|
Chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân Việt Nam ở mức từ 24,5 đến 26,6, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới là nguyên nhân chính khiến hầu hết những viên chức làm công ăn lương hầu như không thể mua được nhà.
Nhịn ăn hơn 24 năm mới mua được nhà
Để có thể hình dung chỉ số đó cao như thế nào có thể tham khảo chỉ số giá nhà/thu nhập của khu vực Nam Á là 6,25, Đông Á 4,14, châu Phi 2,21, châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ 6,25, Mỹ La-tinh và Caribe 2,38.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết: Chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân được hiểu là giá của 1 căn nhà so với tổng thu nhập trong một năm của mỗi người. Với chỉ số như đã nêu trên, nếu không ăn không tiêu, dành toàn bộ tiền lương cho việc tạo lập chỗ ở thì người làm công ăn lương ở nước ta phải mất tới 24,5 - 26,6 năm mới mua được nhà. Trong khi theo Liên Hiệp Quốc, trung bình người dân trên thế giới chỉ phải mất 3 - 4 năm.
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hải (quê Thái Nguyên) đều đang làm việc cho các cơ quan nhà nước tại Hà Nội. Thu nhập mỗi tháng của cả hai khoảng trên 8 triệu đồng. Trừ chi phí ăn uống, thuê nhà, điện thoại, xăng xe..., tằn tiện lắm cũng chỉ dành dụm được trên 2 triệu đồng. Vì thế, dù có thâm niên công tác nhưng anh Hải vẫn chưa mua được nhà riêng. Theo anh, 5 năm nữa, nếu vẫn cứ chỉ trông vào lương, vợ chồng anh vẫn phải thuê nhà để ở vì giá nhà liên tục tăng cao, tiền lương không thể bù đắp được. “Cách đây 2 năm, tôi thiếu trên 600 triệu đồng là có thể mua nhà, giờ thì thiếu cả tỉ bạc. Cơ hội mua nhà ngày càng xa tầm tay”, anh Hải than thở.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Xây dựng, dù từ năm 1991, Nhà nước đã đưa tiền nhà ở vào tiền lương để người làm công ăn lương tự chủ trong việc tạo lập chỗ ở cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, cơ cấu tiền nhà tính trong tiền lương mới đạt từ 8 - 10%, trong khi chi phí cho nhà ở ngày càng lớn so với mức tiền lương thực tế được chi trả. Trong thời gian vừa qua, những người hưởng lương từ ngân sách, đặc biệt là công nhân KCN, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có khả năng tạo lập chỗ ở cho mình, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Nếu không ăn không tiêu, dành toàn bộ tiền lương cho việc tạo lập chỗ ở thì người làm công ăn lương ở nước ta phải mất tới 24,5 - 26,6 năm mới mua được nhà - Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhiều lần nói về mâu thuẫn giữa giá nhà đất và mức thu nhập của đại bộ phận người dân ở nước ta. Theo ông Nam, giá nhà ở Việt Nam hiện xếp thứ 20 trên thế giới trong khi về sự giàu có thì nước ta đứng thứ trên 100 thế giới. “Nếu chỉ trông vào thu nhập từ lương hiện nay chắc chắn không ai có thể mua được nhà tại các đô thị lớn, kể cả đó là nhà dành cho người có thu nhập thấp”, ông Nam nói. Theo ông, với những người mà tất cả các chi phí đều trông cả vào lương tháng vài triệu đồng thì dù có tiết kiệm lắm may ra mỗi tháng cũng chỉ “bỏ ống” được trên dưới 1 triệu đồng. Số tiền này chẳng thấm vào đâu so với giá những căn hộ trên 1 tỉ đồng, thậm chí là căn hộ thu nhập thấp có giá 400 - 500 triệu đồng đang chào bán trên thị trường Hà Nội và các TP lớn khác.
