều phảng phất nét ưu tư, lo lắng, nhiều bà nội trợ vừa mua hàng vừa lẩm bẩm, cau có vì gần như tất cả các mặt hàng đều tăng giá. Từ thịt lợn, thịt bò, tôm, cá, rau xanh đến gia vị, mắm muối… tất cả đều tăng 2-3 giá, có thứ lên đến 10 giá. 8h30 phút sáng, tại chợ Cầu Diễn, giá thịt lợn ba chỉ, thịt mông, thịt vai đều có giá chung là 75.000đ/kg, thịt thăn: 75-80.000đ/kg (tăng 10.000đ/kg), cá trắm, cá chép tăng nhẹ, tôm sú vừa: 180.000đ/kg (tăng 30.000đ/kg) gà tam hoàng sống 75.000đ/kg, gà tam hoàng thịt sẵn: 110.000đ/kg (tăng 20.000 đ/kg so với trước Đại lễ).
Qua khảo sát, các tiểu thương tại các chợ cho biết, giá cả tăng là do thông tin sắp tăng lương
Nhiều bà nội trợ ngẩn ngơ, đắn đo, cân nhắc khi chọn mua thực phẩm. Nhiều người cứ nâng lên, đặt xuống và đành lòng phải cắn răng mua vì không thể nhịn ăn, chỉ có điều không dám mua nhiều như trước. Chị Đỗ Thị Nga - ở Phú Diễn - Từ Liêm - Hà Nội vừa mở khẩu trang vừa than thở: “trước kia thì mua 5 lạng thịt cho cả nhà thì nay giảm còn 2-3 lạng. Mấy hôm Đại lễ thì bảo cấm xe, cấm đường nên thịt tăng giá, nay có cấm đường nữa đâu mà giá cả còn tăng hơn, cứ đà này không biết đến Tết còn tăng kiểu gì nữa!” Giải thích về hiện tượng tăng giá, chị Nguyễn Thị Lý - bán thịt chợ Cầu Diễn cho biết: “Thịt lợn tăng 10 giá so với trước Đại lễ. Giá mua vào tại lò mổ, chưa phân loại đã 58.000đ/kg rồi, giá thịt tăng như thế này bán không chạy hàng bằng trước mà lãi cũng không nhiều hơn được!”. Không những thịt, cá, tôm tăng giá mà rau xanh cũng tăng không kém; rau muống: 3.000đ/bó (tăng 1.000đ/bó), bắp cải: 10.000đ/kg (tăng 2- 3.000đ/kg), cà chua: 17.000đ/kg (tăng 2- 3.000đ/kg), su hào: 6.000đ/củ. Dạo qua hàng khô từ nước mắm đến dầu ăn, mì chính, gạo tẻ thứ gì cũng tăng. Dầu ăn Simply 37.000đ/1 lít (tăng 2.000đ/1lít), nước mắm Chin su 27.000đ/1 lít (tăng 2.000 đ/1lít), gạo Bắc hương: 14.000đ/kg (tăng 3.000đ/kg). Đấy là chợ ở ven ngoại ô, gần nhất với nơi cung cấp thực phẩm. Dịch phía trung tâm, tại chợ Nghĩa Tân - Cầu Giấy giá cả đã khác xa nhau, nhất là các loại thịt, cá, gà, chênh lệch nhất là rau xanh; rau muống 5.000đ/bó, thịt ba chỉ: 70.000đ/kg, thịt bò 150.000đ/kg, gà tam hoàng thịt sẵn: 130.000đ/kg, trứng gà công nghiệp từ 13.000đ/chục lên 18.000đ/chục. Anh Trần Đức Lượng - Thợ xây - người Hà Nam: “Bây giờ đi chợ mua cái gì cũng đắt; thịt ba chỉ cũng không dám mua nhiều, rau thì quá đắt, gia vị, mắm muối cũng vậy... tiền thuê nhà trọ chủ cũng đòi tăng mà tiền công thì không tăng”. Thực phẩm tăng giá nên hầu hết các quán ăn từ cơm, phở đến các quán cóc vỉa hè hàng xôi, trứng vịt lộn cũng tăng giá theo. “Mọi ngày ăn bát phở, bún bình dân 15.000 đồng thì mấy hôm nay phải trả 20.000 đồng, giá cả thế này thì một tháng cho con ăn được mấy bữa phở”- Chị Bùi Thanh Hương- Cổ Nhuế lắc đầu chia sẻ. Qua khảo sát, các tiểu thương tại các chợ cho biết, giá cả tăng là do thông tin sắp tăng lương. Bên cạnh đó là do vừa rồi dịch bệnh nhiều, nhiều gia đình giảm bớt chăn nuôi ở quy mô lớn, chỉ nuôi cầm chừng, thậm chí bỏ chuồng trại không. Vì vậy nguồn cung bị thu hẹp mà nhu cầu thì không giảm, chính vì vậy mà giá cả tăng là điều đương nhiên. Thực tế cho thấy, sự biến động giá của các chợ truyền thống, chợ cóc lớn hơn so với các siêu thị. Vậy phải chăng đã có tình trạng “Tát nước theo mưa” của các tiểu thương mỗi dịp tăng lương?
Theo Lao Động

Đọc thêm