Sách điện tử, audio là một xu thế
Từ nhiều năm nay, sách in truyền thống đã bắt đầu chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của sách online, sách công nghệ. Sách công nghệ, tức là các loại hình sách dựa trên nền tảng của công nghệ, như sách điện tử, audio… Chính vì dựa trên nền tảng của công nghệ, nên công nghệ càng phát triển, các loại hình sách này càng có đất sống. Người ta ước tính, năm 2020, số người dùng smart phone trên toàn cầu xấp xỉ 6 tỉ người.
Trong đó, Việt Nam, quốc gia có số dân khiêm tốn đã đứng trong top 15 đất nước có số người dùng smart phone cao nhất. Số liệu người dùng điện thoại thông minh có thể chỉ ra thói quen của con người hiện đại. Một chiếc điện thoại không chỉ là công cụ làm việc, nó là tích hợp của nhiều loại máy móc, phương tiện giải trí khác nhau, trong đó có sách. Người dùng điện thoại thông minh có thể hoàn toàn không dùng đến sách giấy, bởi chỉ cần kết nối mạng và tải về, họ đã có kho sách Đông Tây kim cổ trong chiếc điện thoại nhỏ bé của mình.
Và nếu chán đọc chữ, sợ mỏi mắt, họ chỉ cần bật loa, cắm tai phone để nghe giọng đọc sách vang lên. Với sách điện tử, người đọc có thể chọn cỡ chữ nhỏ hay to tùy mắt nhìn. Với audio, người dùng được quyền chọn giọng đọc mà mình thích nghe. Từ giọng của máy đọc cho đến giọng con người, nam, nữ, già, trẻ. Nếu họ là khách VIP, trả tiền cho các ứng dụng đọc sách thì quyền lợi, lựa chọn còn nhiều hơn.
Với sách điện tử, audio, người dùng không phải mang những quyển sách cồng kềnh hàng trăm trang đi khắp nơi. Chiếc điện thoại kết nối mạng chứa đựng số lượng đầu sách nhiều như bất cứ một thư viện khổng lồ nào.
Cách đây khoảng chục năm, với sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại thông minh, kỉ nguyên của sách điện tử bắt đầu. Nhưng vài năm gần đây, sự tiện dụng đã khiến sách nói (audio books) lên ngôi. Xuất phát từ việc ứng dụng công nghệ để thực hiện sách dành cho người khiếm thị, giờ đây audio đã trở nên phổ biến, được số đông lựa chọn.
Với sách nói, người ta có thể vừa đọc sách (hay nói đúng hơn là nghe đọc sách), vừa rảnh tay làm bất cứ chuyện gì mình muốn. Ban đêm, người đọc không cần bật đèn ngủ, cứ thế nghe audio và thiếp đi, quả là một công đôi việc.
Đặc biệt, từ khi nền tảng youtube ra đời và phát triển, sách nói càng “có đất sống” hơn. Bởi youtube tiếp nhận file âm thanh, đồng thời sẵn sàng trả tiền cho các clip có lượng truy cập cao. Từ đó, nó thu hút hàng triệu người tham gia đọc sách, đăng tải.
Một ưu thế nổi bật khác của sách công nghệ, đó là nó cho phép nhiều người cùng tham gia hoạt động làm sách. Nếu như sách in hầu như là cuộc chơi chủ động của tác giả và người làm sách, độc giả chỉ thụ động tiếp nhận thì với sách điện tử, audio, người đọc hoàn toàn có thể tham gia vào quá trình xuất bản bằng cách lựa chọn những tác phẩm mình yêu thích để biến nó thành file sách điện tử, sách nói, đăng tải lên mạng cho thỏa thú vui hoặc kiếm tiền.
Một ví dụ, nhiều người dùng đam mê truyện trinh thám trên Youtube có biết một giọng đọc trầm ấm, giàu cảm xúc của người đàn ông trung niên tự giới thiệu Nhà giáo Ngọc Như. Với kênh Đọc truyện nổi tiếng, nhà giáo hưu trí này đã có được niềm vui của mình khi xuất bản một clip sách nói vào mỗi đêm, được nhiều người nghe hâm mộ, tương tác…
Sách điện tử là một xu thế. |
Sách điện tử, sách nói cũng giúp cho nhiều người có thể thoải mái thỏa đam mê sáng tác của mình. Muốn xuất bản một sách in truyền thống, tác giả sẽ phải trải qua nhiều khâu, từ xin giấy phép cho đến liên hệ phát hành, rồi thuê thiết kế, bỏ tiền in ấn… Nhưng với sách công nghệ, đơn giản họ chỉ cần đánh máy, thu âm, rồi đăng tải. Thế là “tác phẩm” ra đời. Nhiều người trở thành “nhà văn online”, bỗng dưng nổi tiếng, thậm chí kiếm nhiều tiền, mà không cần qua xuất bản sách là như thế.
Cầm quyển sách trên tay
Với quá nhiều ưu thế vượt trội, có thể nói, sách công nghệ đang dần dà lấn lướt sách in truyền thống. Thế nhưng, đôi khi ưu điểm lại đi cùng khuyết điểm. Không khó để nhận thấy, với sự dễ dãi, tự do trong xuất bản, các sản phẩm sách công nghệ có chất lượng không ổn định.