Lý giải về sự bất hợp lý trên, nhiều người cho rằng chủ yếu là do nguồn cung nhà ở tại các đô thị lớn hiện quá thiếu hụt so với nhu cầu chỗ ở của người dân. GS - TSKH Đặng Hùng Võ thì cho rằng, đây là hậu quả của việc trong suốt thời gian vừa qua chúng ta không kiểm soát được nạn đầu cơ bất động sản. “Thị trường nhà đất không minh bạch, tầng lớp trung gian giữa chủ đầu tư và người có nhu cầu chỗ ở thực sự vẫn hốt bạc, giá nhà đất bị đẩy lên quá cao, vượt xa giá trị thực của nó và vượt quá khả năng về tài chính của một bộ phận lớn dân cư dẫn đến sức ép về nhà ở ngày càng gia tăng”, ông Võ phân tích. Theo ông Võ, để giải bài toán này, Việt Nam cần đẩy mạnh việc chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, từng bước công khai minh bạch hoạt động đầu tư bất động sản và đẩy lùi nạn đầu cơ.
Thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở
Thời gian qua, chúng ta đã đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, chỗ ở cho công nhân KCN nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu về nơi ăn chốn ở cho đông đảo người dân nhưng kết quả, theo Bộ Xây dựng vẫn chưa được như mong muốn. Dự thảo ở trên đã đề xuất một loạt các giải pháp để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực tạo dựng chỗ ở cho người dân. Trong đó, các giải pháp về mặt tài chính, tín dụng phi ngân hàng như Quỹ Tín thác bất động sản, Quỹ Phát triển nhà ở và đặc biệt là Quỹ Tiết kiệm nhà ở được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá. Theo Bộ Xây dựng, Quỹ Tiết kiệm nhà ở nhằm hỗ trợ cho người có nhu cầu nhà ở nhưng thu nhập hạn chế. Nguồn vốn được hình thành từ đóng góp của người lao động từ tiền lương hằng tháng theo tỷ lệ quy định (có những quốc gia quy định ở mức cao từ 10 - 15%, mức thấp từ 3 - 5%). Mục đích sử dụng quỹ này là dùng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho người mua hoặc thuê nhà ở vay ưu đãi. Người gửi tiền sau 10 - 15 năm sẽ được mua nhà ở xã hội bằng tiền tiết kiệm. Nếu người gửi không có nhu cầu mua nhà ở thì khi nghỉ hưu sẽ được trả cả gốc lẫn lãi. Đây là mô hình được hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển áp dụng. “Quỹ nhằm hỗ trợ vốn trực tiếp cho người có nhu cầu về nhà ở, ngoài ra còn góp phần hỗ trợ cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để góp phần tăng nguồn cung về nhà ở, giải quyết khó khăn về chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các KCN...”, Bộ Xây dựng cho biết. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, cả nước hiện có khoảng 9 triệu người đi làm công ăn lương, chỉ cần mỗi người đóng vào 1% thu nhập hằng tháng thì con số của quỹ là cực kỳ lớn.
Tiền nhà ở trong tiền lương quá thấp
Bộ Xây dựng cho biết, kể từ khi bãi bỏ chế độ phân phối nhà ở và thực hiện đưa tiền nhà ở vào tiền lương, Nhà nước hầu như không bố trí ngân sách để đầu tư phát triển nhà ở. Tiền nhà ở trong tiền lương chưa được tính đúng, tính đủ, còn quá thấp so với giá nhà ở trên thị trường. Kể từ năm 1993 khi thực hiện cải cách tiền lương, với mức lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng, trong đó tiền nhà ở là 9.000 đồng, thì tỷ lệ tiền nhà ở trong tiền lương chiếm 7,5%. Mặc dù mức lương tối thiểu đã tăng lên 730.000 đồng/tháng như hiện nay, nhưng tính theo tỷ lệ trên thì tiền nhà ở trong tiền lương cũng chỉ là 54.750 đồng/tháng.
24H.COM.VN (Theo Thanh niên)