Đăng ký khai sinh là quyền và nghĩa vụ của công dân được Nhà nước thừa nhận và quy định. Điều 29 Bộ luật Dân sự nêu rõ, cá nhân sinh ra có quyền được khai sinh. Nghị định 158, Nghị định 06 về đăng ký và quản lý hộ tịch đã xác lập những thủ tục thông thoáng hơn đảm bảo cho mọi công dân khi sinh ra đều được đăng ký khai sinh.
|
Đăng ký khai sinh. Ảnh minh họa |
Các quy định mới về đăng ký khai sinh như ủy quyền cho người khác thực hiện đăng ký khai sinh, mở rộng thẩm quyền đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh kết hợp với việc nhận con, đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi… đều nhằm hướng tới đảm bảo quyền khai sinh của công dân.
Một trong những nội dung khai sinh còn có việc đăng ký lại việc sinh theo pháp luật hiện hành cũng được giải quyết một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có quyền đăng ký khai sinh một khi việc sinh đã được đăng ký nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được thì được đăng ký lại.
Người đi đăng ký lại việc sinh phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây (nếu có), nếu không còn bản sao giấy tờ hộ tịch thì viết bản cam đoan về việc đã đăng ký, nhưng không còn lưu được sổ hộ tịch và chịu trách nhiệm về nội dung cam đoan. Tuy nhiên, trong trường hợp công dân còn bản chính giấy khai sinh và xuất trình khi yêu cầu đăng ký lại việc sinh thì khi đăng ký, công chức tư pháp – hộ tịch cần chú ý khi giải quyết.
Đơn cử trường hợp ông Võ V. H. ngày 20/3/2013 có đến UBND xã L.T, huyện L.V, tỉnh Đ.T yêu cầu cấp bản sao khai sinh cho cháu ngoại tên Võ H. K. và có trình bản chính giấy khai sinh để đối chiếu, tuy nhiên bản chính giấy khai sinh không có số thứ tự, thấy vậy, do không kiểm tra lại sổ đăng ký khai sinh nên công chức tư pháp – hộ tịch tiến hành đăng ký lại việc sinh cho cháu ông H. dẫn đến trường hợp đương sự có 02 bản chính giấy khai sinh và 02 sổ đăng ký khai sinh có thông tin đăng ký của đương sự. Do đăng ký lại việc sinh không đúng theo quy định của Nghị định 158 và Nghị định 06 nên UBND xã L.T phải đề nghị UBND huyện ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh do cấp trái quy định.
Tương tự, ngày 13/5/2013, bà N.T.T.M đến UBND xã L.H yêu cầu cấp bản sao giấy khai sinh cho con là L.X.D, tuy nhiên do không kiểm tra kỹ thông tin đương sự và sổ đăng ký khai sinh nên công chức tư pháp – hộ tịch tiến hành cho đăng ký lại việc sinh cho đương sự dù qua kiểm tra lại sổ đăng ký khai sinh năm 1996 vẫn còn thông tin đăng ký khai sinh của đương sự. Từ đó phải đề nghị UBND huyện thu hồi, hủy bỏ trường hợp đăng ký lại việc sinh đã đăng ký lại việc sinh không đúng quy định.
Như vậy, 2 trường hợp nêu trên do không kiểm tra đầy đủ thông tin từ sổ lưu và không chú ý đến các quy định về đăng ký lại việc sinh nên đăng ký lại việc sinh sai quy định nên phải đề nghị UBND huyện thu hồi, hủy bỏ trường hợp đăng ký lại việc sinh sai quy định.
N.T.X