[links()]Nhiều người quan niệm vợ chồng đã ra tòa là chấm hết: Yêu thương không còn, tài sản và cả con cái cũng đem chia, bản án ly hôn sẽ kết thúc mọi ràng buộc. Về lý là như vậy, nhưng dẫu tình nghĩa vợ chồng đứt đoạn thì giữa họ vẫn còn những đứa con, hơn bao giờ hết chúng cần sự thăm nuôi khi thiếu vắng một bên cha hoặc mẹ.
|
Hãy trao đổi, bàn bạc với nhau cách chăm sóc, nuôi dạy con cái trong điều kiện mới để đứa trẻ luôn cảm nhận được đầy đủ tình thương. |
Nhưng ngay cả quyền thăm nuôi nhiều khi cũng rất khó thực hiện. Một phần vì người được quyền nuôi con muốn được sở hữu “trọn vẹn”, muốn chia rẽ, muốn đứa con “dứt” tình máu mủ với người kia. Người ta dùng mọi biện pháp để cấm cản cha/mẹ gặp con. Đơn giản là tránh mặt, giấu con đi chỗ khác, hay làm méo mó hình ảnh của người kia trong mắt trẻ, thậm chí còn dùng cả bạo lực.
Một vụ án ở TP HCM vừa qua là ví dụ. Vì muốn thăm con mà người cha đã bị em vợ giết chết ngay trước cửa nhà vợ... Nói như vậy để thấy rằng, khi không còn tình nghĩa với nhau, nhiều người còn tuyệt tình bằng cách chặt đứt mối quan hệ máu mủ ruột rà với trăm phương ngàn kế.
Luật Hôn nhân và Gia đình quy định sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Về quyền thăm con, Luật quy định sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Nhưng thực tế cho thấy, dù việc cản trở thăm nom con diễn ra rất phổ biến nhưng hiếm có trường hợp nào bị xử lý, bởi người ta vẫn có tâm lý e ngại, con cái là chuyện của mỗi gia đình, can thiệp vào không những không kết quả mà còn dễ “mang vạ vào thân”.
Vì thế, người có quyền được thăm nom con nhiều khi vẫn phải ngậm đắng nuốt cay… Lại có những trường hợp lợi dụng quyền thăm nom gây phiền toái cho người kia, dù họ không có nhu cầu thăm con thực sự. Họ dùng đứa con làm phương tiện phá bĩnh khi thấy người cũ đang yên ổn, hạnh phúc, hay ít ra để thỏa mãn sự cay cú nào đó mà dù đã ly hôn, họ vẫn mang theo trong lòng.
Dù có bị pháp luật xử lý hay không thì việc gây khó khăn cho người cũ trong việc thăm nom con là hành động không xứng với những người làm cha, làm mẹ. Vì lý do nào đó, họ ly hôn đã là một thiệt thòi lớn cho con trẻ khi cả tương lai phía trước chúng phải sống trong cảnh “thiếu hụt”. Vì thế, nếu không còn có thể làm gì được cho con thì chí ít hãy biết tuân thủ pháp luật để đừng làm tổn thương chúng.
Luật sư Đỗ Minh Thu - Giám đốc Cty Luật TNHH Minh Thu (Nam Định): Phải có biện pháp đảm bảo quyền thăm nuôi con sau ly hôn - Khi tình đã cạn, nhiều trường hợp đương sự quyết giành giật quyền nuôi con cốt chỉ để thỏa mãn tự ái, rốt cục một lần nữa lại gây đau khổ cho con. Chưa hết, khi giành được quyền nuôi con, họ lại tìm cách ngăn cản, thậm chí cách ly không cho vợ/chồng cũ được thực hiện quyền chăm sóc, thăm nuôi con dù pháp luật quy định rõ: vợ/chồng được quyền tự do chăm sóc, thăm nom con, không bên nào được cản trở. Ở chiều hướng ngược lại, pháp luật quy định trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là hành vi “cản trở” hoặc “gây ảnh hướng xấu” của một bên không trực tiếp nuôi con không dễ. Tình yêu thương đối với con cái thì cha mẹ nào cũng có. Chia tay là chuyện không ai muốn nên nếu có xảy ra thì vợ/chồng hãy dùng tình thương ấy để trao đổi, bàn bạc với nhau cách chăm sóc, nuôi dạy con cái trong điều kiện mới để đứa trẻ luôn cảm nhận được đầy đủ tình thương của cả cha và mẹ, dù không được sống dưới một mái ấm trọn vẹn. |
P.V.