Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình trả lời:
Khoản 2 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động.
Khoản 19 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP cho phép:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.
- Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, điểm a khoản 4 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định: Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.
Như vậy, theo các quy định nêu trên, người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội đúng mức đóng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội không đúng mức quy định sẽ bị xử phạt hành chính.