"Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long": Thuần Việt đến đâu?

Theo đúng tiến độ lên sóng tháng Chín, phim truyền hình 19 tập Lý Công Uẩn- đường tới thành Thăng Long sẽ là phim đầu tiên ra mắt chào mừng đại lễ.

Theo đúng tiến độ lên sóng tháng Chín, phim truyền hình 19 tập Lý Công Uẩn- đường tới thành Thăng Long sẽ là phim đầu tiên ra mắt chào mừng đại lễ. 2/3 đạo diễn người Trung Quốc, biên kịch cũng có đóng góp của Trung Quốc. 2/3 cảnh quay tại Trung Quốc. Liệu phim có giữ được bản sắc Việt Nam? Được biết đây là phim chào mừng đại lễ có kinh phí cao nhất, hơn 100 tỷ đồng huy động từ doanh nghiệp, cá nhân, ngân hàng. “Chúng tôi kỳ vọng bán ra quốc tế, mới dám đầu tư mức đó”, đại diện nhà sản xuất, ông Trịnh Văn Sơn nói. Cái đích nhắm đến là một số đài truyền hình Trung Quốc, các nước ASEAN và cả châu Âu.
Giáp trụ tướng lĩnh trong đội quân của Đinh Bộ Lĩnh trong phim.
Giáp trụ tướng lĩnh trong đội quân của Đinh Bộ Lĩnh trong phim.
Trịnh Văn Sơn - tác giả kịch bản phim - là giám đốc công ty truyền thông Trường Thành- đơn vị sản xuất phim. Tháng 2-2009, chắc chắn phim nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn không đưa vào sản xuất, ông Sơn mới yên tâm làm kịch bản, mất 5 tháng. “Kịch bản gắn với chuyện lịch sử. Tôi chỉ hư cấu những gì thật hợp lý”, tác giả cho biết. Phim bắt đầu từ giai đoạn Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thời thơ ấu của Lý Công Uẩn... và kết thúc khi việc dời đô hoàn tất. Phim quay trong vẻn vẹn 4 tháng, hiện ở giai đoạn hậu kỳ. Trịnh Văn Sơn nói: “Không dễ mời đạo diễn Trung Quốc. Nếu phim không có đẳng cấp thì họ mất thương hiệu”. Tổng đạo diễn Cận Đức Mậu là tác giả phim Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên, Đại Tống khai quốc... Trịnh Văn Sơn nhận xét về Cận Đức Mậu: “Có kinh nghiệm, có tâm. Đặc biệt thấy một doanh nghiệp làm phim như thế này, ông ấy rất cảm động. Trước khi bấm máy, ông sang thắp hương đền vua Đinh, vua Lê, đền Đô, khảo sát các địa danh lịch sử”. Được biết diễn viên Việt Nam, kể cả người có danh, vẫn gặp khó khăn khi làm việc với ê-kíp Trung Quốc. Nhà sản xuất từng phải chia tay một đạo diễn Trung Quốc, chỉ vì ông này muốn diễn viên ta ra trường quay diễn luôn. Cận Đức Mậu được chọn cũng vì đồng ý phụ đạo cho diễn viên Việt Nam. Khóa học trước khi quay này kéo dài một tháng, bao gồm cả môn... thể dục. Về độ chuyên nghiệp của ê-kíp Trung Quốc, nhà sản xuất ví dụ: “Một ngày họ quay 10 trang kịch bản. Mình chỉ quay được 3-4 trang. Khi đạo diễn hô cắt, toàn bộ chuyển sang cảnh tiếp theo. Đạo diễn chỉ việc chỉnh sửa, vài phút sau bấm máy ngay. Trong khi ở Việt Nam, nói chuyển cảnh nhưng vẫn cứ thoải mái...”. Để có những cảnh võ thuật chân thực, hoành tráng, diễn viên đóng thế phải đánh thật, và “bị vụt sưng hết cả người”. Những cảnh quan trọng nhất của phim quay tại Việt Nam như cảnh vua cày tịch điền, cảnh nông thôn (quay ở một khu du lịch). Đặc biệt, cảnh dời đô từ bến Trường Yên, trên dòng Hoàng Long diễn ra sau thời điểm lịch sử đúng 1.000 năm. Nếu ai xem đoạn trailer rồi bảo phim giống Trung Quốc, Trịnh Văn Sơn sẽ nói: “Đấy là cái khổ của phim lịch sử Việt Nam. Dân mình chưa có gì để đối chứng, nên nhìn trang phục nghĩ ngay là của Trung Quốc”. GS.TS Đoàn Thị Tình- nhà thiết kế phục trang cho phim nói: “Chúng tôi không ngại gì khi có phản hồi rằng trang phục trong phim giống Trung Quốc. Chúng tôi có giải thích thì người nghe cũng phải có thời gian chiêm nghiệm, nghiên cứu mới hiểu được”. Việc thiết kế trang phục cho phim dựa trên hai nguồn: Miêu tả của thư tịch cổ và tượng thời Lý tại đình đền. Long bào của vua Lý dựa theo tượng vua Lý ở chùa Kiến Sơ (Hà Nội). “Giáp trụ của tướng lĩnh dựa vào 8 pho tượng Kim Cương tại các chùa ở Bắc Ninh, Hà Nam - Bà Tình cho biết, một bộ áo giáp cho sân khấu ở Việt Nam chỉ có thể làm thủ công trong vài tháng, và cũng không thể đáp ứng được yêu cầu của điện ảnh. Cho nên việc sản xuất trang phục cho phim phải đặt ở Trung Quốc”.
Theo N.M.Hà
Tiền Phong

Đọc thêm