Người ta cũng có thể tìm được một tác phẩm chất lượng ở sách công nghệ, nhưng cũng không ít lần phải lắc đầu vì những tác phẩm hay đã bị giảm giá trị bởi những “hạt sạn” không đáng có, bởi đánh máy sai, nhiều lỗi, hay bởi giọng đọc vấp váp, vô hồn.
Đặc biệt là ở dòng sách tự sáng tác. Bởi vì không qua khâu kiểm duyệt, chạy đua với lợi nhuận và sự nổi tiếng, nhiều “nhà văn online” đã tung ra những tác phẩm hết sức “câu view”, “giật gân”, phản cảm, khơi gợi thị hiếu thấp kém ở người đọc.
Ở khía cạnh này thì sách giấy lại khiến người đọc an tâm hơn nhiều. Bởi, mỗi một quyển sách đã trải qua biết bao công đoạn, từ biên dịch, biên tập, kiểm duyệt, xuất bản, khi đến tay người đọc là đã chỉn chu, hầu như trọn vẹn.
Hơn thế nữa, mỗi một quyển sách in, chưa biết nội dung thế nào nhưng khiến người ta cảm thấy có giá trị cao, có hồn hơn nhiều so với những file chữ, file âm thanh. Bởi một quyển sách là một tác phẩm được đầu tư không chỉ nội dung mà còn hình thức. Bìa sách được thiết kế trang trọng bởi người họa sĩ. Rồi giấy được chọn in bằng loại nào, cỡ chữ ra sao, font chữ thế nào… Quyển sách chứa đựng bao tâm tư của người làm sách ở trong ấy.
Có lẽ, chính vì thế mà mặc cho bao lời tiên đoán rồi sẽ “đến ngày tàn”, sách in truyền thống vẫn ung dung có một đời sống riêng của mình, với biết bao “fan hâm mộ” trung thành. Những buổi tối trong tuần, đi dạo các nhà sách bất kì trong thành phố, vẫn thấy người người đứng rải rác ở các kệ sách, mân mê chọn lựa.
Buổi sáng cuối tuần, ra đường sách Nguyễn Văn Bình sẽ thấy những cảnh tượng rất đẹp, rất thơ. Những hiệu sách đông vui khách mua. Những quán cafe sách với không ít khách ngồi trầm tư, lặng lẽ, vừa nhấm nháp ly cafe, vừa đọc một quyển sách.
Phan Anh Nhi, nhân viên truyền thông một công ty trên địa bàn quận 1, TP HCM chia sẻ: “Hầu như cuối tuần nào tôi cũng có hẹn bạn bè ở đường sách. Lúc thì trò chuyện rôm rả, khi thì mỗi đứa một góc, đọc quyển sách mình vừa mới mua. Với tôi, cảm giác bước vào hiệu sách, mua sách, cầm trên tay quyển sách, mở ra nghe mùi thơm giấy mới là cảm giác thật tuyệt vời. Giá trị của quyển sách nằm ở cả nội dung và những cảm xúc như trên, mà những dòng chữ của sách điện tử không thể nào mang lại”.
Không ít người, cũng như cô gái hiện đại Anh Nhi nói trên, chọn mua sách in thay vì đọc sách điện tử, là bởi muốn tận hưởng cảm giác khi cầm một quyển sách trên tay, khi nghe mùi thơm giấy mới, khi lật giở từng trang sách. Và cũng không ít người bảo rằng, không hiểu sao, cùng một nội dung như thế, mà đọc sách giấy lại thấy hay ho, thu hút hơn so với đọc sách điện tử nhiều.
Phải chăng, cũng là từ nhiều khía cạnh cảm xúc mà sách in mang lại đã tác động vào tâm hồn người đọc? Hay việc bỏ tiền ra mua, rồi chậm rãi thưởng thức một quyển sách, sẽ khiến người đọc thấy quyển sách ấy đáng nâng niu hơn, giá trị hơn việc “đọc chùa”?
Nhiều người trẻ giờ đây, trên đường đi du lịch, khám phá cuộc sống, hành trang của họ là một quyển sách in mà họ tâm đắc. Bởi, trên bờ biển êm ả, bên cạnh một mặt hồ, dưới một rừng thông hay ngồi dưới hiên một ngôi nhà nhỏ, không ai bầu bạn với người ta tốt hơn là một quyển sách. Cầm quyển sách trên tay không chỉ là một hành động đọc. Đó còn là cách người ta khiến tâm hồn mình bình yên hơn.
Như lời chia sẻ của chị Ngô Phương Thảo, Giám đốc AnBooks, một người tâm huyết với sách: “Sách truyền thống có cái “duyên” của nó. Thực ra thì việc ngồi xuống đọc một cuốn sách bao hàm cả việc dành thời gian cho đời sống tinh thần, tâm hồn của một con người. Những lúc ấy họ không muốn cầm một thiết bị điện tử đâu dù có thể nó tiện hơn nhiều.
Những người đọc sách giấy là những người nâng niu tâm hồn của mình. Cảm giác chạm vào sách giấy và để chúng lên tủ, kệ sách, viết những dòng chữ để tặng người mình thương, rồi người được thương lại tặng cuốn sách ấy cho những người thương khác. Đó là đạo rồi, mà đạo thì đâu thể mất đi”.