Lương tăng, người lao động bớt khó khăn

Từ 1-5, lương tháng tối thiểu chung sẽ tăng từ 540 nghìn đồng lên 650 nghìn đồng. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng cũng tăng thêm 5%...Đời sống của những người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách tiếp tục được cải thiện.

Theo Nghị định 33 của Chính phủ ban hành ngày 6-4-2009, mức lương tối thiểu chung 650 nghìn đồng/tháng áp dụng cho các đối tượng đang hưởng lương khu vực nhà nước. Mức lương này được dùng làm cơ sở để tính các mức lương trong hệ thống thang, bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật, cũng như được dùng để tính trợ cấp đối với lao động dôi dư theo Nghị định 110…

 

Cũng từ ngày 1-5, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng sẽ tăng thêm 5% đối với 5 nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, công nhân, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quyết định 91; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp…

 

Theo ước tính, mức lương hiện hưởng đã bị trượt giá 20%. Do vậy Nhà nước điều chỉnh mức lương lần này nhằm bù đắp một phần trượt giá, bảo đảm cuộc sống của người được hưởng lương, phụ cấp. Đây cũng là giải pháp tăng nguồn lực tiền tệ tiêu dùng, cải thiện đời sống, góp phần thúc đẩy sản xuất. Tăng lương cũng kéo theo nhiều băn khoăn, đó là sự tăng giá của các mặt hàng trên thị trường theo kiểu “té nước theo mưa” khiến đồng lương mất giá thực tế, đồng thời ảnh hưởng đến phần lớn người dân không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn bình ổn.

 

      Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Ngân sách đã được chuẩn bị trước vì đây là một lộ trình đã được tính toán kỹ, từ mức hưởng, thời điểm điều chỉnh tới nguồn trả lương...đều đã có trong dự toán ngân sách, được Quốc hội thông qua. Có khoảng 6-8 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên không có tác động lớn hoặc chi phối mạnh đến thị trường chung với khoảng 46 triệu lao động cả nước. Vì thế có thể khẳng định tăng lương không ảnh hưởng tới việc tăng giá.

 

Ông Phạm Thanh Tâm 70 tuổi, cán bộ hưu trí, ở ngõ 280, phố Tô Hiệu, phường Trại Cau (quận Lê Chân) cho biết: “Lương hưu của tôi là 1,2 triệu đồng, như vậy, mỗi tháng tôi có thêm 60 nghìn đồng. Tăng lương ở thời điểm này rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng người dân. Nhưng chúng tôi cũng mong rằng cùng với chính sách tăng lương, nhà nước có biện pháp quản lý thị trường, hạn chế tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá cả hàng hoá, dịch vụ để trục lợi bất chính”.

 

Tránh tình trạng tăng lương kéo theo “cơn bão giá” như đầu năm 2008, trong Nghị định 33 của Chính phủ về điều chỉnh mức lương tối thiểu, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ tuyệt đối không tuỳ tiện đẩy giá hàng hoá tiêu dùng, dịch vụ gây mất ổn định thị trường. Cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường cần tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời không để xảy ra “sốt” giá ảnh hưởng đến đời sống xã hội, người dân.

 

Thanh Giang

Đọc thêm