Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất đối với việc xuất bản sách số hay sách công nghệ tại nước ta là bởi vẫn còn thiếu vắng một hành lang pháp lý nhằm đảm bảo đồng bộ quy trình xuất bản sách trên Internet, ngăn ngừa tình trạng ăn cắp bản quyền.
Xu hướng của tương lai
Trong nhiều năm nay, có thể thấy mảng sách về quản trị kinh doanh, khởi nghiệp và kỹ năng cho người lao động được quan tâm hàng đầu, có lượng tiêu thụ cao nhất so với các dòng sách khác. Chúng ta cũng thấy những bước chuyển đổi mạnh mẽ của dòng sách này từ sách truyền thống sang nội dung số. Nguyên nhân đơn giản bởi bạn đọc hay doanh nghiệp cần tri thức, chứ không chỉ là quyển sách.
Bên cạnh việc đọc sách, bạn đọc muốn áp dụng trên thực tế vẫn phải tìm hiểu thêm trên Internet nhưng thông tin ngoài lề để cụ thể hoá nội dung trong sách hoặc phản biện. Đơn cử các văn bản và định dạng cung cấp tri thức khác như các mẫu thuyết trình, các mẫu kế hoạch kinh doanh, hợp đồng hoặc báo cáo, bài nghiên cứu… thường không cùng xuất hiện trong một cuốn sách mà rải rác trong nhiều tài liệu và trên Internet.
Nhận định này cũng có thể áp dụng với các dòng sách khác như lịch sử, triết học, hội họa, âm nhạc, khoa học, y học, công nghệ, giáo dục… Bởi đây đều là những lĩnh vực người Việt quan tâm ngày càng nhiều trong thời gian qua. Đơn cử, vấn đề sức khoẻ càng ngày được chú ý nhiều hơn, đặc biệt trong giai đoạn cả thế giới phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay. Với nhu cầu tìm kiếm tri thức cập nhật nhất, thời sự nhất, dễ truy cập và tiếp cận nhất, nền tảng sách số rõ ràng có nhiều ưu việt hơn hẳn so với sách truyền thống trước đây.
Xuất bản sách số còn là xây dựng một nền tảng kho dữ liệu số và nội dung số đa dạng về các chủ đề xã hội quan tâm |
Xuất bản sách số không chỉ tóm gọn trong việc tạo ra sách điện tử như ebook, audiobook… mà nên được hiểu rộng hơn là việc xây dựng một nền tảng kho dữ liệu số và nội dung số đa dạng về các chủ đề xã hội quan tâm. Từ đó, chuyển đổi qua các định dạng khác nhau như ebook, audiobook, video clip, phim ảnh… và phổ cập qua nhiều kênh thông tin số như mạng xã hội. Điều mà những hệ thống truyền hình lớn trên thế giới như National Geographic, Discovery, Netflix… chính là đưa kiến thức tới người dùng ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, kể cả khi họ ở nhà, trước khi đi ngủ.
Mặt khác, các trường đại học lớn như Oxford, MIT, Harvard… đều có kho tài liệu số, sinh viên có thể tiếp cận với nguồn tài liệu, giáo trình luôn được cập nhật nhanh chóng này một cách đơn giản thông qua Internet. Phép so sánh cho thấy, tại các trường học tại Việt nam, hầu hết học sinh, sinh viên vẫn phải học và được giảng dạy trên sách giáo khoa, giáo trình ít có tính cập nhật. Cập nhật chậm rõ ràng là một bất lợi của nền tảng sách giấy truyền thống.
Vẫn còn muôn vàn gian nan
Dù vậy, khách quan mà nói, quá trình chuyển dịch qua xuất bản trên nền tảng số gặp vô vàn khó khăn trong điều kiện kinh tế, xã hội nước ta hiện nay. Đáng nói nhất chính là nhận thức và ý thức tuân thủ của người dân về vấn đề tôn trọng bản quyền. Đối với sách giấy, việc sao chép lậu và các hình thức vi phạm bản quyền khác tương đối đơn giản, thậm chí tràn lan trên thị trường mà việc phát hiện và xử phạt lại hiếm hoi. Đối với nội dung số, việc sao chép còn đơn giản hơn.
Mặt khác, nhân sự của ngành xuất bản công nghệ chủ yếu đang chuyển dịch từ xuất bản truyền thống, không đủ các kĩ năng cần thiết để làm việc trong môi trường mới này. Bên cạnh đó, thị trường nội dung số vẫn mới chỉ manh nha ở Việt nam. Có thể khẳng định, trước dịch Covid-19, nhu cầu về nội dung số hầu như rất thấp. Như vậy, thị trường nhỏ, doanh số thấp, không thể thu hút được nhân lực giỏi, có thể tạo ra sự đột phá, đặc biệt trong những giai đoạn “chuyển mình” như lúc này.
Về thực trạng xuất bản công nghệ ở nước ta, mọi người đều nói về chuyện đưa công nghệ vào xuất bản. Nhưng cần phải làm gì để phát triển xuất bản điện tử thì chưa đơn vị nào đưa ra được phương hướng cụ thể. Chưa kể, không nhiều nhà xuất bản muốn thay đổi tư duy làm sách truyền thống để chạy theo xu hướng nền tảng số. Muốn cải cách, động lực phải đến từ các đơn vị trong ngành xuất bản và các đơn vị chuẩn bị bước chân vào ngành xuất bản. Những nhân tố mới trong ngành xuất bản sẽ tạo nên sự đột phá.
Chia sẻ với zingnews.vn, ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch HĐQT Alpha Books cho biết: “Lâu nay để định giá các ấn phẩm xuất bản, chúng ta vẫn dựa vào số trang và chất lượng in. Nhưng chúng ta phải dựa vào các yếu tố như nội dung bên trong của tác phẩm để định giá nó. Chúng ta không bán giấy, chúng ta bán các tri thức, bán trí tuệ, bán các phương thức quản lý…”. Đây chỉ là một trong những hướng tư duy mới về xuất bản mà không phải ai cũng dễ dàng tiếp nhận và áp dụng hiệu quả. Hiện dự án ipub.vn của Alpha Books là một trong những nền tảng kết nối xuất bản số đang nhận được nhiều kỳ vọng.
Dù vậy, khó khăn nhất đối với ngành xuất bản nội dung số tại Việt nam hiện nay chính là thiếu vắng các chính sách, quy định pháp lý phù hợp với thực tế. Trong đó, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định nào cụ thể về quy trình xuất bản và kiểm tra, kiểm duyệt nội dung xuất bản trên nền tảng Internet. Trong quá trình cả nước đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục rườm ra, không cần thiết, nhiều nhà xuất bản cũng mong muốn việc cấp phép được đẩy nhanh tiến độ.
Đặc biệt đối với nội dung số, tiến độ cấp phép có ý nghĩa rất to lớn đối với việc xuất bản và phát hành ấn phẩm phù hợp, kịp thời với thời cuộc. Quan trọng hơn hết, dù pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ đã được quy định nhưng chưa có sự kiểm tra sát sao và các chế tài đủ sức răn đe để ngăn chặn tình trạng xâm phạm bản quyền ngang nhiên và tràn lan như hiện nay.